03/11/2010 06:01 GMT+7

Ôi, dòng sông...

NGUYỄN HÀNG TÌNH
NGUYỄN HÀNG TÌNH

TT - Từng ngụm nước người Sài Gòn, Biên Hòa uống vào hằng ngày đều thuộc mạch nguồn sông Đồng Nai từ thượng nguồn nam Tây nguyên chảy về. Từng đọt trà non ngọt B’Lao, cọng rau xanh Đơn Dương hay mỗi hạt cà phê nồng nàn Di Linh, hạt điều giòn tan Bù Đăng đến từng con cá tươi thơm Trị An hay La Ngà cũng được sinh dưỡng từ lưu vực dòng nước mang tên “Đồng Nai” ấy.

Sẽ không có sự sống và một nền văn hóa mang đặc trưng rất riêng từ trong xa xưa ở vùng chuyển tiếp nơi cuối dãy Trường Sơn xuống miệt châu thổ kia, nếu miền Đông không có dòng sông mẹ Đồng Nai. Và cũng sẽ không có một vùng kinh tế mạnh mẽ và đầy năng động miền Đông hiện nay, là đầu tàu kéo nền kinh tế cả nước nếu thiếu đi dòng nước dịu ngọt sông Đồng Nai ấy.

Thế mà bây giờ nhìn lại, dòng sông ấy được chặn làm chín khúc để cất chín nhà máy thủy điện. Cộng thêm các chi lưu trực thuộc thì sẽ có thêm 11 nhà máy thủy điện tầm trung khác nằm trên lưu vực sông Đồng Nai. Lâm Đồng là địa bàn xương sống của dòng chảy Đồng Nai, có 45 nhà máy thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ mọc lên từ các sông chính và chi lưu.

Hôm đầu tháng 4, cơ quan quản lý tài nguyên ở Lâm Đồng lần đầu hé mở sự thật lâu nay: “để có 1MW điện thường phải chịu mất 10ha rừng”. Lâu nay bấm bụng mà san núi bạt đồi, xóa bỏ rẫy nương điệp trùng trên khắp dải đất nam Tây nguyên... cho sự ra đời những hồ chứa nước phát điện mênh mông thì giờ đây thủy điện cũng bắt đầu gặm vào rừng quốc gia Cát Tiên - một khu dự trữ sinh quyển và đa dạng sinh học.

Với con sông này, tuần trước Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cảnh báo: “Nguồn nước đã ngày càng hạn chế do nhu cầu ngày càng cao. Những hiểm họa ngày càng nhiều trong hiện trạng quản lý, khai thác, sử dụng nó”.

Trong khi Viện Sinh học nhiệt đới (TP.HCM) chỉ ra một hiện trạng biến đổi hệ sinh thái dòng sông, sự suy giảm nhanh các loài thủy sinh ở con sông này thì Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam trách móc: “Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông hiện nay đang bị thay đổi một cách tùy tiện, không được xem xét hiệu ích tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn, dòng chảy môi trường...”.

Hi sinh sinh thái, sông ngòi, cơ hội mưu sinh của cư dân trên lưu vực là phải mang lại sự phát triển bền vững, hợp lý, chứ không phải để làm tăng nỗi lo, nỗi mất mát cho cộng đồng. Tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chưa hề có chủ đầu tư thủy điện nào thực hiện việc trồng bù lại rừng cho số rừng đã mất vì thủy điện cả, dù trong các dự án đều có cam kết thế”.

Sở Tài nguyên - môi trường Lâm Đồng khi nêu một loạt tác động do làm thủy điện gây ra, cũng tự lên tiếng rằng riêng chuyện mất (phải giải tỏa) nương rẫy, làng mạc của bà con trên cao nguyên cho thủy điện đã tạo ra một nỗi đau: “Nỗi nhớ nhung về làng quê cũ, thứ giá trị tinh thần, khó có thể bù đắp được”.

Những dòng sông đang cầu mong con người hiểu nó, hiểu thấu đáo hay nói cách khác là cần một chiến lược phát triển sông ngòi ở VN trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay.

NGUYỄN HÀNG TÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên