Ảnh minh họa. Nguồn: vienyhocungdung.vn
Bệnh nhân bị ung thư thực quản thường đến khám muộn, gây khó khăn trong điều trị. Ung thư thực quản có thể xuất phát từ thực quản hoặc lan từ một số ung thư cơ quan kế cận như thanh quản, hạ họng, khí quản, tuyến giáp.
Những yếu tố nguy cơ:
Cho đến nay người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư thực quản, song có nhiều yếu tố liên quan đến việc xuất hiện bệnh. Đó là:
- Chế độ ăn uống: Nghiện rượu và thuốc lá là tác nhân hàng đầu. Ngoài ra, thường xuyên ăn, uống thực phẩm và nước uống có nhiều nitrit và nitrat (là nguồn sinh ra nitrosamin-chất gây ung thư) hoặc chế độ ăn ít rau xanh, hoa quả, ít chất xơ hoặc thói quen ăn uống đồ nóng và các chất gây cọ sát niêm mạc thực quản...
- Một số tổn thương của thực quản có ý nghĩa như: sẹo bỏng thực quản, viêm thực quản do trào ngược dạ dày-thực quản, bệnh co thắt tâm vị, lạc chỗ niêm mạc dạ dày vào thực quản hay những người thừa cân, béo phì...
- Các yếu tố nhiễm khuẩn: vệ sinh răng miệng kém, sâu răng, nhiễm nấm (Geotrichum Candidum, Fusarium)…
Ung thư thực quản có liên quan nhiều đến giới và tuổi tác, thường gặp ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) mà hiếm gặp ở người dưới 50 tuổi. Trong đó nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, chiếm tới 80% số bệnh nhân bị ung thư thực quản.
Triệu chứng:
Nuốt khó là triệu chứng thường gặp nhất. Lúc đầu chỉ xuất hiện khi ăn thức ăn đặc, cảm giác vướng ở sau ức nhưng không đau. Sau đó khó nuốt với cả thức ăn lỏng như cháo, phở... Khó nuốt diễn biến một cách liên tục, càng ngày càng tăng dần và đến khi khối u lan rộng thì nuốt nước cũng thấy khó và đau.
Cùng với triệu chứng nuốt khó, người bệnh có thể có cảm giác vướng, tức nặng, đau âm ỉ đè nén sau xương ức... (tùy theo sự phát triển của khối u) hay khó thở, khàn giọng, ho khan, khạc đờm; đau thượng vị, buồn nôn, nôn, nấc. Trong những trường hợp có nôn triệu chứng này xuất hiện khá sớm nhất là khi ung thư ở cao. Nếu ung thư ở đoạn thấp của thực quản thì triệu chứng nôn xuất hiện muộn. Ngoài ra bệnh nhân thấy chảy nhiều nước bọt.
Trong quá trình ung thư phát triển có thể gây ra các biến chứng: viêm thủng thực quản vào trung thất gây khó thở đột ngột, tràn khí dưới da; rò thực quản vào khí phế quản làm thức ăn vào đường hô hấp gây viêm phổi, áp-xe phổi... Nếu không được điều trị kịp thời, phần lớn bệnh nhân ung thư thực quản sẽ suy kiệt và tử vong do không ăn uống được.
Vì vậy, đối với người bệnh cao tuổi khi có các dấu hiệu sớm như khó nuốt, giọng khàn... đặc biệt ở những người nghiện thuốc lá, rượu cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Ðiều trị:
Ung thư thực quản cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tùy theo các giai đoạn tiến triến của bệnh mà thầy thuốc lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp như: phẫu thuật, chiếu xạ, hóa chất... Trong đó phẫu thuật là biện pháp chính, có thể phẫu thuật kết hợp với điều trị bằng hóa chất hoặc tia xạ. Ngoài ra, cần nâng đỡ cơ thể bằng các biện pháp nuôi dưỡng phù hợp, điều trị triệu chứng, làm giảm các phản ứng phụ do điều trị bằng hóa chất và tia xạ.
Để phòng bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ như không nên hút thuốc lá, giảm uống rượu, tránh các thực phẩm có hại, kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lý ở thực quản. Bên cạnh đó là tăng cường các yếu tố bảo vệ: Ăn nhiều hoa quả, rau xanh và các chất xơ, bổ sung các vitamin và yếu tố vi lượng cần thiết đặc biệt là vitamin A, B2, C, E, selen...
Triệu chứng của ung thư thực quản thường không xuất hiện cho tới khi khối u đã phát triển rõ. Vì vậy cần phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời mới kéo dài và cải thiện cuộc sống cho người bệnh./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận