27/08/2018 15:28 GMT+7

John McCain và ba thập kỷ thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

QUỲNH TRUNG - D.AN - D.KIM THOA - BẢO DUY
QUỲNH TRUNG - D.AN - D.KIM THOA - BẢO DUY

TTO - Tin thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain qua đời đã để lại niềm thương tiếc đối với nhiều người dân Việt Nam, bởi duyên nợ đặc biệt của người đàn ông sinh ở Arizona này đối với đất nước hình chữ S.

John McCain và ba thập kỷ thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 1.

Ông John McCain trong một lần đến thăm nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) vào tháng 4-2009 - Ảnh: HOÀNG ĐÌNH NAM

Trong suốt 6 thập kỷ phụng sự nước Mỹ, ông McCain đã dành 3 thập kỷ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, trong đó đóng góp rất quan trọng cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Bản thân tôi, cũng như nhiều cựu binh Mỹ khác, đã rất cố gắng để chấp nhận và hòa giải với quá khứ qua những miền ký ức của mình ở Việt Nam và để trở nên khôn ngoan hơn như chúng ta hằng mong muốn vào lúc tuổi già

Thượng nghị sĩ JOHN MCCAIN

Duyên nợ với Việt Nam

Ông McCain từng tham chiến ở Việt Nam với vai trò là một thiếu tá phi công hải quân Mỹ và từng là tù binh chiến tranh tại nhà tù Hỏa Lò trong 5 năm rưỡi cho đến khi được thả năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Sau này, ông tâm sự rằng trong những năm tháng chiến tranh, ông biết rất ít về Việt Nam ngoài những đường nét địa hình qua những bức không ảnh hay góc nhìn từ buồng lái chiếc máy bay A-4 của mình.

Dù vậy, McCain thừa nhận Việt Nam có ảnh hưởng to lớn đối với cuộc đời ông hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đất nước này cho ông nhiều bài học quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.

"Nhiều năm sau chiến tranh và khi tôi trở lại cuộc sống bình thường, tôi đã hợp tác với thượng nghị sĩ bang Massachusetts John Kerry và các cựu binh Mỹ khác ở Quốc hội Hoa Kỳ để giúp giải quyết các vấn đề ngăn cản tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.

Và những tiến triển trong giải quyết các vấn đề này đã khích lệ tổng thống Bill Clinton quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào ngày 11-7-1995" - McCain hồi tưởng trong bài viết đăng trên trang web mang tên ông.

McCain cho biết ông rất tự hào đóng góp nhỏ bé vào nỗ lực này: " Tôi chọn sử dụng các cơ hội do bình thường hóa mang lại để giúp Việt Nam tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn".

Về sau, McCain chia sẻ thêm với báo chí Mỹ về quyết định ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam cũng là "vì lợi ích tốt nhất cho đất nước, đặc biệt là những người đã từng tham chiến ở Việt Nam".

Sau chiến tranh, ông McCain đã trở lại Việt Nam nhiều lần, khi thì đi cùng với các quan chức Quốc hội Mỹ, khi thì đi cùng gia đình. Ông tâm sự mình ngày càng yêu mến người Việt và phong cảnh nơi đây.

John McCain và ba thập kỷ thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 3.

Năm 1996, thượng nghị sĩ McCain gặp lại ông Mai Văn Ổn, người đã cứu ông trong chiến tranh - Ảnh: AP

Chuyện cái mũ bay

John McCain cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà ngoại giao Việt Nam. Nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, người kế nhiệm ông Nguyễn Cơ Thạch từ năm 1991, kể rằng trong giai đoạn từ 1992-1994, bất cứ lần nào tới Mỹ, ông đều được thu xếp để gặp các ông John Kerry và John McCain.

"Ấn tượng chung của tôi về họ là sự cởi mở, thân thiện và chân thành, muốn sớm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trong các cuộc gặp, họ thường hỏi về những tiến bộ ở Việt Nam trong quá trình khắc phục hậu quả sau chiến tranh và kể lại những việc họ làm để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hai nước" - ông Cầm nói.

Có lần ông sang Mỹ và đến gặp ông McCain đúng lúc ông McCain đang ở Quốc hội để tham gia một cuộc bỏ phiếu. Nhưng chỉ một lát sau đó, ông Cầm đã thấy ông McCain hớt hải bước về, vừa đi vừa nói xin lỗi, thể hiện sự coi trọng những người bạn Việt Nam.

Ông Lê Bàng, đại sứ Việt Nam tại Mỹ đầu tiên sau bình thường hóa (1995-2001), cho biết cá nhân ông rất quý thượng nghị sĩ John McCain vì McCain có nhiều tình cảm với Việt Nam và đóng góp rất lớn cho bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Ông Bàng kể những năm cuối thập niên 1980, hai nước bắt đầu ngồi lại với nhau. Phía Mỹ lúc đó chú ý đến vấn đề binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA).

Tìm kiếm tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) chính là một trong những trở lực chính cản trở bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, bởi vì những vấn đề hậu chiến vẫn còn hết sức nhạy cảm, là vết thương nhức nhối không chỉ của người Việt Nam mà còn của người Mỹ.

Năm 1992, ông McCain dẫn đầu một đoàn thượng nghị sĩ Mỹ sang thăm Việt Nam.

"Lúc đó, ông McCain là người của Đảng Cộng hòa và tổng thống Bush "cha" cũng là một người Cộng hòa. Do đó, tiếng nói của McCain vô cùng quan trọng - ông Bàng nói - Chúng ta muốn nói về bình thường hóa quan hệ hai nước nhưng phía Mỹ rất căng. Tuy vậy, ông McCain vẫn ủng hộ".

Theo lời kể của ông Lê Bàng, trong đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Việt Nam lúc đó có những người phản đối bình thường hóa quan hệ với Việt Nam rất mạnh như thượng nghị sĩ Rudy Boschwitz. Dù ủng hộ Việt Nam, McCain hành động rất tế nhị và chính trị.

"Tôi nhớ lúc ông McCain đi thăm Bảo tàng Quân đội ở Hà Nội. Ta có trao trả cái mũ phi công cho ông ấy với mong muốn xây dựng tình cảm hữu nghị với cá nhân ông McCain. Ông McCain nói cảm ơn nhưng xin phép chưa nhận đợt này. Đó là hành động rất tỉnh táo của John McCain", ông Bàng nhận xét và lý giải:

"Không nên để những người phản đối Việt Nam báo cáo lại với chính quyền Mỹ là McCain có cảm tình với Việt Nam, sẽ không hay cho quan hệ hay sự giúp đỡ của Mỹ đối với Việt Nam sau này".

Sau này, ông McCain cũng đã thuyết phục được các thượng nghị sĩ chống đối bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ

Ngoài ra, ông McCain cũng là người ủng hộ nhiệt thành cho quan hệ hợp tác thương mại với Việt Nam. Ông Bàng kể sau vụ khủng bố Trung tâm thương mại thế giới ngày 11-9-2001, chính quyền Mỹ hạn chế tiếp các đoàn khách nước ngoài.

Ông Lê Bàng lúc đó là trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Phan Văn Khải bằng mọi giá phải sắp xếp được chuyến thăm cho đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Mỹ để phê chuẩn chính thức Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, để Hà Nội có thể bắt đầu xuất khẩu hàng hóa.

"Tôi sang Washington và liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng họ nói vẫn chưa có kế hoạch làm việc và chắc không thể nào sắp xếp cuộc tiếp xúc được. Sau đó, tôi đánh liều gọi cho ông McCain. Ông ấy bảo tôi yên tâm và gọi cho Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell" - ông Bàng kể.

Sau đó, chính quyền Mỹ đồng ý tiếp đoàn đại biểu do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sang thăm chính thức Mỹ từ ngày 9 đến 14-12-2001.

Ông Lê Bàng cho biết thêm sau khi hai nước đã bình thường hóa quan hệ, thượng nghị sĩ John McCain cũng đi đầu trong việc vận động Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng như ra nghị quyết hỗ trợ an ninh cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

"Đó là công lao rất lớn của ông McCain. Trong suốt 30 năm qua, ông McCain luôn tích cực hỗ trợ cho quan hệ hai nước. Ông ấy rất có tình cảm với nhân dân ta" - ông Bàng xúc động nói.

Đại sứ quán Mỹ mở sổ chia buồn ông John McCain

Đại sứ quán Mỹ sẽ mở sổ chia buồn trong các ngày 27 đến 29-8, từ 10h tới 17h tại tòa nhà Vườn Hồng, số 170 Ngọc Khánh, Hà Nội.

"Chúng tôi chào đón tất cả những ai mong muốn có lời chia sẻ với gia đình McCain", đại sứ quán nêu trong thông cáo phát chiều 26-8.

Để tôn vinh những đóng góp của thượng nghị sĩ McCain và của cựu đồng nghiệp của ông tại Thượng viện Mỹ là ông John Kerry, phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam sẽ khởi động Chương trình McCain/Kerry.

Theo đó, mỗi năm một lãnh đạo trẻ của Việt Nam có sự cam kết với dịch vụ công sẽ thực hiện một chuyến tham quan học tập tới Hoa Kỳ, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai dân tộc và thúc đẩy di sản tích cực của thượng nghị sĩ McCain.

* Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Nghị, tổng thư ký Hội Việt - Mỹ, cho biết trong chuyến công tác của đoàn Hội Việt - Mỹ tới Mỹ từ ngày 29-8 đến 9-9-2018, hội đang liên hệ, thu xếp để có thể tới tiễn biệt thượng nghị sĩ John McCain, một người bạn lớn của Việt Nam.

Ngày 26-8, sau khi biết tin ông John McCain qua đời vì căn bệnh u não, Hội Việt - Mỹ cũng đã chuẩn bị gửi điện chia buồn, liên lạc với các tổ chức ngoại giao và các cá nhân tại Mỹ để sẵn sàng tới viếng ông John McCain theo kênh Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.

Theo ông Nghị, cho mãi tới những tháng gần đây, ông Nguyễn Tâm Chiến, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2001-2007, nay là chủ tịch Hội Việt - Mỹ, vẫn còn gửi thư liên lạc với thượng nghị sĩ John McCain để nhờ ông hỗ trợ Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá tôm nhằm vào doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ.

johnmccain

Thượng nghị sĩ John McCain - Ảnh: Reuters

Vĩnh biệt cây đại thụ trên chính trường Mỹ

16h28 ngày 25-8, tức sáng 26-8 giờ Việt Nam, thượng nghị sĩ John McCain, một người bạn của nhân dân Việt Nam, đã qua đời tại nhà riêng sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư não.

Một ngày trước đó, những người thân của vị chính khách 82 tuổi thông báo ông đã quyết định dừng tất cả các nỗ lực cứu chữa, theo Reuters.

Trong chính trường Mỹ, thượng nghị sĩ McCain thường được ví von như cây đại thụ bởi thời gian nắm ghế thượng nghị sĩ của ông là hơn 35 năm ròng rã và từng ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008.

Chỉ còn đúng một tuần là ông McCain sẽ bước sang tuổi 82, tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực chạy chữa, căn bệnh ung thư quái ác vẫn tiến triển quá nhanh.

Trong nội bộ Đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ McCain có tiếng là một nhân vật gây tranh cãi.

Khi doanh nhân Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016, ông McCain nổi lên như một nhân vật chống đối mạnh mẽ, thường xuyên đưa ra các chỉ trích nhắm vào ông chủ Nhà Trắng trong các vấn đề đối ngoại, chính trị.

Mặc dầu vậy, viết trên Twitter cá nhân, Tổng thống Trump đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc và sự kính trọng trước sự ra đi của ông McCain.

Nhiều cựu tổng thống Mỹ đã gửi lời chia buồn và thể hiện sự tiếc thương sau khi hay tin ông McCain qua đời.

Cựu tổng thống Barack Obama và phu nhân nhấn mạnh tất cả người Mỹ nợ ông McCain một bài học về lòng dũng cảm và sự can trường mà "rất ít người trong chúng ta đã từng bị thử thách hay bắt buộc phải cho thấy điều đó như John McCain".

Cựu tổng thống Jimmy Carter, George H. W. Bush thì dành nhiều lời hơn ca ngợi tinh thần yêu nước của cố thượng nghị sĩ, gọi đó là một lòng yêu nước thật sự.

Thủ tướng Úc Scott Marrison, người vừa nhậm chức cách đây 2 ngày, gọi ông McCain là một người bạn thật sự của nước Úc, "một con người của lòng dũng cảm và niềm tin".

Di chúc của McCain: Không mời ông Trump dự đám tang Di chúc của McCain: Không mời ông Trump dự đám tang

TTO - Gia đình thượng nghị sĩ John McCain thông báo với Nhà Trắng rằng nếu ông qua đời, họ chỉ mời phó tổng thống Mike Pence đến dự chứ không mời Tổng thống Donald Trump.

QUỲNH TRUNG - D.AN - D.KIM THOA - BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên