Vụ đánh chết người trộm chó đầu tiên, khốn thay lại đánh nhầm chết người vô tội, đã xảy ra ở Đồng Nai ngày 8-12-2005. Sau đó rộ lên ở Nghi Lộc (Nghệ An) cách đây vài năm, nay đã lan ra một số tỉnh thành từ Quảng Trị, đến Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang... với hàng chục vụ, hàng chục tay trộm bị đánh chết bằng tay chân, gậy gộc. Một vụ ở Bắc Giang dân đã đánh chết tay trộm chó là người cùng làng!
Đáng ngạc nhiên là các vụ trộm chó không vì thế giảm đi, ngược lại tăng lên rất nhanh, trộm đã biến thành cướp, có vụ chính trộm đã giết chết người chủ có chó. Có gia đình đã mất liên tục 10 con chó cưng. Có báo đưa tin bốn tay trộm trong một tháng đã bắt trộm được 500 con chó. Hai hệ lụy không thể chối cãi: sự tàn bạo kiểu hiệu ứng đám đông đang bị thả rông.
Mặt khác, dù đã mất hàng chục mạng người nhưng bọn trộm chó vẫn quyết “mạng đổi chó”. Đám đông có vẻ đang quen dần vi phạm pháp luật, coi thường mạng người, dù đó là mạng một tên trộm. Bản thân bọn bất lương cũng không vừa. Cái ác đang tăng trưởng một cách nguy hiểm từ cả hai phía. Cũng không chỉ là tệ nạn trộm cắp bình thường. Mà là một sự kiện xã hội đang xáo trộn nhiều vùng quê yên ả, không thể coi thường hay dửng dưng.
Nông thôn, nơi vốn có một cuộc sống chất phác, thanh bình, nơi người dân tuy ít học nhưng lại là gốc của văn hóa truyền thống, đạo đức dân tộc, người dân luôn tin ở phúc đức, ở hiền gặp lành, “tắt lửa tối đèn có nhau”, “thương người như thể thương thân”, luôn đồng tình làm việc thiện.
Cái nơi ấy bỗng dưng có một ngày xấu trời nào đó, nhiều khi đến hàng ngàn người tập hợp lại, bất chấp ngăn cản của chính quyền hay công an, xông vào đánh chết một tay trộm chó. Cái gì đã xảy ra bên trong tâm hồn và não trạng của những nông dân vốn hiền lành và chất phác kia? Chắc chắn là do bức xúc mà “chùm dâu tươi đã nổi giận”.
Người mình cũng cưng chiều chó, coi chó như bạn bè, người thân. Nhưng người ta vẫn ăn thịt chó và sẵn sàng giết một con chó cưng trong nhà để thết bạn bè (nhiều khi với suy nghĩ giúp nó “hóa kiếp chó” khốn khổ). Cho nên cũng không thể nói họ đánh chết trộm chó vì coi con chó hơn con người. Họ đang nổi giận, thế thôi.
Nổi giận với một tên trộm, muốn ăn trên mồ hôi nước mắt của dân lành, trong giây lát bỗng thành biểu tượng của cái xấu, cái ác, cái bất công, đè nén, của nỗi cơ cực hằng ngày nhiều khi không thể biết, không thể nói từ đâu đến nhưng đang hiện hữu đầy rẫy trong nông thôn ngày nay. Lương tri của người dân rất có thể chết hẳn một ngày nào đó khi cái ác trưởng thành không thể kiềm chế nổi, khi người dân vẫn tự cho mình cái quyền “thế thiên hành đạo”, thay pháp luật để xử tội theo bản năng đám đông, vì họ nghĩ hay trong thực tế pháp luật bất lực, không giữ được cuộc sống bình an của họ.
Làm sao không cảm thấy bị roi quất đau đớn khi trong thế kỷ 21, trên xứ sở ngàn năm văn hiến với những thôn làng êm ả đang có những đám đông dân lành tự thay quyền pháp luật hùa nhau đánh chết một tên tội phạm dưới mức hình sự? Nhưng chúng ta thì không được “ối giời ơi!”. Chúng ta kêu gọi một sự nhìn nhận vấn đề thật nghiêm túc, tìm ra nguồn gốc của sự bức xúc để có những giải pháp chân thành và hiệu quả phục hưng cái nôi êm ả của văn hóa đang được nuôi dưỡng trong nông thôn như mạch nước ngầm không cạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận