24/07/2024 11:41 GMT+7

Nữ võ sĩ boxing Kim Ánh: 'Chờ chuông reo ở Olympic là chiến'

Làng boxing Việt Nam có một xu hướng khá rõ rệt: miền Bắc sở trường nữ giới, còn những võ sĩ nam hùng mạnh lại thường quy tụ ở miền Nam.

Nữ võ sĩ boxing Kim Ánh: 'Chờ chuông reo ở Olympic là chiến'- Ảnh 1.

Võ sĩ boxing Võ Thị Kim Ánh - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Và để phát triển sự nghiệp, có một cô gái miền Nam đã không ngần ngại khăn gói lên đường Bắc tiến. Đó là Võ Thị Kim Ánh, một trong hai nữ võ sĩ boxing Việt Nam giành vé đến Olympic Paris 2024.

Cương quyết theo thể thao

Võ Thị Kim Ánh sinh năm 1997 tại thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Cô tự nhận mình từ bé vốn đã năng động, thích chạy nhảy và chơi thể thao “có số” trong trường. Năm 2012, Kim Ánh thi đấu Hội khỏe Phù Đổng tỉnh môn đẩy gậy. Dù không thành công nhưng cái duyên thể thao đã đến với cô.

Kim Ánh kể: “Đấu thua sớm nên tôi lên khán đài ngồi chơi. Khi ấy có một cô tên Hiền lại hỏi có thích đua thuyền không? Tôi biết sơ sơ chứ không thích. Xong lại có cô khác tới hỏi tôi có thích đánh võ, boxing không? Tôi kêu thích, vậy là được dẫn đến Trung tâm Huấn luyện thể thao An Giang và cho thử các bài tập với tạ, thủ thế và đấm. Thầy cô thấy ổn nên từ đó tôi theo boxing luôn”.

Nữ HLV boxing phát hiện ra tố chất của Kim Ánh khi đó là Đỗ Thị Thu An của đội An Giang. Bà An cho biết mình ấn tượng với tinh thần thi đấu rực lửa của Kim Ánh. Bên cạnh đó, Kim Ánh còn có những yếu tố thể hình phù hợp với boxing như sải tay dài, phát lực tốt.

Nữ võ sĩ boxing Kim Ánh: 'Chờ chuông reo ở Olympic là chiến'- Ảnh 2.

Kim Ánh trên sàn tập luyện - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Kim Ánh chia sẻ: “Lúc đầu gia đình tôi không cho theo thể thao. Tôi phải năn nỉ mãi. Lúc đó tôi thích boxing lắm rồi. Thậm chí có lần gia đình lên thăm, thấy điều kiện không như ở nhà nên ba má nằng nặc dọn đồ, muốn dắt về ngay. Tôi phải chạy trốn vào phòng tập, gia đình gọi mấy cũng kệ.

Cuối cùng, trong nhà có một người chú đi đây đi đó, tiếp xúc xã hội nhiều nên mới xuống nhà nội và ngoại thuyết phục giúp tôi. Nếu tôi có chuyện gì, chú hứa sẽ chịu trách nhiệm nên gia đình mới yên tâm”.

Sau một năm tập boxing, Kim Ánh có danh hiệu đầu tiên là HCB giải trẻ quốc gia 2013 và được gọi tập trung đội tuyển trẻ. Năm 17 tuổi, cô được phong đẳng cấp kiện tướng với tấm HCĐ một giải cúp.

“Những lần đầu thượng đài bỡ ngỡ nhiều lắm, thầy cô chỉ dạy gì quên hết. Tôi chỉ nhớ mỗi đòn đấm thẳng. Run gần chết! Sau trận cứ phải gọi về tâm sự với người nhà.

Sau đó cũng êm, nhưng hơi tiếc khi tôi lên kiện tướng thì không đánh các giải trẻ nữa. Nếu không bộ sưu tập huy chương của tôi cũng nặng ký lên nhiều đó”, nữ tay đấm quê Chợ Vàm hóm hỉnh nói.

Kể thêm về những kỷ niệm với boxing An Giang, Kim Ánh nhớ tới HLV Huỳnh Công Vũ là “người luôn giải đáp thắc mắc về chuyên môn”. Bên cạnh đó là những buổi tập với các VĐV nam lứa trẻ “và cái kết sưng tím mặt mày rất bình thường luôn”.

Quyết định dũng cảm

Năm 2020, bước ngoặt đến khi Kim Ánh quyết định lên thi đấu hạng cân 54kg. Đến tháng 4-2022, Kim Ánh có lần đầu vô địch quốc tế tại Giải Boxing Thái Lan mở rộng (tiền thân là King’s Cup) - giải đấu quy tụ 50% võ sĩ hàng đầu thế giới.

“Thời gian đầu tôi vẫn đánh hạng cân 48kg. Đến năm 2020, tôi đổi lên hạng cân 54kg và giữ nguyên từ đó. Lên hạng cân cao hơn này tôi cảm giác đúng với thể trạng hơn, người khỏe, thi đấu sung mãn hơn”, Ánh cho hay.

Quyết định dũng cảm đã góp phần đưa Kim Ánh đến Olympic - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Quyết định dũng cảm đã góp phần đưa Kim Ánh đến Olympic - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Một bước ngoặt nữa cho sự nghiệp của Kim Ánh chính là quyết định “Bắc tiến” khổ luyện với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn. Nhưng lạ một điều là Ánh lại thích cái lạnh của Hà Nội và chỉ ngại duy nhất cái nóng oi vào mùa hè.

Ngày 11-3-2024, cột mốc ấn tượng nhất sự nghiệp đến với Kim Ánh. Cô xuất sắc giành vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024 khi lọt vào top 4 tay đấm xuất sắc nhất hạng cân 54kg tại vòng loại đầu tiên diễn ra ở Ý từ ngày 3 đến 11-3.

Nói về những sự chuẩn bị cho Olympic 2024, Kim Ánh bình thản cho biết cô cùng ban huấn luyện đã sớm lên kế hoạch tập luyện, rèn kỹ chiến thuật, hiện chỉ chờ “chuông reo là chiến”.

Cô nói: “Lên đài, tôi chỉ nghĩ đơn giản là đấu hết sức mình, cứ tập trung vào đối thủ và bản thân thôi. Ban huấn luyện đang có những giáo án cải thiện kỹ chiến thuật cho tôi và cả về tinh thần.

Tất nhiên đến với đấu trường lớn, hầu hết các VĐV đều sẽ bị vấn đề tâm lý. Nhưng tôi chuyển những điều đó thành động lực, không ngán ngại bất cứ đối thủ nào”.

Hoàng Thị Tình và cái duyên với judoHoàng Thị Tình và cái duyên với judo

SEA Games 31 tại Việt Nam, Hoàng Thị Tình để lại dấu ấn khi nở nụ cười tươi kèm ngón tay “say hi” trong khi đang thực hiện đòn kẹp chân khóa đối thủ ở sàn đấu judo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên