16/05/2016 08:09 GMT+7

"Nước ngoài không có khái niệm đền bù, giải tỏa"

MAI HƯƠNG - D.NGỌC HÀ ghi (maihuong@tuoitre.com.vn)
MAI HƯƠNG - D.NGỌC HÀ ghi (maihuong@tuoitre.com.vn)

TTO - Tiếp nối diễn đàn, Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm với sự tham dự của bốn nhân vật am hiểu TP.HCM, có đặc thù công việc, quá trình công tác gắn bó với TP và tâm huyết với mục tiêu xây dựng phát triển TP vươn lên vị trí xứng tầm khu vực.

Từ trái qua: ông Nguyễn Ngọc Dũng, bà Phạm Phương Thảo, ông Nguyễn Thành Tài và ông Nguyễn Trọng Hòa trong buổi tọa đàm tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Ngọc Dương
Từ trái qua: ông Nguyễn Ngọc Dũng, bà Phạm Phương Thảo, ông Nguyễn Thành Tài và ông Nguyễn Trọng Hòa trong buổi tọa đàm tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Ngọc Dương

Đó là bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP, ông Nguyễn Thành Tài - nguyên phó chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Trọng Hòa - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP và kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng. Các khách mời đã có thời gian trải lòng về hiện thực cũng như giấc mơ dành cho TP.HCM.

Việc dám sử dụng người giỏi hơn mình cũng cần có bản lĩnh. Chèn ép, hạn chế cơ hội, không dám sử dụng, loại người giỏi hơn mình ra khỏi bộ máy... tất cả những biểu hiện đó là một thách thức cho quá trình vươn lên

Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO

Bản lĩnh để dùng người giỏi

Mở đầu buổi tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Có gắn bó mới thấy người dân TP rất có sức bật, nhanh nhạy với cái mới và tiềm tàng sức sáng tạo rất lớn. Chính vì nhân dân năng động, sáng tạo nên khi có những chuyện lý ra chính quyền phải giải quyết nhanh nhưng lại phản ứng chậm thì người ta cảm thấy bị ức chế”.

Theo bà Thảo, khoan tính đến chuyện vươn lên TP số 1 hay số 2, cái trước mắt là phải giải quyết những khiếm khuyết đang hiện hữu trong bộ máy và có những giải pháp để người dân bớt ức chế, giảm đi những phiền hà, bất an không đáng có trong cuộc sống, đó mới là mục đích thiết thực nhất.

Bà Thảo nhắc lại chuyện thời Bác Hồ: “Ngày trước, thời Bác Hồ, có người ngoài Đảng làm đến chức bộ trưởng. Còn bây giờ nhiều nơi, người không có Đảng thì chưa làm được phó phòng. Tại sao Bác quy tụ và sử dụng được nhân tài? Ta hô hào học Bác mà rốt cuộc lại không học được?”. Bà Thảo đặt câu hỏi phải chăng vấn đề đang nằm trong tư duy, nhận thức của chúng ta? Nhiều nơi còn đặt nặng nhiều yếu tố khác lên trên yếu tố năng lực nên dẫn tới hệ quả bộ máy nhà nước ngày càng ít người giỏi.

“Tôi rất quan tâm đến những người ngoài Đảng có năng lực vượt trội. Phải mời gọi cho được càng nhiều người giỏi tham gia thì chính quyền mới tinh và mạnh được. Mời gọi được người giỏi và thật sự trân trọng những ý tưởng sáng tạo, đó chính là việc cần làm của người lãnh đạo có thực tâm” - bà Thảo nói. Theo bà Thảo, việc dám sử dụng người giỏi hơn mình cũng cần có bản lĩnh. Chèn ép, hạn chế cơ hội, không dám sử dụng, loại người giỏi hơn mình ra khỏi bộ máy... tất cả những biểu hiện đó là một thách thức cho quá trình vươn lên.

Tiếp nối mạch vấn đề của bà Thảo gợi mở, ông Nguyễn Trọng Hòa cho rằng chính vì chưa dùng được nhiều người giỏi, trong khi kỷ cương, đạo đức công vụ chưa nghiêm, dẫn đến bộ máy nhà nước tồn tại nhiều tiêu cực.

“Nói thẳng, cải cách hành chính đến giờ phút này chỉ được... bề mặt, cán bộ ở các quận, huyện vẫn còn hành dân kinh khủng - ông phân tích - Tại sao người ta tranh nhau vào cơ quan nhà nước trong khi lương nhà nước mỗi tháng chỉ có 4 triệu đồng, còn lương công ty bên ngoài thì đến 1.000 USD? Có phải vì đằng sau lương là bổng lộc cao gấp nhiều lần mà xã hội đang phải im lìm chi? Vì vậy cần phải minh bạch, công khai càng nhiều càng tốt từ Chính phủ đến UBND phường thì mới mong triệt tiêu được tiêu cực”.

Theo ông Hòa, nếu TP.HCM làm được khâu này, đó sẽ là mấu chốt, động lực cho nhiều việc khác. Một khi thủ tục đã thông thoáng, các khuất tất dần ít đi, mọi sự được minh bạch thì cái đúng, cái tốt mới được nhìn thấy, được trân trọng và bảo vệ.

Điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển

Phần chia sẻ của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng thu hút sự chú ý của các khách mời khi ông mở đầu bằng hình ảnh minh họa cho những nguyện vọng bình thường nhất của cư dân đô thị mà ông thu thập được trong quá trình đi thực tế: mong đường hết kẹt xe; mong nhà hết biến thành hầm, đường thôi biến thành sông; người bán hàng rong mong có chỗ mưu sinh hợp pháp...

Ông Dũng đề đạt: “Trong 20 năm tới, dân số của TP.HCM sẽ là 20 triệu người nên Nhà nước phải chủ động điều chỉnh cách phát triển đô thị ngay từ bây giờ”.

Ông Dũng cho biết từng đề xuất xây dựng 16 đô thị vệ tinh phải là những đô thị sản xuất, tạo ra lợi nhuận để thu hút người dân tới ở. Nêu ví dụ về một đô thị mẫu như TP Tama Newtown ở Nhật, ông Dũng nói điều đáng chú ý là họ xem người dân đang sinh sống tại khu quy hoạch cũng chính là những nhà đầu tư tương lai. Chính quyền mời gọi và tạo điều kiện cho dân đầu tư, xây dựng theo đúng quy hoạch - họ được tái định cư tại chỗ mà không cần di dời, giải tỏa.

Thông tin này của ông Dũng được các khách mời khác thích thú chia sẻ và đồng cảm.

Ông Nguyễn Thành Tài kể: “Có lần tôi cùng đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Tôi hỏi họ về kinh nghiệm đền bù giải tỏa trong thực hiện dự án, lòng cứ nghĩ chắc mình đã hỏi được vấn đề hay, quan trọng. Ngờ đâu họ rất lúng túng, phải chạy đi hỏi han, tham khảo tư liệu một lúc rồi mới ra... xin lỗi mình. Họ nói: Xin lỗi, nhưng ở đây chúng tôi không có khái niệm “đền bù giải tỏa”. Nghe bạn nói mà mình nghiệm ra việc di dời giải tỏa, làm xáo trộn cuộc sống của người dân có khi chưa phải là cách tốt nhất”.

Ông Nguyễn Trọng Hòa băn khoăn: “Cái tôi lo nhất hiện nay là quy hoạch đã phủ kín địa bàn TP nhưng không an toàn. Chính quyền còn lẫn lộn giữa quản lý hành chính và quản lý đô thị. Ví dụ như chuyện phân bổ dân cư thì các quận, huyện nào cũng muốn quy hoạch cho dân số trên địa bàn quận mình thật cao để tranh thủ thu hút các dự án nhà ở, chung cư mà không quan tâm địa hình của địa phương có phù hợp với phát triển nhà ở hay không. Cách làm này đang đưa người dân đến ở những khu vực có nguy cơ bị ngập nước. Điều này khó cho chính quyền TP khi cần điều chỉnh cư dân để tập trung dọc các tuyến metro nhằm tăng hiệu quả của công trình này. Vì vậy, chính quyền TP cần phải điều chỉnh mạnh hơn về quy hoạch”.

Kiên trì xin cơ chế chủ động

Trả lời câu hỏi: Phải chăng trước đây TP.HCM nhận được nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù hơn, phải chăng các thế hệ lãnh đạo TP lúc trước cũng năng động hơn bây giờ, tất cả các khách mời đều cho rằng chưa hẳn như vậy.

Bà Phạm Phương Thảo nhận định TP bị đánh giá là phát triển chưa đúng với tiềm năng, dĩ nhiên bất cứ ai có trách nhiệm đều cảm thấy cần tự trách mình trước tiên. Có những cái mình chưa dám làm, chưa dám đột phá. Nhưng phải nhìn nhận điều kiện, tình hình, hoàn cảnh hiện tại đã khác trước. Luật pháp đã đầy đủ, chặt chẽ hơn, tạo ra nhiều ràng buộc hơn nên quá trình tìm đường, phá rào như trước đây cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, không vì khó mà chúng ta bỏ cuộc.

“Nên kiên trì đeo bám việc kiến nghị trung ương cho TP những cơ chế đặc thù. Mô hình chính quyền đô thị với rất nhiều tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo TP cần được theo đuổi, dĩ nhiên là với một cách tiếp cận khác phù hợp hơn khi mà Luật tổ chức chính quyền địa phương đã được thông qua” - bà Thảo góp ý.

Ông Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh thêm: “Tình huống hiện nay, nếu ta vẫn muốn “ôm trọn” đề án chính quyền đô thị như trước thì khó. Nên chăng chỉ kiến nghị riêng về một mô hình quản lý đô thị”. Để tránh hiểu lầm cơ chế đặc thù là “cơ chế ưu đãi”, ông Tài đề nghị TP chỉ cần xin cơ chế chủ động để giải quyết các vấn đề tự thân.

Bà Phạm Phương Thảo kết luận: “Cơ chế nào, bộ máy nào cũng sẽ không phát huy tác dụng, không làm nên chuyện nếu lãnh đạo không quyết tâm, thiếu quyết đoán, không dám làm và không dám chịu trách nhiệm”.

Không chấn chỉnh đội ngũ sẽ khó cất cánh

Nhấn mạnh yếu tố con người, ông Nguyễn Thành Tài so sánh: Thời kỳ đất nước mới thống nhất, TP còn ngổn ngang trăm công nghìn việc. Lúc đó, đội ngũ cán bộ của TP còn ít, trình độ chuyên môn cũng không đồng đều và chắc chắn không được như bây giờ. Nhưng họ đã làm được rất nhiều việc. Họ làm được vì trong lòng họ có quyết tâm, mong muốn được cống hiến, góp sức cho TP. Nhìn lại thực tế hiện nay, đội ngũ của chúng ta đông hơn, trình độ, bằng cấp nhiều hơn nhưng chất lượng phục vụ người dân lại có vấn đề. Theo ông Tài, rất khó để cất cánh với một đội ngũ như vậy. TP phải nhìn thẳng vào thực tế này để chấn chỉnh ngay từ bây giờ.

MAI HƯƠNG - D.NGỌC HÀ ghi (maihuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên