26/08/2018 06:15 GMT+7

Oan oan tương báo biết đến bao giờ?

HỮU CHƠN (quận 9, TP.HCM)
HỮU CHƠN (quận 9, TP.HCM)

TTO - Người xưa từng nói: "Oan oan tương báo biết đến bao giờ" nên cứ mỗi lần giúp người khác và biết tha thứ, tôi lại thấy lòng ngập tràn hạnh phúc.

Oan oan tương báo biết đến bao giờ? - Ảnh 1.

Năm 1990, lúc còn là sinh viên Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Đại học KHXH&NV), tôi tranh thủ làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng khá nổi tiếng trên đường Hoàng Diệu, Q.4. Công việc ấy giúp tôi trang trải chuyện học hành.

Nhờ có "thâm niên" nhất nên tôi được ông chủ "bổ nhiệm" làm tổ trưởng, phụ trách gần 20 nhân viên. Đều là dân các tỉnh vào đất Sài thành mưu sinh nên chúng tôi xem nhau như người trong gia đình, nhờ vậy công việc luôn suôn sẻ, tình cảm cũng khăng khít.

Vị khách ngang ngược

Do có người tìm được công việc khác nên nhà hàng tuyển một thanh niên 18 tuổi tên Q. từ miền Tây lên. Chàng "lính mới" này khá vui vẻ, siêng năng khiến ai cũng mến. Q. làm đến tuần thứ ba thì được tôi bố trí phụ bàn trên lầu hai, nơi dành cho những vị khách hay uống bia đến tận khuya.

Hơn 0h hôm ấy, đáng lẽ tôi về trước như mọi khi nhưng vẫn quyết định ở lại đến lúc nhà hàng vãn khách.

Bàn ăn mà Q. phục vụ có năm người đến từ chiều tối, nên ai cũng uống khá nhiều bia.

Q. đảm đương công việc rất tốt, khiến người được tôi nhờ hỗ trợ Q. cảm thấy yên tâm và ra về trước. Nhưng trong lúc dọn một đĩa hết thức ăn ra ngoài, Q. sơ ý làm đổ chai bia, làm một người bị ướt bộ quần áo đẹp.

Q. sợ và ân hận, xin lỗi nhưng ông khách - người có nốt ruồi rất to ở cổ - vẫn không nguôi giận. Ông ta mắng nhiếc Q. thậm tệ với những lời lẽ thô tục. Tôi đứng ra xin lỗi và nhận trách nhiệm về mình, song vẫn không làm ông "hạ nhiệt".

Làm công việc này bị "thượng đế" say xỉn la mắng vốn không lạ gì với tôi, nhờ biết nhẫn nhịn và mềm mỏng nên tôi đều xoa dịu được. Tuy nhiên, ông khách hôm ấy là một người ngang ngược, lỗ mãng.

Tôi chấp nhận mọi lời nguyền rủa của ông. Nhưng một câu nói đã xúc phạm nặng nề đến lòng tự trọng: ông ta xem chúng tôi là những đứa ăn hại và tuyên bố chúng tôi không đáng mặt làm đầy tớ cho con trai ông.

Tôi đã quên mất rằng mình quen chịu đựng, nhưng Q. thì khác. Cậu ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào ông khách và khảng khái trả lời: "Chúng cháu tuy nghèo nhưng không hèn yếu, không để ai xem thường".

Thấy tình hình căng thẳng, tôi vội kéo Q. ra và cố gắng can ngăn hai người. Ông khách hung dữ nhào đến phía Q., tôi vừa đẩy Q. sang một bên thì lãnh trọn cái tát nổ đom đóm mắt của ông ta.

Bức xúc khi thấy tôi bị đánh, Q. lao tới định trả đũa thay tôi. May mà tôi kịp ôm Q. lại, nếu không hôm ấy chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mọi chuyện dừng lại khi tất cả những người đang có mặt đều can ngăn.

Trên đường về, Q. cứ lặp lại lời xin lỗi với tôi bằng sự ân hận của một thanh niên chập chững vào nghề, vào đời. Song tôi dành nhiều thời gian để an ủi Q. hơn vì chính em mới là người cần tình cảm vào lúc này.

Gặp lại "cố nhân"

Vài tháng sau, tôi tìm được một "sô" dạy kèm tại nhà cho hai anh em ruột đang học cấp II vào buổi tối nên xin thôi việc ở nhà hàng. Q. quyết định về quê làm đơn tình nguyện nhập ngũ, tôi rất vui và ủng hộ ngay.

Mỗi buổi chiều sau giờ đến giảng đường, tôi và anh bạn cùng phòng tranh thủ ra trước ký túc xá Trần Hưng Đạo (Q.1) bơm xe đạp.

Thời gian như cơn gió đưa tôi đi qua bao vất vả, lo toan của cuộc đời sinh viên và cả những chuyện vui buồn lẫn lộn. Ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp không được "hoành tráng" như thế hệ bây giờ, song vẫn là mốc son thật đáng nhớ.

Sau nhiều tháng "chịu cày", tôi được tuyển vào một cơ quan cấp thành phố và công tác ổn định đến nay.

Thỉnh thoảng, tôi cũng ghé quán bình dân ngồi lai rai với một số bạn thân, được thấy lại hình ảnh của mình qua những em sinh viên trong vai nhân viên phục vụ, "lấy ngắn nuôi dài" để thực hiện ước mơ chinh phục tương lai. Tôi cầu mong các em sẽ may mắn hơn tôi ngày trước.

Trong một lần đi ăn tối với bạn cũ, lúc vừa bước ra cửa quán, tôi được một người đàn ông khoảng 60 tuổi ngồi trên xe lăn mời mua vé số. Khi trả tiền, tôi mới nhìn kỹ ông và hoàn toàn bất ngờ: trên cổ ông có một nốt ruồi rất lớn, một "đặc điểm nhận dạng" mà bất cứ ai cũng dễ dàng nhớ được.

Đó chính là vị khách tôi từng gặp gần 30 năm trước. Lấy lý do uống nhiều bia, cần ngồi nghỉ một lúc mới về nhà được, tôi mua nước mời ông uống và tâm sự.

Ông kể ngày xưa mình là doanh nhân thành đạt khá sớm, lấy người vợ rất đẹp nhưng chỉ sinh được một con trai. Lớn lên trong nhung lụa và sự cưng chiều hết mực, cậu lại ăn chơi đàn đúm, giao du với bạn xấu, trở thành kẻ "phá gia chi tử".

Tai hại hơn, cậu dính vào "cái chết trắng", nhiễm căn bệnh thế kỷ rồi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Mất đi con trai độc nhất, vợ ông buồn rầu sinh bệnh rồi cũng qua đời vài năm sau đó. Tài sản đồ sộ của ông trước kia đã bị người con đốt hết vào ma túy, đến căn nhà cũng phải bán để trả nợ. Sau một cơn đột quỵ, ông chỉ còn có thể di chuyển trên chiếc xe lăn, chiều tối đến khuya ông đến chờ trước các quán ăn đông người mời khách mua vé số.

Ông nói trong nước mắt: "Mỗi tấm vé số bán đi đồng nghĩa với việc tôi được tiếp tục sống, nhưng cũng là hạt muối xát vào vết thương lòng bởi thời hoàng kim tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giúp người khác". Có lẽ lúc sa cơ lỡ vận, ông mới thấm thía hai chữ "tình người".

Tôi cố giấu để ông không nhận ra tôi. Kể từ đó, cái tát năm xưa của ông thoát ra khỏi "bộ nhớ" của tôi, mãi mãi tan theo dòng chảy tự nhiên của thời gian. Tôi cũng cầu mong ông quên hẳn những chuyện buồn năm xưa để sống nốt phần đời còn lại.

Tôi mua hết vé số giúp ông được nghỉ sớm, ông ngạc nhiên hỏi lý do, song tôi chỉ cười và chúc ông may mắn.

Cú bạt tai oan ức cùng những lời xỉ vả tôi phải nhận năm xưa không làm tôi oán giận, mà ngược lại giúp tôi thấu hiểu nhân sinh và đồng cảm hơn với những người rơi vào hoàn cảnh ấy.

Cũng vì vậy nên khi công tác trong một cơ quan thực thi pháp luật, tôi luôn cẩn trọng với những sự việc, tình tiết liên quan đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của bất kỳ ai. Nhưng trên hết vẫn là bài học về lòng vị tha.

Người xưa từng nói: "Oan oan tương báo biết đến bao giờ" nên cứ mỗi lần giúp người khác và biết tha thứ, tôi lại thấy lòng ngập tràn hạnh phúc.

Oan oan tương báo biết đến bao giờ? - Ảnh 2.
HỮU CHƠN (quận 9, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên