2,9 tỉ cơn say!“Ai cho con tôi mái trường đàng hoàng?”“Ngày nữa để yêu thương”
Tính từ buổi định đô thì Hà Nội đã 1.000 năm tuổi. Trong suốt chiều dài thời gian ấy đã có biết bao người hào hoa, tài giỏi đổ về Hà Nội sinh sống, lập nghiệp. Các thế hệ ấy nối tiếp nhau mang đến Hà Nội không chỉ tri thức và kỹ năng nghề nghiệp để tạo dựng phố phường mà còn là tinh túy nề nếp của vùng mình, để rồi qua năm tháng và giao tiếp mà chắt lọc thành đặc trưng gọi là nét thanh lịch Hà Nội.
Sống ở Hà Nội suốt thời thơ ấu và thời sinh viên, ký ức thanh lịch của Hà Nội đọng lại trong tôi luôn là: từ nói năng, đi đứng, ăn uống, làm lụng và học hành, tất thảy đều được chăm chút, cân nhắc, không buông tuồng, dễ dãi. Ngôn ngữ Hà Nội do được hun đúc từ người đến từ nhiều vùng mà thành giàu có về vốn từ, chuẩn xác và nhẹ nhàng về âm điệu. Hà Nội thời ấy chẳng thấy ai dám ra đường với bộ quần áo mặc trong nhà chứ đừng nói như trong phòng ngủ. Chẳng mấy lúc nghe phải câu nói tục tĩu ầm ĩ chốn công cộng. Những gia đình Hà Nội mà tôi từng biết có sự hiếu khách nồng nhiệt mà không thô kệch, niềm nở mà không suồng sã, dù đang dở tay thế nào nhưng khi khách đến cũng bỏ đó để chào đón và thay quần áo lịch sự nếu trang phục đang mặc không phù hợp. Tôi nhớ lời bà mẹ của một người bạn Hà Nội dạy khéo cô sinh viên 18 tuổi là tôi: “Rót nước mời khách phải đặt cái chén nước vào tách để tỏ sự trân trọng, bất kể người khách đó bao nhiêu tuổi và có cương vị thế nào”.
Giờ thì Hà Nội đã nhiều phần khác với xưa trong nhiều khía cạnh của đời sống. Đã có nhiều sự suồng sã trong ứng xử và trong phục trang, phục sức. Sự tùy tiện đã nhiều khi lấn lướt sự chỉn chu trong quan hệ con người. Cái ác, cái xấu, cái tham đã hiện diện nhiều hơn người ta tưởng.
Thế nhưng nếu bảo Hà Nội đã mất hẳn sự thanh lịch vốn có rồi, đã không còn gì để hi vọng vào cái đẹp trong lối sống nữa thì lý giải thế nào đây về sự hiện diện bền bỉ của những nếp nhà Hà Nội thanh lịch vẫn còn dễ dàng gặp được hôm nay. Đặc biệt là hình ảnh dòng người tự nguyện xếp hàng để viếng và tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng mười năm ngoái...
Hóa ra cái gì đã thật sự là giá trị thì đâu thể dễ dàng biến mất. Khi ăn mặc, ăn uống, đi lại, nói năng sao cho thanh nhã, lịch thiệp đã là một nhu cầu và trở thành giá trị truyền thống của người Hà Nội tự ngàn năm, cho dù có bị đứt đoạn ở những giai đoạn lịch sử nào đó và vì những nguyên do nào đó thì giá trị đó vẫn bám rễ và tốt tươi trở lại khi được chăm sóc, vun xới.
Vấn đề là ở trong mỗi gia đình và mỗi nơi học hành làm việc của Hà Nội hôm nay, sự thanh nhã, lịch thiệp trong cách sống phải trở thành nhu cầu như không khí ta hít thở hằng ngày. Cái cách người mẹ, người cha chăm chút, chỉ bảo cho con lối giao tiếp thế nào là phải phép với người lớn tuổi và người đồng lứa, lối ăn thế nào là ngon và đẹp dù không có nhiều tiền. Cái cách người chị, người anh trưởng thành, bằng chính sự hiểu biết và thực hành của mình làm tấm gương cho đứa em tuổi mới lớn về cách ăn mặc trang nhã, lịch sự hợp nơi hợp lúc. Cái cách các trường học và công sở nói với học sinh và viên chức của mình về cốt lõi của văn hóa học đường và văn hóa công sở là thực học, thực làm để kết quả học tập và phục vụ xã hội của bản thân mình là có giá trị đích thực, chứ không phải bằng cách gian dối, tham lam, lạm quyền, chèn ép người khác. Cái cách mà các đoàn thể, tổ chức xã hội truyền thông cho hội viên của mình quan tâm và sẵn sàng chia sẻ với nhau, tôn trọng nhân cách và sự khác biệt của nhau mới là thứ con người cần nhất trong đời sống.
Tất cả những cách ấy phải chăng mới là điều kiện cần để xuất hiện nhu cầu sống thanh lịch và nuôi dưỡng cho nhu cầu ấy phát triển tươi tốt. Và như vậy, câu chuyện thanh lịch của Hà Nội đâu chỉ là của Hà Nội, mà còn là của nhiều nơi trên đất nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận