Thế nhưng, nhiều năm nay, ngư dân ở đây phải chịu đựng sự “bủa vây” của nạn ô nhiễm do các nhà máy chế biến xả thải gây ra và khai thác cát.
Phóng to |
Thả xuống đùng hàng chục triệu đồng tiền tôm sú giống, nhưng bà Trương Thị Xiên chỉ thu được ít cá rô phi - Ảnh: Đông Hà |
Sông Chà Và, xã Long Sơn là nơi tập trung hàng ngàn giàn nuôi hàu, hàng trăm bè cá lồng, nhưng hiện tại có rất nhiều giàn nuôi hàu ở phía trên cầu Chà Và đang bị bỏ hoang. Nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm, hàu không đóng trứng trên giàn nên ngư dân bỏ đi, tìm nơi nuôi mới. Địa điểm nuôi mới hiện nay cũng nằm trên sông Chà Và nhưng ở phía gần cửa biển hơn và xa các nhà máy chế biến hải sản ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành. Tuy nhiên, địa điểm nuôi mới này cũng bị đe dọa bởi các máy bơm hút cát.
Ông Nguyễn Văn Cu, ngụ tại thôn 6, xã Long Sơn - người từng nuôi hàu hơn chục năm nay, cho biết vì nước quá ô nhiễm nên hàu không thể đóng trứng trên thẻ ximăng. Từ ngày chuyển địa điểm nuôi ra phía dưới cầu Chà Và, hàu có đỡ chết nhưng thu nhập không đáng kể.
Theo ông Cu, ngày trước nuôi hàu phía trên cầu Chà Và chết bảy phần thì nay có đỡ hơn nhưng cũng chết mất hai, ba phần. Một người nuôi hàu khác cho hay mấy năm qua, bất cứ ai nuôi trồng thủy sản ở xã Long Sơn đều dính phải hàu chết, tôm cá chết vì nguồn nước độc. Ông Nguyễn Văn Xuyến, ngụ thôn 3, xã Long Sơn, có hơn 4 mẫu đùng (một kiểu ao nhưng có thể mở cống để lấy nước tự nhiên vào - pv) nuôi cá mú nhưng năm nay chưa thu được một ký nào. “Lòng vòng quanh đùng của tôi, nhà nào cũng có cá chết, tôm chết. Cá trúng nước độc chết dày đặc bên mé đùng” - ông Xuyến ngao ngán nói.
Ông Võ Văn Mùi, chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho biết xã có được quy hoạch hơn 700 ha nuôi trồng thủy sản nhưng hiện tại bà con ngư dân bị kẹp giữa hai đầu ô nhiễm. Đầu ra thì hàng chục nhà máy chế biến hải sản xả thải. Đầu vào thì máy hút cát thọc vòi xuống lòng sông làm khuấy động dòng nước, bùn dơ, chất bẩn ở đáy sông trồi lên làm nước bẩn. Ông Nguyễn Văn Bình, phó chủ tịch UBND xã Long Sơn, cũng khẳng định việc hút cát ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước làm cá, tôm chết. Nhưng thủ phạm lớn nhất vẫn là các nhà máy chế biến hải sản ở ấp Cát Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành.
UBND xã Long Sơn cho biết đơn vị hiện đang khai thác cát trên sông Chà Và là Công ty TNHH Hoàng Linh. Công ty này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép khai thác cát và vài năm nữa giấy phép mới hết hạn. Theo lãnh đạo xã Long Sơn, việc khai thác cát tuy được phép nhưng không ai giám sát công ty trên khai thác cát ở độ sâu bao nhiêu, có quá giấy phép hay không...
Độ ô nhiễm tại khu tập trung các nhà máy chế biến hải sản ở xã Tân Hải thấy rõ bằng mắt thường. Chúng tôi đi ngoài đường, mùi hôi thối của nước thải xộc thẳng vào mũi. Phía sau các nhà máy chế biến hải sản là hồ chứa xả nước thải đen, hôi thối. Trên mặt hồ, váng dơ bẩn đóng ken đặc. Nước thải từ hồ này theo kênh chảy ra sông Chà Và qua cống xả số 6. Cây mắm, cây đước xung quanh hồ nước này và hai bên rạch dẫn nước từ hồ đổ ra sông Chà Và đều chết trụi, trơ gốc.
Bà Trương Thị Xiên, một ngư dân có đùng nuôi tôm gần các nhà máy chế biến hải sản ở xã Tân Hải, cho hay vợ chồng bà thả xuống đùng hơn 30 triệu đồng tiền tôm sú giống nhưng đến nay không thu được con tôm nào, trong đùng chỉ toàn cá rô phi bé xíu, bán được vài ngàn đồng/kg cho những người làm cá phân. “Vì không thể sinh sống bằng nghề nuôi cá nên chồng tôi phải đi làm thêm nghề khác để kiếm sống” - bà Xiên nói.
Cá chết do nguồn nước bị ô nhiễm Ngày 14-11, ông Lê Tân Cương, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết qua khảo sát các đợt cá chết tại xã Long Sơn và kiểm nghiệm nước cho thấy cá chết là do nguồn nước bị ô nhiễm. Có ba lý do làm nước bị ô nhiễm gồm: nước xả thải từ các nhà máy chế biến hải sản ở Tân Hải (Tân Thành); tận thu, khai thác khoáng sản ở sông Chà Và; nước bị nhiễm bẩn bởi thức ăn nuôi cá. Tuy nhiên, ông Cương cũng cho biết chưa thể xác định rõ mức độ gây ô nhiễm cụ thể của từng nguyên nhân. Sắp tới Sở Tài nguyên và môi trường sẽ mời các nhà khoa học của Viện Môi trường và tài nguyên (ĐHQG TP.HCM) đánh giá chính xác, xác định rõ nguyên nhân cụ thể do ai gây ra như đã từng làm khi đánh giá ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra trước đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận