26/06/2016 12:03 GMT+7

Ơi con sông quê...

ĐẶNG ĐẠI
ĐẶNG ĐẠI

TTO - Cả nước Việt có hơn 2.300 con sông, suối dài hơn 10km, gần như làng quê nào cũng có sông có suối.

Dân tỉnh rời quê lên thành phố lập nghiệp, rảnh rỗi ngồi cà phê cà pháo hay tụm năm tụm ba làm vài ba ly, ngâm nga những bài hát nhắc nhớ sông quê là tái tê lòng.

Mùa hè, vô cơ quan đụng mặt nhau, hỏi: “Ê, có đưa tụi nhỏ về quê không?”. Về quê có sông có suối, trưa hè nhảy ùm xuống sông, sướng chết đi được.

Nhưng đó là sông ngày xưa, sông suối bây giờ khác dữ lắm rồi. Vừa nghe tin cá chết nổi trắng sông Bưởi ở Thanh Hóa, lại hay tin dân làng bè Long Sơn ở Bà Rịa - Vũng Tàu trắng tay kéo nhau đi kiện 14 doanh nghiệp xả thải.

Lâu lâu hay tin dân làng bè sông La Ngà (Đồng Nai) kêu trời, rồi nông dân hạ nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đòi nước vì bị thủy điện đắp đập ngăn dòng.

Con sông Ba chảy ngang quốc lộ 1 ở Phú Yên đổ ra biển không còn thơ mộng dùng dằng bởi thủy điện An Khê - Ka Nak nắn dòng, chuyển nước sang sông Kôn (Gia Lai, Bình Định).

Phần lớn các “con sông quê hương” ở miền Trung bị băm vằm do làm thủy điện, khiến mùa khô nước chảy lờ đờ, mùa mưa đùng đùng hung hãn.

Phía Bắc có nhiều con sông cõng trên lưng những nhà máy công nghiệp, làng nghề truyền thống nên cũng ô nhiễm nặng: sông Hồng, sông Thao, sông Lô, sông Nhuệ, sông Đáy... Đến con sông Tô Lịch chảy trong nội thành thủ đô Hà Nội cũng ngập ngụa rác rến, ô nhiễm...

Ở miền Nam, vụ án “bức tử sông Thị Vải” của Nhà máy Vedan suốt 14 năm ròng được khui ra năm 2008 khiến cả nước bàng hoàng.

14 năm trời cá tôm cạn kiệt, nước sông khi trong khi đục, hôi thối không ai chịu nổi, vậy mà để bắt tận tay day tận cánh cũng phải tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền của.

Ở TP.HCM, Công ty thuộc da Hào Dương bị chính quyền phạt tới phạt lui do đổ thải trực tiếp ra sông Đồng Điền vẫn diễn ra năm này năm nọ.

Các cơ quan khoa học còn cho biết: sông Đồng Nai, sông La Ngà và cả sông Sài Gòn đang có dấu hiệu ô nhiễm lùi cao về phía thượng nguồn.

Chín khúc sông rồng Cửu Long ngàn năm bền bỉ bồi đắp miền châu thổ trù phú lúa gạo, cá tôm giờ cũng đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm, nhất là hai con sông mẹ: sông Tiền, sông Hậu.

Nhiều nhà máy mọc hai bên bờ. Mấy hôm nay, người dân trên dòng sông Hậu trăm mối tơ vò khi giai đoạn 1 của Nhà máy giấy Lee & Man công suất 420.000 tấn sản phẩm/năm sắp đi vào hoạt động, mỗi ngày dự kiến xả 50.000m3 chất thải ra sông. Thế nhưng hệ thống xử lý nước thải được thiết kế chỉ có công suất 20.000 m3/ngày. Liệu đây có phải là một hiểm họa được báo trước?

Rừng đang trọc và sông đang cạn. Đang cạn và ô nhiễm. Rồi chúng ta, con cái chúng ta sẽ sinh sống ra sao với môi trường mà do chính chúng ta bức tử? Sống kiểu gì đây khi chính chúng ta đang vạt lấy da thịt mình?

Những con sông không còn bình yên như trước. Không còn “nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Lời ca Khúc hát sông quê “con cá dưới sông, cây trồng trên bãi” chảy dài da diết và cũng chảy dài thổn thức.

ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên