27/07/2024 13:00 GMT+7

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc

Đến cuối ngày thi đấu đầu tiên, tuyển Mỹ mới giành được tấm HCV đầu tiên tại Olympic Paris 2024, khi tuyển bơi tiếp sức 4x100m tự do nam của họ giành chiến thắng thuyết phục

Ngày thi đấu 27-7 mở màn với nhiều nội dung hấp dẫn ở các môn bơi lội, chèo thuyền, bắn súng, nhảy cầu, đấu kiếm, judo... Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đoạt HCV ở Paris 2024, khi 2 VĐV Sheng Lihao và Huang Yutin vô địch nội dung 10m súng trường hơi hỗn hợp đồng đội. 

Trung Quốc tiếp tục đoạt thêm 1 HCV nữa ở môn nhảy cầu. Tiếp đó, những nền thể thao hùng mạnh như Úc, Pháp, Nhật... đều lần lượt có HCV ở các nội dung sở trường. Phải đến cuối ngày (rạng sáng 28-7, giờ Việt Nam), Mỹ mới có HCV đầu tiên khi tuyển bơi tiếp sức 4x100m tự do nam của họ giành chiến thắng thuyết phục.

Đoàn thể thao Việt Nam cũng tạo dấu ấn với chiến tích vượt qua vòng loại của nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Cô gái sinh năm 2000 xếp hạng 4 vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, qua giành 1 trong 8 tấm vé vào chung kết.  

Dưới đây là những diễn biến chính của ngày thi đấu đầu tiên Olympic Paris 2024:

3h15, Hàn Quốc giành HCV cuối cùng trong ngày khi kiếm sĩ Oh Sanguk đánh bại đối thủ Ferjani (Tunisia) với tỷ số 15-11 trong trận chung kết kiếm chém cá nhân nam. 

Các nam kình ngư Mỹ ăn mừng khi giành HCV đầu tiên cho nước nhà ở Paris 2024 - Ảnh: REUTERS

Các nam kình ngư Mỹ ăn mừng khi giành HCV đầu tiên cho nước nhà ở Paris 2024 - Ảnh: REUTERS

2h55, Sau thất bại của các cô gái, các nam kình ngư Mỹ đã gỡ gạc lại thể diện khi giành HCV nội dung tiếp sức 4x100m tự do nam. Họ về đích với thời gian 3 phút 9,28 giây, bỏ khá xa tuyển Úc (3 phút 10,35 giây) và tuyển Ý (3 phút 10,7 giây).

2h45, tuyển bơi Úc lại đánh bại Mỹ ở nội dung tiếp sức 4x100m tự do nữ. Các nữ kình ngư của Úc về đích với thời gian 3 phút 28,92 giây, xếp trên Mỹ (3 phút 30,2 giây) và Trung Quốc (3 phút 30,3 giây). Đây là kỳ Olympic thứ 2 liên tiếp Úc vượt mặt Mỹ ở nội dung này.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 2.

Nữ kình ngư Titmus (giữa) đoạt HCV 400m tự do nữ - Ảnh: REUTERS

2h02, Kình ngư Ariarne Titmus của Úc đã bảo vệ thành công tấm HCV nội dung 400m tự do nữ. Cô về đích với thành tích 3 phút 57,49 giây, vượt qua McIntosh của Canada (3 phút 58,37 giây) và "nữ hoàng bơi lội" người Mỹ Katie Ledecky (4 phút 0,86 giây).

1h52, Kình ngư Lukas Maertens giành HCV nội dung 400m tự do nam với thành tích 3 phút 41,78 giây. Người giành HCB là Winnington (Úc), 3 phút 42,21 giây, còn Kim Woomin (Hàn Quốc) giành HCĐ. 

1h45 ngày 28-7, Tuyển Mỹ áp đảo ở bán kết nội dung bơi 100m bướm nữ. 2 kình ngư Gretchen Walsh và Torri Huske đã xuất sắc dẫn đầu vòng bán kết với thành tích lần lượt là 55,38 và 56 giây. Kình ngư Trung Quốc Zhang Yufei xếp hạng ba với thành tích 56,15 giây.

21h30, Hà Thị Linh đánh bại đối thủ người Tonga. Đối thủ của Hà Thị Linh ở trận đấu vòng loại là tay đấm không được đánh giá cao Feofaaki Epenisa (Tonga) xếp hạng 262 thế giới nhưng ở hạng cân 57kg sở trường.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 3.

Hà Thị Linh (áo xanh) giành chiến thắng với điểm số áp đảo trước Feofaaki Epenisa ở vòng loại hạng cân 60kg nữ môn boxing Olympic 2024 - Ảnh: Chụp màn hình

Xuyên suốt trận đấu, tay đấm boxing Việt Nam thi đấu lấn lướt với nhiều lần ra đòn chính xác. Chung cuộc, tay đấm Hà Thị Linh giành chiến thắng 5-0 trước Feofaaki Epenisa với các tỉ số 30/26, 30/26, 30/27, 30/27 và 30/25.

Ở vòng 16 tay đấm hạng cân 60kg nữ, Hà Thị Linh sẽ gặp thử thách lớn khi chạm trán với tay đấm người Trung Quốc được xếp hạt giống Yang Wenlu (hạng 4 thế giới).Yang Wenlu từng thắng Hà Thị Linh ở vòng 16 tại Asiad 2023 và sau đó giành huy chương vàng. Trong năm 2023, Yang Wenlu cũng có một huy chương đồng Giải vô địch boxing nữ thế giới.

19h, các ứng cử viên cho tấm HCV các nội dung quần vợt đều chứng tỏ đẳng cấp ở trận ra quân. Tại nội dung đơn nam, hạt giống số 1 Novak Djokovic (Serbia) thắng áp đảo Matthew Ebden (Úc) 6-0, 6-1. Đương kim vô địch Wimbledon Carlos Alcaraz (Tây Ban Nha) cũng vượt qua Hady Habib với tỉ số 6-3, 6-1. Trong khi đó, hạt giống số 1 nội dung đơn nữ Iga Swiatek (Ba Lan) đánh bại Irina-camelia Begu (Romania) 6-2, 7-5.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 4.

Novak Djokovic (Serbia) thắng áp đảo ngày ra quân tại nội dung đơn nam Olympic 2024

18h45, Trịnh Thu Vinh giành vé vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Cô đạt điểm 578, xếp hạng 4 ở vòng loại. Vinh chỉ kém hơn xạ thủ đứng đầu là Veronika Major 4 điểm. Thu Vinh ghi đến 42 điểm 10.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 5.

Trịnh Thu Vinh giành vé vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Olympic 2024 - Ảnh: HOÀNG TÙNG

16h50, Trung Quốc giành HCV thứ hai tại Olympic 2024 ở nội dung nhảy cầu đồng đội nữ. Hai VĐV Chen Yiwen và Chang Yani (Trung Quốc) đã xuất sắc đạt tổng điểm 337,6, vượt qua cặp đôi Sarah Bacon và Kassidy Cook (Mỹ) trong trận chung kết nhảy cầu 3m đồng đội nữ để giành HCV tiếp theo cho đoàn thể thao Trung Quốc.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 6.

Chen Yiwen và Chang Yani (Trung Quốc) giành HCV thứ 2 cho Trung Quốc tại Olympic 2024 với nội dung nhảy cầu đồng đội nữ - Ảnh: GETTY

16h25, Trung Quốc giành HCV đầu tiên tại Olympic 2024. HCV này đến từ nội dung 10m súng hơi hỗn hợp đồng đội. Hai VĐV Sheng Lihao và Huang Yutin (Trung Quốc) đã xuất sắc đánh bại Keum Jihyeon và Park Hajun (Hàn Quốc) với tỉ số 16-12 sau 14 lượt bắn trong trận chung kết.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 7.

Sheng Lihao (phải) và Huang Yutin (Trung Quốc) giành HCV đầu tiên cho Trung Quốc tại Olympic 2024 - Ảnh: REUTERS

16h10, Phạm Thị Huệ về đích thứ tư ở heat 5 nội dung chèo thuyền đơn nữ hạng nặng (rowing). Thành tích của cô là 8 phút 3,84 giây. Với thành tích này, Phạm Thị Huệ sẽ tiếp tục thi đấu vòng tranh vé vớt diễn ra vào ngày 28-7.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 8.

Thành tích của các VĐV ở nhóm 5 môn Rowing - Ảnh chụp màn hình

15h48, xuất trận đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam, nữ võ sĩ Hoàng Thị Tình để thua Oumaima Bedioui (Tunisia) 0-1 ở trận ra quân hạng cân dưới 48kg nữ.

Đây là kết quả không bất ngờ bởi trên bảng xếp hạng ở hạng cân này, Hoàng Thị Tình đứng hạng 86, kém xa Bedioui (hạng 38). Hoàng Thị Tình thua ippon khi trận đấu còn 34 giây. Tuy nhiên, trọng tài sau đó đã không cho đó là đòn ippon.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 9.

Hoàng Thị Tình (áo trắng) trong trận thua Oumaima Bedioui - Ảnh chụp màn hình

15h, Trung Quốc ra quân thuận lợi ở môn cầu lông. He Bing Jiao (Trung Quốc) giành chiến thắng trước Keisha Fatimah Azzahra (Azerbaijan) tại nội dung đơn nữ. Feng Yan Zhe và Huang Dong Ping (Trung Quốc) cũng đánh bại Vinson Chiu và Jennie Gai (Mỹ) sau 2 ván ở nội dung đôi nam nữ.

Tuyển Hàn Quốc cùng có chiến thắng đầu tiên tại nội dung đôi nam nữ nhờ Seo Seung Jae và Chae Yu Jung.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 10.

He Bing Jiao (Trung Quốc) giành chiến thắng đầu tiên với tỉ số 21-8, 21-7 tại nội dung đơn nữ cầu lông Olympic 2024

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 11.

Feng Yan Zhe và Huang Dong Ping (Trung Quốc) giành thắng áp đảo 21-11, 21-14 trước Mỹ

14h, một số môn như cầu lông, bóng chuyền, chèo thuyền.... đang thi đấu vòng loại. Dự kiến HCV Olympic đầu tiên sẽ được trao trong chiều nay ở môn bắn súng hoặc nhảy cầu.

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 12.

Trận đấu giữa bóng chuyền nam Đức và Nhật Bản ở Olympic 2024 - Ảnh: REUTERS

THÔNG TIN VỀ NGÀY THI ĐẤU ĐẦU TIÊN:

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 13.

Lịch thi đấu các môn đáng chú ý của Olympic 2024 đêm 27-7 rạng sáng 28-7 - Đồ họa: AN BÌNH

Tâm điểm bơi lội

Có tổng cộng 6 nội dung môn bơi sẽ diễn ra trong ngày 27-7, trong đó 4 nội dung thi đấu đến chung kết là 400m tự do nam, tiếp sức 4x100m tự do nam, 400m tự do nữ và tiếp sức 4x100m tự do nữ.

Đây thực sự là một bữa đại tiệc mở màn xứng tầm cho thế vận hội. Đặc biệt khi các nội dung tiếp sức ở bơi lội (cùng với điền kinh) luôn mang tính đại diện cho tầm cỡ của các nền thể thao hùng mạnh. Như thường lệ, Mỹ, Úc, Anh, Ý, Trung Quốc và Nhật Bản là các đội tuyển "có máu mặt" ở nhóm các nội dung này.

Ở Olympic Tokyo 2020, Úc suýt nữa đã lật đổ Mỹ với nhóm nữ kình ngư vô cùng hùng mạnh. Theo đó, các cô gái mang về cho tuyển bơi Úc đến 8 HCV (trong khi Mỹ chỉ có 3). Họ thậm chí thắng ngoạn mục 2 nội dung tiếp sức 4x100m tự do và 4x100m hỗn hợp, khiến làng bơi lội Mỹ một phen choáng váng.

Ở nội dung nam, Mỹ gỡ gạc thể diện khi áp đảo trở lại với 8 HCV, qua đó giành chiến thắng chung cuộc trước Úc với tỉ số HCV là 11-9. Nhìn chung, kết quả đó chẳng khác gì một thất bại của đội bơi Mỹ. Đồng thời cũng phản ánh sự đi xuống của họ ở đường đua xanh. Và quả thật tại Giải vô địch thế giới hồi năm ngoái, bơi lội Úc đã hoàn toàn lật đổ Mỹ.

Tại Paris 2024, người Mỹ hướng đến cuộc phục thù. Như thường lệ, họ mang đến Olympic một đội bơi đông đảo với những ngôi sao đang ở đỉnh cao phong độ như Dressels, Finke, Ledecky, Lilly King... Thách thức hứa hẹn sẽ chờ đón họ ngay ở ngày ra quân 27-7.

Tại Giải vô địch thế giới, Úc đã giành HCV cả hai nội dung 400m tự do nam và nữ, với người chiến thắng là Samuel Short (nam) cùng Titmus (nữ). Trong đó, Titmus hiện đang nắm giữ kỷ lục thế giới. Và cô sẽ một lần nữa đối đầu Ledecky cho ngôi vị "nữ hoàng cự ly trung bình".

Hấp dẫn hơn cả vẫn là các nội dung đua tiếp sức. Mỹ thường thống trị tuyệt đối các nội dung đua tiếp sức của nam, nhưng cuộc cạnh tranh hứa hẹn sẽ vô cùng khốc liệt ở đường đua của nữ.

Việt Nam chờ tin vui từ xạ thủ Thu Vinh

Olympic 2024 ngày 27-7: Mỹ tạm xếp sau Trung Quốc- Ảnh 14.

Lịch thi đấu Olympic Paris 2024 ngày 27-7 của đoàn thể thao Việt Nam - Đồ họa: AN BÌNH

Mở đầu lịch thi đấu Olympic Paris 2024 ngày 27-7 cho đoàn thể thao Việt Nam là nữ võ sĩ Hoàng Thị Tình ở môn judo hạng cân 48kg nữ.

Loạt trận vòng loại hạng cân 48kg nữ bắt đầu từ 15h, thi đấu liên tục các vòng cho đến khi kết thúc với lễ trao huy chương dự kiến lúc 21h. Theo sắp xếp từ ban tổ chức, Hoàng Thị Tình sẽ thi đấu trận thứ 7 trên thảm 1, gặp đối thủ Bedioui Oumaima (Tunisia, hạng 38 thế giới).

Võ sĩ thắng ở trận này sẽ gặp người thắng ở cặp đấu giữa Boukli Shirine (Pháp, hạng 5 thế giới) và Beder Tugce (Thổ Nhĩ Kỳ, hạng 13 thế giới).

Vào buổi chiều, tay chèo rowing Phạm Thị Huệ bắt đầu thi đấu vòng loại thuyền đơn hạng nặng từ 15h12.

Lúc 17h30, xạ thủ Trịnh Thu Vinh bước vào loạt bắn vòng loại 10m súng ngắn hơi nữ.

Thi đấu muộn nhất ngày 27-7 là đội tuyển boxing Việt Nam với các trận vòng loại nội dung nữ các hạng cân.

Vào lúc 21h18, ở hạng cân 60kg, Hà Thị Linh (hạng 31 thế giới) thượng đài với tay đấm không được đánh giá cao là Feofaaki Epenisa (Tonga) xếp hạng 262 thế giới nhưng ở hạng cân 57kg sở trường.

Vào lúc 1h32 rạng sáng 28-7, ở hạng cân 54kg, Võ Thị Kim Ánh (sinh năm 1997) sẽ gặp thử thách trước tài năng trẻ Preeti Pawar (Ấn Độ, 2003) - từng giành huy chương đồng Asiad 2022.

Trong số các vận động viên của thể thao Việt Nam tranh tài ngày 27-7, niềm hy vọng lớn được đặt lên vai xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Cô được kỳ vọng có thể lọt vào top 8 vận động viên xuất sắc nhất đấu chung kết, có cơ hội tiếp cận huy chương Olympic.

Hứa hẹn tưng bừng ngày mở màn Olympic Paris 2024Hứa hẹn tưng bừng ngày mở màn Olympic Paris 2024

Hôm nay (27-7) sẽ diễn ra ngày thi đấu chính thức đầu tiên của Olympic Paris 2024, với tâm điểm nằm ở các môn bơi lội, bóng đá, judo, bắn súng…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên