22/10/2008 04:26 GMT+7

Ô nhiễm từ quê đến phố: Hà Nội thời "ninja"

QUANG THIỆN - TUẤN PHÙNG
QUANG THIỆN - TUẤN PHÙNG

TT - Cùng dạo trên đường phố Hà Nội mà không thể nhận ra nhau vì những chiếc khẩu trang bịt kín mặt như những “ninja”. Khung cửa sổ những ngôi “nhà cuối phố” bao giờ cũng khép vì mùi hôi thối xung quanh... Môi trường đô thị đang thu hẹp dần chất lượng sống của con người.

Bài 1: Hiểm họa từ các làng nghề

8nhzvvtX.jpgPhóng to
Sông Tô Lịch đen ngòm với hàng ngàn họng cống ngày đêm xả nước thải chưa qua xử lý vào con sông này - Ảnh: T.PHÙNG

8g sáng, tại ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng (Hà Nội), bốn ngả đường dồn về những dòng người xe máy, xe đạp, ôtô lớn nhỏ chen chúc dày đặc dài hàng kilômet. Tất cả xoay quanh một “lô cốt” lớn có tường rào thép. Dòng người chen nhau lao vào những đám bụi đục mờ tỏa ra từ khu “lô cốt” đó. Nơi này người ta đang xây dựng một công trình giao thông lớn. Tiếng động cơ các loại gầm gừ, khục khặc phun ra đủ loại khói xăng, dầu. Ai cũng xả vào nhau và ai cũng phải hít nó vào lồng ngực. Những gương mặt người khó đoán già trẻ đều được bưng bít bằng những mảnh vải đủ màu sắc, kích cỡ. Đó là những chiếc khẩu trang, một vật dụng tùy thân của người Hà Nội bây giờ. Khẩu trang có khắp mọi nhà, dùng với tất cả mọi người, có nhiều chủng loại.

Bụi khủng khiếp

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên- môi trường Hà Nội, những điểm ô nhiễm bụi nặng nhất là Đuôi Cá, đường đê sông Hồng đoạn từ Yên Sở đến dốc Minh Khai, khu vực chân cầu Thăng Long, đường Khuất Duy Tiến, ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng, ngã ba Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh... Ô nhiễm không khí đô thị tạo nên bởi rất nhiều nguồn như bụi từ hoạt động xây dựng (Hà Nội, TP.HCM), khai thác khoáng sản (Thái Nguyên, Quảng Ninh), hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông đường bộ và sinh hoạt. Cơ quan này cũng đo được 70% lượng bụi lơ lửng ở Hà Nội là do hoạt động xây dựng gây ra.

Những năm gần đây cường độ xây dựng rất lớn, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể tìm thấy những công trình đang thi công mà không có rào chắn đảm bảo. Bụi từ các công trình bị đập phá, vận chuyển vật liệu xây dựng phát tán khắp nơi. Lãnh đạo một công ty dịch vụ môi trường cho biết mỗi ngày công ty này quét được 20m3 cát trên đường Phạm Hùng và phải thực hiện tới bốn ca rửa đường… tất cả chỉ vì bụi.

Theo báo cáo môi trường quốc gia về không khí đô thị VN của Bộ Tài nguyên - môi trường, các phương tiện giao thông, nhất là xe máy, luôn xả ra những chất độc hại như CO, NOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen và bụi PM2,5. Với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông như vũ bão trong tình trạng hạ tầng giao thông bất cập, nạn ùn tắc càng làm Hà Nội ô nhiễm không khí thêm căng thẳng.

Trong bụi lơ lửng, nguy hại nhất là những hạt bụi nhỏ. Bụi này có thể chui được vào lá phổi và thầm lặng giết người. Số liệu của các trạm quan trắc tự động tại các thành phố lớn cho thấy nồng độ bụi nhỏ ở TP.HCM vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức cao nhất, xấp xỉ 80 tới gần 90mg/m3 (tiêu chuẩn là 50mg/m3). Kế tiếp là Hà Nội với gần 70mg/m3.

Những con sông không… cá

Ngay giữa nội thành Hà Nội, hơn 20 năm nay, hai tổ dân cư 30 và 31 của phường Khương Thượng, quận Đống Đa phải sống cạnh một con mương dài 1km nhưng chứa đầy chất thải hóa chất. Con mương chảy giữa những nhà dân san sát, luôn lờ đờ loại nước nồng nặc mùi hóa chất. Có thời điểm vào đầu tháng 11-2007 đoạn mương này xuất hiện một loại nước thải màu trắng đục, bốc mùi cực kỳ khó chịu khiến rất nhiều người bị ốm, các gia đình phải sơ tán trẻ con đến nơi khác lánh nạn, chỉ những người khỏe mạnh mới dám ở lại cầm cự.

Theo phản ảnh của các hộ dân, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ô nhiễm là Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu và Công ty cổ phần Hóa dược đã thải hóa chất ra đoạn mương thoát nước này… Và con mương này cũng cứ điềm nhiên chở chất độc hòa vào những dòng sông của thành phố.

Con sông Tô Lịch có chiều dài 14,4km bắt đầu từ hồ Tây chảy qua chợ Bưởi, cầu Giấy, cầu Mới và đổ vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Đây là con sông thoát nước chính trong thành phố Hà Nội. Dọc theo tuyến sông là cả ngàn ống cống lớn nhỏ ngày đêm xả nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, các cơ sở sản xuất, bệnh viện, chợ búa... ra sông. Ba con sông khác của Hà Nội là sông Sét, sông Kim Ngưu và sông Lừ có chiều dài nhiều chục kilômet chảy qua khắp các khu vực nội thành. Giống như sông Tô Lịch, từ lâu không ai muốn nhúng tay xuống nước trừ những nhân viên hữu trách.

Những khu dân cư giáp các bờ sông hầu hết đều không thể đón gió từ sông thổi vào, nhất là vào mùa khô. Năm 1996, tại đoạn sông Tô Lịch chảy qua cầu Mới (Ngã Tư Sở) có người đi xe máy ngã xuống sông, dù không va đập nhưng vẫn tử vong vì lòng sông không phải là nước mà là chất bầy nhầy như bùn loãng. Phải mất nhiều ngày người ta mới tìm thấy xác nạn nhân. Ít năm trước đây, chính quyền thành phố thực hiện dự án nạo vét một số con sông nội thành. Khi vét bùn, người ta đã tìm thấy cả một thế giới “âm phủ” dưới lòng sông.

Đó là bàn ghế, dao, súng, xô chậu, đồ thờ, dép mũ, xe đạp, xe máy, đầu lâu người, xương người, xương trâu ngựa, ống tiêm, chai lọ, sách vở... không thiếu thứ gì. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, giám đốc Trung tâm Quan trắc và thông tin môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết: “Các con sông của Hà Nội là nơi chứa đựng nước thải cơ bản chưa qua xử lý của hầu hết các chợ, cửa hàng, khách sạn cùng nhiều nhà máy, bệnh viện, các cơ sở y tế cùng sinh hoạt của 5 triệu con người Hà Nội”.

Nguy hiểm nhất là nước thải y tế chưa xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu đều đổ vào hệ thống cống rồi chảy ra sông. Còn rác thải y tế được đổ ra xe thu gom của các công ty vệ sinh môi trường theo rác sinh hoạt, chưa được thu gom đúng quy trình.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng nói: “Hầu hết các sông nội thành Hà Nội đều có chỉ số “sự sống” bằng không. Tức là không một sinh vật nào có thể tồn tại ở môi trường này”.

Bốn con sông của Hà Nội đều đổ vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Lượng nước thải này đã biến sông Nhuệ thành con sông “tổng hợp” những điều kinh khủng. Làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), nơi sông Nhuệ đi qua, xưa kia là trung tâm buôn bán trên bến dưới thuyền, nhưng giờ đây bến sông lặng ngắt, bến thuyền với những bậc đá cổ bỏ mặc rêu phong, những bè rau muống bên sông cũng khó sống.

Sông Nhuệ “chết”, Hà Nam “chết” theo

Sông Nhuệ về tới Phủ Lý (Hà Nam), hợp lưu với sông Đáy và gây ra những hệ lụy nơi này. Ngày 22-9 vừa qua, Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên môi trường tỉnh Hà Nam đã lấy mẫu và kết luận: nước sông Nhuệ đã ô nhiễm cấp 3. Nồng độ amoni vượt 240 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ COD vượt 3,6 lần giới hạn (Theo tiêu chuẩn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt)... Bệnh viện Đa khoa Hà Nam phụ thuộc nguồn nước sông Nhuệ gần đây đã không thể lấy được nước từ sông, phải hạn chế nhu cầu nước; thậm chí phải mua nước của Khu công nghiệp Đồng Văn sử dụng.

QUANG THIỆN - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên