Nụ và chiếc đầu gối tự băng lại để có thể di chuyển được trong những ngày vừa qua khi chấn thương tái phát - Ảnh: Phi Điệp |
“Tâm huyết bao nhiêu thì bây giờ vì nó mà tàn đời bấy nhiêu |
Nhà vô địch SEA Games 22 Nguyễn Thị Nụ |
Giã từ sự nghiệp thể thao sau 17 năm gắn bó, ở tuổi 31, Nụ ra đi với đôi bàn tay trắng, không sức khỏe, không tiền bạc. Lá đơn xin thôi việc cô gửi đến lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội trước Tết Nguyên đán vừa qua như dấu chấm hết cho cuộc tình đầy cay đắng giữa cô với điền kinh.
Bốn lần lên bàn mổ, giờ vẫn phải bò
Với Nụ, để đổi lấy những tấm huy chương quý giá, cô phải sống chung với chấn thương dây chằng gối phải suốt hơn chục năm qua. Sau bốn lần phẫu thuật đầu gối, lần gần nhất vào năm 2010, Nụ vẫn phải sống chung với những cơn đau đớn. Cứ sau mỗi lần phẫu thuật, chân chưa hoàn toàn phục hồi, Nụ đã phải ra sân tập khiến chấn thương không có cơ hội hồi phục dứt điểm. Quá đau đớn, khi đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp năm 2010, Nụ phải chia tay sự nghiệp VĐV vì không chạy nổi.
Năm 2011, khi đang theo học Trường đại học TDTT Từ Sơn, Bắc Ninh, Nụ được ký hợp đồng ngắn hạn làm HLV điền kinh trẻ Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều thời điểm Nụ bị lãnh đạo bộ môn điền kinh phân công làm thêm việc đi nhổ cỏ cực nhọc ở sân điền kinh. Sự việc của Nụ gây ầm ĩ dư luận, sau khi báo chí vào cuộc cô không phải đi nhổ cỏ nhưng sự nghiệp HLV cũng lận đận, long đong. Suốt 5 năm qua cô vẫn làm công việc HLV trẻ cho điền kinh Hà Nội với hợp đồng ngắn hạn và đồng lương còi cọc không đủ sống.
Nụ nói: “Biên chế thì không đến lượt mình, còn hợp đồng ngắn hạn thì tôi chỉ nhận được khoảng 2 triệu tiền lương, cộng với tiền ăn và các chế độ khác tất cả được khoảng 5 triệu đồng/tháng, số tiền này đến sống cũng khó chứ chưa nói làm được gì.
Theo tập điền kinh năm 15 tuổi (năm 2000), thời điểm đó cô gái quê Đông Anh (Hà Nội) Nguyễn Thị Nụ được coi là một trong những nhân tố quan trọng nhất của đội tuyển điền kinh VN ở nội dung tiếp sức, chạy rào.
Sau ba năm nỗ lực, năm 2003 Nụ có mặt trong đội tuyển điền kinh VN tham dự SEA Games 22 diễn ra tại Hà Nội. Trong năm đó cô và các đồng đội Nguyễn Thị Tĩnh, Vũ Thị Hương, Dương Thị Hồng Hạnh đã tạo cơn địa chấn khi giúp điền kinh có chiếc HCV ở nội dung tiếp sức 4x400m. Những năm tiếp theo, Nụ giành 2 HCB nội dung 400m rào ở SEA Games 23, 24, HCĐ 4x400m tiếp sức SEA Games 24... |
Sau bốn lần phẫu thuật, chấn thương dây chằng đầu gối phải của tôi vẫn đau kinh khủng, tôi đi huấn luyện nhưng chạy nhanh cũng không nổi vì đau. Cứ khi thời tiết thay đổi chân đau nhức, lấy tay sờ đầu gối có thể sờ thấy từng chiếc đinh vít. Đau quá, những hôm trời lạnh tôi phải bò mới lên được cầu thang vì chân không nhấc nổi. Tôi muốn đi mổ chân nhưng chi phí phải 50 - 60 triệu thì lấy đâu ra tiền mà mổ”.
Tâm sự của Nụ khiến người nghe quá xúc động. 17 năm theo thể thao tay trắng vẫn hoàn tay trắng, đến sức khỏe còn không giữ được. Bố mẹ nghèo, Nụ nói muốn vay tiền đi mổ gối nhưng bố mẹ không có vì làm nông thì lấy đâu ra khoản tiền lớn thế mà chạy chữa. Suốt từ tháng 8 năm ngoái đến nay, do đầu gối đau quá, Nụ phải xin nghỉ việc tạm thời để nằm nhà nhờ bố mẹ chăm sóc. Câu chuyện với Nụ nhiều lần ngắt quãng bởi nỗi lo về đôi chân tàn tật sẽ theo cô đến hết đời.
“Đau đớn như mất đi một nửa cơ thể”
Đó là chia sẻ của HLV Nguyễn Thị Nụ viết trong lá đơn xin thôi việc gửi lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội trước tết vừa qua. Cô viết: “Vì một số lý do cá nhân và tình trạng sức khỏe, tôi phải ở nhà thường xuyên trong những tháng tới. Do đó để tránh không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, vì thế tôi viết đơn này mong giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, chủ nhiệm CLB điền kinh Hà Nội cho tôi xin phép được nghỉ việc. Tôi rất lấy làm tiếc và cảm thấy đau đớn như mất đi một nửa cơ thể mình khi phải ngưng việc tại đây - nơi mà tôi đã gắn bó và đóng góp nhiều thành tích của mình bằng tất cả niềm đam mê và tâm huyết trong những năm vừa qua”.
Suốt 6 tháng qua từ khi Nụ bị chấn thương đầu gối tái phát đến nay, Nụ cho biết không biết vì lý do gì, cô không nhận được tiền lương từ ngành thể thao Hà Nội. Không có tiền, những tháng ngày qua cô phải nhờ bố mẹ nuôi ăn, nuôi ở, chăm sóc khi không đi lại được.
Những lúc chân đau quá, Nụ cho biết: “Chẳng có cách nào ngoài uống thuốc giảm đau. Nhưng uống thuốc mãi cũng không được nên tôi phải cắn răng mà chịu. Vì thể thao, tôi đã hi sinh cả sức khỏe, giờ thì chẳng có gì trong tay, đến việc đi lại trong tương lai cũng khó có thể nói trước được nếu tôi không có tiền mổ gối. Tôi chưa bao giờ nghĩ đời mình lại có lúc rơi vào cảnh khó khăn thế này”.
Về chuyện của HLV Nguyễn Thị Nụ, ông Lại Phúc Lộc - trưởng bộ môn điền kinh Hà Nội - cho biết đến giờ này ông vẫn chưa nhận được đơn nghỉ việc của Nụ. Ông Lộc nói thời gian qua HLV Nguyễn Thị Nụ xin nghỉ nhiều vì bị đau ốm suốt nhưng cơ quan vẫn trả tiền lương và các chế độ khác cho cô Nụ đến tháng 12-2015.
Không biết tiền chuyển đi đâu mà Nụ bảo cô không nhận được lương từ tháng 9-2015 đến nay. Giờ sức khỏe không có, chân đau không đi lại được nên cô chưa tính sẽ xin đi làm việc gì để nuôi bản thân nên tạm thời phải về quê ăn nhờ bố mẹ.
Cầm tấm bằng đại học TDTT Từ Sơn trong tay và hàng tá huy chương trong nước, quốc tế, với đôi chân tập tễnh Nụ chưa biết đời mình sẽ trôi về đâu. “Tâm huyết bao nhiêu thì bây giờ vì nó mà tàn đời bấy nhiêu”, câu nói của Nụ nghe thật xót xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận