03/06/2019 15:20 GMT+7

Nước mắt ngày thi chỉ nên là 'cơn mưa mau tạnh'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Kỳ thi vào lớp 10 ở nhiều thành phố lớn chưa kết thúc nhưng nhiều giọt nước mắt đã nhỏ xuống trước cổng nhiều điểm thi.

Nước mắt ngày thi chỉ nên là cơn mưa mau tạnh - Ảnh 1.

Một thí sinh ôm mẹ khóc sau giờ thi môn toán - Ảnh: CHÍ TUỆ

Hình ảnh những bà mẹ ôm con khóc trên báo, trên mạng xã hội thật ám ảnh, nhưng chưa phải chỉ có thế.

Câu chuyện của một học sinh "trượt cấp ba"

Trong buổi ghi hình chương trình "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" của VTV7, Đỗ Việt Anh - một học sinh đang học lớp 11 đã kể câu chuyện của chính mình - điều từng là nỗi ám ảnh nặng nề đè nặng lên em trong một thời gian dài.

Việt Anh từng là một học sinh xuất sắc, với 4 năm liền là lớp trưởng ở trường THCS. Em từng là cậu bé được bố mẹ tin tưởng, tự hào. Ước mơ của em là thi đỗ vào một trường đại học và trở thành nhà báo. 

Nhưng mọi chuyện đột nhiên thay đổi ở chính kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - tương tự kỳ thi đang diễn ra ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Việt Anh không làm bài tốt và em đã không đủ điều kiện vào học một trường THPT công lập. Việt Anh nghẹn ngào nhớ lại.

"Khi biết kết quả thi, em thực sự suy sụp. Em điện thoại cho mẹ báo tin. Nhưng mẹ lại cứ nghĩ em nói đùa. Khi hiểu đó là sự thật, mẹ từ cơ quan lao về nhà, hai mẹ con em ôm nhau khóc. Bố em sau đó cũng về nhà. 

Bình thường mọi khi bố thường dắt xe vào nhà ngay nhưng hôm đó bố để xe ngoài đầu ngõ và chạy thẳng vào nhà hỏi 'Sao rồi con?'. Em nói 'Con trượt rồi'. Bố em lặng đi, rồi đi thẳng lên gác. Tối hôm đó, bố mẹ đóng cửa cãi nhau. Em đã nghe được những điều bố mẹ to tiếng…" - Việt Anh kể lại.

Từ chỗ tin tưởng, người bố hoang mang, thất vọng và chuyển sang thái cực khác, mất hoàn toàn niềm tin vào cậu con trai. 

"Bố nói em nói học nữa cũng chẳng làm được gì đâu, cũng chẳng thể đạt được mơ ước sau này làm nhà báo. Bố quá thất vọng với chuyện em trượt cấp ba nên đã mắng em thậm tệ. Em cũng chẳng vừa, cãi lại…" - Việt Anh nói.

Mẹ Việt Anh giấu bố cậu để xin cho con vào học tiếp ở một trường tư. Việt Anh kể đó là quãng ngày đen tối, đến trường với sự trống rỗng. Cậu luôn nghĩ chẳng ai tin mình, và mình cũng không tin vào bản thân nữa, luôn thường trực ý nghĩ mình là người bỏ đi, chẳng làm được gì có ích. 

Việt Anh cũng không muốn cố gắng khi bước vào kỳ học đầu tiên ở trường mới, không nói chuyện với bất cứ ai. Mọi thứ cứ như thế trôi đi nếu không có niềm tin của cô giáo chủ nhiệm bất ngờ đặt vào tay em.

"Cô chỉ định em làm lớp trưởng tạm thời. Ngay lúc đó, trong đầu em diễn ra hai luồng suy nghĩ. Một là mình là đứa trượt cấp ba, làm lớp trưởng thì ai nghe mình ai tin mình. Một ý nghĩ khác là thôi cứ làm, được tới đâu thì được.

Một lần khác trong giờ Lịch sử, giáo viên yêu cầu em thuyết trình. Cả lớp giơ tay nhưng cô lại chỉ định đích danh em. Lúc đó em cũng lại nghĩ, mình nói thì ai nghe, mình chỉ là đứa trượt cấp ba thôi. Nhưng lại có con người khác giục em cứ làm thử đi, làm được đến đâu thì làm. 

Với sự động viên của cô giáo, em đã đứng lên thuyết trình và hôm đó em nhận thấy sự khâm phục của các bạn. Đó là một bước ngoặt giúp em lại có tự tin vào mình".

Dù vậy, Việt Anh kể cũng phải đến một học kỳ, trong buổi họp phụ huynh, khi nghe kết quả học tập của em, bố mẹ mới có cái nhìn thay đổi. Ám ảnh "trượt cấp ba" mới dần phai nhạt.

Trường hợp Đỗ Việt Anh vẫn có cái kết có hậu nhờ vào sự tận tâm, thấu hiểu, yêu thương của cô giáo ở ngôi trường mới. Nhưng đặt giả thuyết em không gặp may như thế, rất có thể em đã bị nhấn chìm trong nỗi thất vọng, đổ vỡ của cha mẹ, nó khiến em chán ghét bản thân.

"Nỗi sợ hãi từng khiến em thu mình lại, không muốn giao tiếp với bất cứ ai" - Việt Anh kể lại câu chuyện trong nghẹn ngào. 

Chuyện "trượt cấp ba" là điều gì đó quá khủng khiếp mà theo lời Việt Anh, nó từng khiến gia đình cậu trở nên hỗn loạn. 

Nhưng cái kết có hậu của Việt Anh cho thấy những học sinh "trượt cấp ba"  không phải kém cỏi, đáng bỏ đi. Các em hoàn toàn có thể vượt qua, khẳng định giá trị của bản thân. Chỉ cần các em có một bàn tay chìa ra đúng lúc, như cô giáo chủ nhiệm của em hay một sự chia sẻ, đồng hành của cha mẹ.

Không phải "cánh cửa cuối cùng"

Trường hợp như Đỗ Việt Anh sẽ không phải hi hữu nếu trong kỳ thi đang diễn ra, lại có những học sinh lỡ làm bài không tốt và không tìm được sự chia sẻ của cha mẹ.

Những giọt nước mắt của thí sinh sau buổi thi môn Toán ở Hà Nội có thể sẽ là khởi đầu của một ám ảnh "trượt cấp ba" nhưng cũng có thể chỉ như cơn mưa mau tạnh nếu các em luôn tìm được sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô giáo để thấy mình vẫn đáng tin, thấy mình có  giá trị, có nội lực để tự đứng lên bằng đôi chân của mình.

Trong đề thi Ngữ văn của Hà Nội năm nay đề cập nỗi thất vọng chán nản khi gặp thất bại và việc biến khó khăn thành cơ hội để khám phá thế mạnh của bản thân. Nhiều học sinh đã hào hứng, ấn tượng với với phần làm bài "vượt qua thất bại", nhưng đa số các em chưa từng phải vượt qua thất bại. 

Và cha mẹ hãy là những người "dạy con vượt lên thất bại". Hãy để các con học từ thất bại những giá trị quý giá, đừng khiến chúng bị nhấn chìm trong thất bại đầu đời.

"Tôi đã lỡ mắng con khi con nói con làm sai mấy câu môn Toán. Thất vọng đã làm tôi không kiềm chế được. Khi bình tĩnh, thì thấy hối hận nhưng điều không nên nói đã nói ra rồi", một người mẹ chia sẻ. Một số người mẹ khác thú nhận "dù rất thương con nhưng cũng thất vọng, lo lắng, đó là thứ cảm xúc kinh khủng không muốn lặp lại". 

Những cảm xúc tiêu cực mà người lớn còn cảm thấy khó chịu đựng thì chẳng có cớ gì trút lên con. Trong khi không có điều gì trải qua là vô nghĩa, kể cả sự thất bại. Chỉ cần người lớn một sự bình tĩnh cần thiết.

Và hơn hết, kỳ thi không phải cánh cửa cuối cùng để những học sinh hôm nay bước vào đời.

Bài giải môn toán lớp 10 tại Hà Nội Bài giải môn toán lớp 10 tại Hà Nội

TTO - Đề toán lớp 10 Hà Nội năm nay được đánh giá "dễ thở" hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, đề có một số câu lắt léo, lừa thí sinh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên