17/10/2008 05:04 GMT+7

Nước thải y tế chảy về đâu? (Bài cuối): "Lực bất tòng tâm"

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội chưa mở rộng có 91 bệnh viện và trung tâm y tế, cơ sở y tế nhỏ. Chỉ tính riêng 32 bệnh viện lớn ở Hà Nội mỗi ngày xả trên 6.000m3 nước thải, trong đó gần một nửa chưa qua xử lý. Đây chính là một trong những nguồn ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

uJf1xega.jpgPhóng to

Điều này ai cũng hiểu nhưng... đành vậy!

Theo báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia 2006” của Bộ Tài nguyên - môi trường, hầu hết các bệnh viện lớn nhỏ của các tỉnh miền Bắc nằm trong hệ thống lưu vực sông Nhuệ - Đáy đều có vi phạm về môi trường: xả nước chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước thải, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải...

Bộ Tài nguyên - môi trường đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan thống kê nguồn thải, xem xét mức độ ô nhiễm của các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm đánh giá tác động ô nhiễm môi trường khu vực, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý và phòng chống cũng như xây dựng kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.

Mặc dù ra đời và tồn tại hàng chục năm nhưng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải để có thể đảm bảo tiêu chuẩn xả nước thải loại B ra môi trường. Cho đến nay, bệnh viện mới chỉ xử lý được chất thải rắn bằng cách ký hợp đồng với các lò đốt và hằng ngày đến tận bệnh viện lấy rác mang về xử lý. Tại khu vực giặt, xả của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tất cả đều được thực hiện trong một căn phòng rộng khoảng 50m2. Nước thải giặt chăn, drap, gối đệm thậm chí nhiều thứ còn dính đầy máu đều được xả thẳng xuống hệ thống cống ngầm phía dưới.

Khi hệ thống máy giặt xả quá nhiều nước tràn thẳng lên miệng ống ga, lênh láng ra cả khu vực phía sau của bệnh viện. Thực tế cho thấy toàn bộ số nước thải giặt đồ của bệnh viện đều được xả xuống cống rồi nhập vào hệ thống tiêu thải, thoát nước. Và không chỉ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, còn hàng chục bệnh viện khác ngày đêm xả nước thải bẩn vào hệ thống cống thoát nước chung của thủ đô.

Không dám móc cống

Theo Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, hiện chỉ có trên mười bệnh viện có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại các cơ sở y tế cũng như bệnh viện vừa và nhỏ đều xử lý bằng hệ thống bể chứa kết hợp với khử trùng bằng chloramine B nên lượng nước thải độc hại còn lớn.

Theo bản đồ của công ty, mỗi bệnh viện có một họng cống đổ ra đường thoát chung, tại những điểm này hầu như không một nhân viên nào của công ty dám chui xuống cống để khai thông đường ống. Điển hình là khu vực nước thải của các bệnh viện Việt Đức, K, Phụ sản trung ương nằm quanh tuyến đường Quán Sứ, Tràng Thi. Ở các điểm nước xả ra từ khu dân cư, nhân viên công ty phụ trách thông đường ống vẫn có thể xuống để cào rác chuyển lên, nhưng với những điểm ống xả của ba bệnh viện này thì công ty bắt buộc phải cho xe cơ giới hút bùn từ các đường ống cống.

Theo nhận xét của công nhân thoát nước, tại những điểm ống xả của ba bệnh viện Việt Đức, K và Phụ sản trung ương luôn có mùi hôi thối như chuột chết, mùi khí gas và các chất bẩn khác nồng nặc, đây là thứ mùi đặc trưng của nước thải bệnh viện. Theo anh Hùng - công nhân của công ty, nước thải bệnh viện gồm đủ thứ như dịch, đàm, máu, thậm chí cả các bộ phận bị hoại của cơ thể người cũng thi nhau xả xuống cống. Các loại hóa chất điều trị ung thư và các sản phẩm chuyển hóa cũng có thể được xả thẳng ra cống. Chính vì vậy, đối với các điểm cống của bệnh viện, công nhân nạo vét đường ống thoát nước đều không dám chui xuống hệ thống cống để nạo vét.

Không thể xử lý...

Theo đánh giá của Công ty thoát nước Hà Nội về hệ thống thoát nước của các bệnh viện, cơ sở y tế thì tổng lượng nước thải từ hoạt động khám chữa bệnh so với lượng nước sinh hoạt không lớn nếu so với nước thải sinh hoạt nhưng mức độ ô nhiễm lại rất lớn do có chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, chất phóng xạ, các loại dung môi hữu cơ.

Để đánh giá mức độ ô nhiễm của hệ thống nước thải bệnh viện, công ty đã lấy mẫu nước tại vị trí các hố ga trước khi chảy vào hệ thống thoát nước chung của TP từ năm bệnh viện Đống Đa, Nhi, Phụ sản, Bảo vệ bà mẹ & trẻ em và Bưu điện. Việc lấy mẫu này được tiến hành thường xuyên một tháng/lần từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2007. Kết quả phân tích đối chiếu với tiêu chuẩn VN cho thấy các mẫu đều bẩn và độc hại, hàm lượng chất bất hữu cơ BOD5 cao gấp nhiều lần cho phép. Đặc biệt, trong nước thải bệnh viện có chứa nhiều vi trùng, nồng độ oxy hòa tan <1mg/l, chứng tỏ nước thải tại các bệnh viện đều bị yếm khí.

Việc xả nước thải chưa qua khử trùng và xử lý đã làm nhiễm bẩn một số nguồn nước khu vực xung quanh, trong đó hệ thống mương hở Quỳnh Lôi, Thanh Nhàn, Láng Trung đều đang bị ô nhiễm nặng do một phần lượng chất bẩn từ các bệnh viện xả vào. Mặc dù biết là bẩn, ô nhiễm như vậy nhưng theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga - trưởng phòng kỹ thuật môi trường Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, công nhân công ty vẫn phải tiến hành nạo vét, làm việc vì không thể xử lý hay kiến nghị cơ quan, đơn vị nào giải quyết tình trạng này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Trần Trọng Bình - trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Nội - cho biết nước thải bệnh viện vốn là vấn đề đau đầu của lực lượng cảnh sát môi trường trong thời gian qua. Ai cũng biết nước thải này độc hại và vẫn xả vào môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó Hà Nội có sáu bệnh viện phải thực hiện ngay quyết định này (Việt Đức, K, Phụ sản trung ương, Phụ sản Hà Nội, Đống Đa, Hai Bà Trưng - Thanh Nhàn). Nhưng quyết định của Thủ tướng có lộ trình nên khi kiểm tra thì chỉ có thể xử lý về mặt tiến độ, không thể xử lý về góc độ gây ô nhiễm môi trường.

Biết cả, nhưng tiền đâu để chi?

“Theo báo cáo, đa số bệnh viện đều có hệ thống xử lý nước thải. Nhưng phải nói thành thật là phần lớn bệnh viện ở VN đã quá cũ, hệ thống xử lý nước thải xây ngầm có thể đã nứt, rò rỉ ra môi trường” - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lý Ngọc kính mở đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ về vấn đề nước thải bệnh viện. Ông Kính nói tiếp:

- Các bệnh viện đều xây đã lâu, muốn khắc phục hệ thống nước thải tốn không ít tiền. Tiếp đó là vấn đề hóa chất xử lý nước thải, bệnh viện chủ yếu xử lý nước thải trước khi ra đường thải chung bằng hóa chất, nhưng về liều lượng hóa chất có đúng quy cách theo yêu cầu hay không thì không làm cách nào kiểm tra nổi, làm sao biết bệnh viện cho vào bao nhiêu hóa chất, có đúng như báo cáo hay không...

* Thưa ông, có một vấn đề là nguồn nước thải của bệnh viện không như nước thải thông thường, mà có thể làm lây lan các bệnh lây nhiễm...

- Đương nhiên ai cũng hiểu nước thải bệnh viện là nguồn của một số bệnh lây nhiễm. Nhưng nói cho cùng hệ thống vệ sinh chung vẫn chưa đảm bảo. Trở lại vấn đề nước thải bệnh viện, hầu hết đều chưa có thiết kế tổng thể mà cứ xây dần lên nên khó đảm bảo cả hệ thống xử lý nước tốt. Vấn đề lớn hiện nay là kinh phí, có bệnh viện đang kêu họ xử lý rác y tế rất tốn tiền mà chưa biết lấy đâu để chi. Hằng năm Bộ Y tế vẫn có giám sát chéo tại các bệnh viện, trong đó có chấm điểm cả về vấn đề xử lý nước thải, nhưng thật ra mới giám sát được ở bề nổi, người ta báo cáo là được nhưng chất lượng thì...

* Nhưng ở vị trí cơ quan đứng đầu về chuyên môn, vì sao Bộ Y tế vẫn chưa để vấn đề nước - rác thải bệnh viện thành một trong những vấn đề hàng đầu cần giải quyết?

- Nói đến thì ai cũng biết cả, ai cũng hiểu cả, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng ngay trước mắt nhưng lực bất tòng tâm. Nên nhớ hệ thống bệnh viện chắp vá từ hàng trăm năm nay. Trong khi đáng ra hệ thống nước thải phải làm nổi, dễ xử lý, phát hiện khi có rò rỉ, lún nứt chảy ra môi trường thì ngoại trừ một số bệnh viện mới xây, còn hệ thống nước thải của các bệnh viện cũ đều được thiết kế ngầm, khi có sự cố rất khó phát hiện. Hơn một năm nay, Bộ Y tế đã tính đến quy hoạch hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, cuối năm sẽ trình Chính phủ. Quy hoạch này tách hai loại nước bề mặt, nước sử dụng cho người bệnh, tính công suất nước thải, kinh phí xây dựng và vận hành hệ thống... Nhưng cũng phải nói thật là làm xong quy hoạch cũng chưa biết có được đầu tư.

* Vậy theo đánh giá của ông, bao nhiêu phần trăm bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu?

- Theo tôi, chỉ có một số bệnh viện tuyến tỉnh mới xây dựng. Các bệnh viện trung ương, số mới xây dựng ít lắm, phần lớn là cũ cả. Nhưng nói “đảm bảo yêu cầu” thì tôi không nói được, phải có đánh giá, xét nghiệm nước đầu ra, có theo dõi thường xuyên mới đủ cơ sở để đánh giá. Phải nói thật là vấn đề chất thải đang là vấn nạn của xã hội, không riêng gì bệnh viện. Tôi cho là các đô thị chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề chất thải.

* Nhưng ở vị trí quản lý nhà nước về y tế, không thể nói xử lý nước thải bệnh viện là vấn đề Bộ Y tế không có quyền...

- Người đánh giá chất lượng nước thải là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Còn giám đốc các bệnh viện thường nại lý do không có kinh phí. Một bệnh viện 500 giường, muốn có hệ thống nước thải hoàn chỉnh cần 10 tỉ đồng...

* Nếu muốn nói về ảnh hưởng của nước thải bệnh viện, ông sẽ nói gì?

- Chuyện nước thải và rác thải bệnh viện, theo tôi cũng giống chuyện túi nilông, nếu không kiên quyết thì sẽ tự giết mình.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên