12/03/2016 11:43 GMT+7

Nước Nhật tháng 3, những nỗi đau chưa dứt

NGUYỄN ĐỖ AN NHIÊN
NGUYỄN ĐỖ AN NHIÊN

TTO - 5 năm nay, những ngày tháng 3 ở Nhật là những ngày đầy ắp thông tin về các địa phương bị thiên tai, về những con số thống kê thiệt hại hay mức độ hồi phục, và cả về những tâm sự trong lòng người.

Một phụ nữ Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân động đất - sóng thần ở tỉnh Iwate hôm 11-3-2016 - Ảnh: AP
Một phụ nữ Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân động đất - sóng thần ở tỉnh Iwate hôm 11-3-2016 - Ảnh: AP

Vậy là đã 5 năm trôi qua, kể từ ngày thảm họa “3 trong 1” (động đất, sóng thần, hạt nhân) xảy ra tại vùng đông bắc Nhật Bản (11-3-2011 - 11-3-2016). 

Suốt 5 năm qua, không riêng người Nhật, cả thế giới đều không ít lần nhắc đến thảm họa này trên nhiều phương diện.

Lòng tin và sự ngờ vực

Vào lúc 14g46 ngày 11-3, tất cả các công sở, trường học tổ chức mặc niệm cho những người đã mất vì thảm họa. Giai điệu da diết của bài hát “Hana wa Saku”[1]- bài hát chủ đề của dự án cùng tên của đài truyền hình NHK thực hiện với mục đích hỗ trợ phục hưng các vùng bị thiên tai vang lên với niềm hi vọng.

Thật ra, 5 năm nay và có lẽ vẫn tiếp tục trong tương lai, những ngày... không phải tháng 3 mới thật sự thể hiện rõ ràng tâm trạng của người Nhật.

Ngay sau khi động đất, sóng thần xảy ra, dường như cả nước Nhật hướng về vùng đông bắc với cùng một tâm trạng. Vậy mà từ khi sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra cho đến nay, nước Nhật như bị chia cắt. Đó không chỉ là sự chia cắt về mặt địa lý do động đất, do sóng thần hay do rò rỉ phóng xạ.

Đó còn là sự mâu thuẫn trong lòng người: lòng tin và sự ngờ vực về những gì được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Người ta cố gắng tin vào “huyền thoại hạt nhân” từng được đảm bảo trong quá khứ mà vẫn không sao thoát khỏi mối nghi ngờ khi chứng kiến sự lúng túng trong quá trình giải quyết sự cố. Người ta gọi đó là sự cố ngoài tưởng định bởi thiên tai không thể dự đoán được.

Nhưng luật sư Yasuda Junji, người tỉnh Fukushima đã chia sẻ trong chuyến đi giao lưu hữu nghị tại Việt Nam năm 2014, rằng tháng 1-1975, chính ông đã dẫn đầu đoàn luật sư cùng hơn 400 người dân địa phương gửi đơn kiện chính phủ, đòi xóa bỏ việc công nhận nhà máy hạt nhân bởi có thể xảy ra động đất, sóng thần, hoặc tai nạn máy bay ngay tại vùng xây dựng nhà máy.

Đương thời, đơn kiện bị bác bỏ nhưng nay, tai nạn đã thật sự xảy ra.

Hình ảnh thủ tướng Nhật dùng thử các món ăn xuất xứ Fukushima thỉnh thoảng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chưa hẳn đem lại sự an tâm cho dân chúng. Sự hoang mang giữa những người tưởng như vô can với thảm họa là có thật.

Người ta ra sức kêu gọi ủng hộ nông sản của vùng đông bắc bởi mọi thứ đều được kiểm tra nghiêm ngặt, mức độ nhiễm phóng xạ trong mức cho phép... nhưng nhiều người vẫn còn thẳng thừng từ chối bởi không muốn đánh cược sức khỏe với những thông số theo họ là không đáng tin.

Những câu hỏi về niềm tin

Nhiều người dè dặt thăm dò, không muốn là người lạnh lùng trong công cuộc phục hưng đất nước, trái tim vẫn ủng hộ những người nông dân, ngư phủ Fukushima nhưng... đâu là sự thật để họ đặt niềm tin?

Thảm họa 11-3-2011 khoét sâu sự chia rẽ giữa những bậc trí thức trong việc ủng hộ hay phản đối xuất khẩu điện hạt nhân sang các nước láng giềng, khoét sâu sự đối lập giữa người dân và chính phủ trong việc đóng cửa hay tái vận hành các lò hạt nhân.

Và bất chấp làn sóng phản đối của dân chúng, bất chấp sự thật là Nhật Bản vẫn đủ điện dùng trong thời gian tạm đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, chính phủ Nhật Bản vẫn ra tuyên bố không thay đổi phương châm “điện hạt nhân là không thể thiếu” với lý do đất nước nghèo tài nguyên. Một bên đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu, một bên xem trọng sự an toàn cho những thế hệ tương lai.

Đó là sự đối lập giữa khách hàng và công ty Tepco (hay còn gọi là Toden, công ty điện lực Tokyo - chịu trách nhiệm chính về nhà máy điện hạt nhân Fukushima) về mức độ bồi thường thiệt hại do rò rỉ phóng xạ. Mức bồi thường được tính trên khoảng cách từ nơi sinh sống đến khu vực nhà máy Fukushima.

Sự chênh lệch khoảng cách có thể chỉ là một lằn ranh, một hàng rào và đương nhiên, mức độ phóng xạ thì không thay đổi, nhưng số tiền bồi thường chênh lệch khá nhiều khiến nội bộ người dân ít nhiều bất mãn. 

Tôi đã giật mình thảng thốt khi đọc bài viết của GS. Ito Masako về “Dự án nhà máy điện hạt nhân cho ai?”. Bà đã hỏi “các bạn đang sống ở Nhật, vậy có theo dõi tin tức Nhật Bản không?” Tôi hiểu ra mình phải yêu mến Nhật Bản bằng cả lý trí chứ không thể chỉ bằng trái tim như lâu nay.

-------------------

[1] Nhạc: Kanno Yoko, lời Nhật: Iwai Junji. Đã được ca sĩ hoạt động tại Nhật, Hải Triều, dịch sang tiếng Việt với tựa “Và hoa sẽ nở”.

NGUYỄN ĐỖ AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên