![]() |
Anh Trương Tám (Đại Lộc, Quảng Nam) bây giờ ở nhà dưỡng bệnh chăm sóc con sau khi bị gãy chân lúc đi rừng - Ảnh: H.V.Mỹ |
Kỳ 1: “Làng kỳ nam” trên rẻo cao Kỳ 2: "Săn kỳ nam “chuyên nghiệp” Kỳ 3: Nỗi đau còn lại Kỳ 4: Rừng xanh gục mặt
Chỉ là mơ tưởng
Trong túp lều trống hoác, gió chiều từ mặt sông Vu Gia thổi vào se lạnh, bà mẹ 80 tuổi Huỳnh Thị Khái (làng Phú Hương, Đại Lộc, Quảng Nam) hết nhìn người con trai 41 tuổi đang ôm đôi chân đau rồi nhìn hai đứa cháu nhỏ, buồn bã: “Phải chi nó biết nghe lời tui với vợ nó, nghỉ làm trầm kỳ sớm thì có mô mà khổ nghèo miết như ri”. Chỉ vì muốn thoát nhanh khó nghèo, muốn được đổi đời từ giấc mơ “trúng mánh” trầm kỳ, con trai bà - anh Trương Tám - đã lên rừng tìm trầm kỳ từ khi 17 tuổi. “Tui đi hết rừng gần rừng xa, ăn rừng nằm núi năm này đến năm nọ, tính ra đã 25 năm săn trầm kỳ. Rứa mà không khi mô được chút trầm hạng 2 hạng 3 chứ nói chi là kỳ nam. Hồi đầu mùa đã không dễ tìm, huống chi chừ là lúc săn vét, săn mò”, anh Tám nói với vẻ ân hận, tay vân vê chỗ chân đau do bị gãy khi anh vào rừng Khánh Hòa săn trầm kỳ cuối năm ngoái.
Cũng ở làng Phú Hương, điệu già Trương Lợi buồn bã nhận ra giấc mơ mình ôm ấp bao nhiêu năm nay là hão huyền. 56 tuổi, cật lực cuốc cày, lại cật lực với những chuyến săn trầm kỳ ròng rã 26 năm, vậy mà nay ông vẫn ở mái nhà tạm với nền đất mái tôn phên ván trống tuênh. Ông nói: “Mình tỉnh ra thì muộn mất. Đã sắp già rồi, không biết làm răng để xóa được mái nhà tạm đây. Cũng tại mình, trầm đã cạn từ lâu, còn kỳ nam thì như tìm kim dưới nước. Ai đời đi săn kỳ nam mà hễ cứ giữa chuyến thì lại mong chỉ kiếm đủ tiền về mua phân hóa học vãi ruộng”.
Cũng trong nỗi buồn của người nghèo khổ, anh Nguyễn Xuân Bình ở làng Song Bình (xã Đại Quang) lại trách mình sao không sớm dứt ra “nghề”, nhất là chuyện mơ tưởng kỳ nam khó còn hơn trúng độc đắc trăm lần. Ba anh kể: “Nghe con nó nói bỏ nghề trầm kỳ, tui mừng lắm. Nói thiệt, tui ốm o cũng vì con. Hăm mấy năm nó đi rừng tui ngày mô cũng ngó chừng ra ngõ. Chuyến mô nó về cũng không ra chi, nhưng thấy nó trở về bình an vô sự là tui mừng”.
Làm giàu cho lái
Những ngôi nhà lầu khang trang, đường bệ của các lái trầm ở Phú Hương, Mỹ Hảo (Quảng Nam) đều kín cổng cao tường. Ngoài các điệu, khó ai có thể tiếp cận được. Theo lời các điệu, trong mùa trầm rục, nhất là mấy năm lại đây, lượng trầm họ bán ra cho lái cứ giảm dần, hầu hết là hàng gót - trầm vụn loại thấp. Theo họ, không kể kỳ nam - chỉ năm khi mười họa mới có một người trúng - trầm hương loại 3 loại 4 nay họ cũng rất ít khi săn được, còn loại 1 loại 2 thì rất hiếm khi gặp.
“Nói thiệt, biết là không dễ gặp trầm nhưng mình cứ mong gặp may nên không dứt ra khỏi được. Khổ quá mà, cứ hi vọng có bát cơm đầy. Nhưng chừ thì mình thấy rõ là trầm kỳ kể như đã hết rồi nên mới bỏ được chuyện đi theo mãi trầm kỳ”, điệu già Lê Văn Lựu chân tình. Cũng theo những người săn trầm cuối mùa này, sở dĩ núi rừng còn níu thêm chân họ là bởi giá trầm kỳ cứ lên dần. “Không biết đó có phải là cách mà các lái làm cho điệu thấy ham mà không bỏ “nghề” được sớm không. Chứ cái giá trầm kỳ nghĩ lại thấy nó trời ơi quá”, lời của nhiều người săn trầm.
Anh Trương Hùng ở Phú Hương nói: “Giá trầm kỳ trước đó rẻ quá nên mỗi khi nghe lái hô giá cao hơn lần trước chừng ít triệu đồng là mình mừng quýnh rồi. Mà không bán cho họ thì bán cho ai, đã mang tiếng là có kỳ mà để lâu trong nhà thì sợ lắm”. Anh kể cũng với lượng kỳ 3 lạng hai điệu ở Phú Hương săn được, trước sau chỉ có hơn nửa tháng hồi cuối năm 2001, nhưng điệu trước thì bán được chỉ 90 triệu đồng, còn điệu sau thì được 156 triệu. Kỳ nam đã lên giá như thế, vậy mà theo lời kể lại của người làng Mỹ Hảo (Đại Phong, Đại Lộc), nhóm điệu bốn người trúng lớn kỳ ở đây vào tháng 3-2005 đã bán kỳ của họ với giá 250 triệu đồng/kg. Có lẽ với lượng kỳ quá lớn như vậy, nắm được “điểm yếu” quá mừng và quá lo của người dân nghèo túng khó nên lái trầm đã mua với giá rẻ như thế.
“Người săn trầm kỳ luôn bị lái ăn phân nửa, có khi còn nhiều hơn”, không chỉ giới điệu, nhiều người biết việc cũng nói thế. Có lẽ những người trúng kỳ trước đó sẽ không biết mình đã bán rẻ - cũng có nghĩa là đã mất đi một số lớn tiền - nếu thông tin về giá kỳ nam không được đưa ra trong vụ trúng kỳ ở làng Tốt của huyện Ba Tơ tháng 9-2006.
Nhưng tại “chợ trầm” làng Tốt, ngoài mức giá ở thời điểm cạnh tranh (600-700 triệu đồng/kg), đi thêm vào bên trong lại là cả một xót xa cho người được kỳ. Ngoài giá cả lúc đầu: một gùi nặng kỳ chỉ 47 triệu đồng, như một số lái trầm ở Ba Tơ kể lại những lái trầm “thắng cuộc” này đã dùng nhiều thủ thuật để “biến” giá 600-700 triệu đồng/kg trở thành phân nửa hoặc ít hơn mà những người bán không nhận ra hoặc chỉ nhận ra khi không thể làm gì để lấy lại được!
![]() |
Những gốc, thân cây gió tái sinh còn sót lại trên rừng được điệu mang về nhà ở làng An Tráng (Hiệp Đức, Quảng Nam), nhưng không lái nào đến hỏi mua - Ảnh: H.V.Mỹ |
Sau cuộc săn lùng “tổng tảo thanh” trầm kéo dài hơn mươi lăm năm trước đây, đến nay một số nơi lại “lên sốt” kỳ nam, liệu những cuộc đi về phía rừng sẽ còn kéo dài bao lâu nữa? Những người trong đội quân săn trầm rục “viễn chinh” chuyên nghiệp của Phú Hương mười người như một đều cho rằng họ cũng như những “đồng nghiệp” của họ ở các nơi (tuy không nhiều) đã lùng sục hơn mấy năm nay, những “địa chỉ” rừng có đe (gốc) gió đã gần như bị họ giẫm nát hết.
“Chừ thì chỉ có đi săn để “chạy ngày công” cho mình lúc rảnh, còn lại chút ít là cầu may thôi”, anh Nguyễn Trà ở Phú Hương nói. Trăm cây gió trên rừng chưa đến mươi cây có trầm, trong đó trầm loại cao hạng 1-2 chiếm tỉ lệ rất thấp, so với các loại trầm thấp hạng từ loại 3-4 đến loại xô 5-6. Còn kỳ nam càng khan hiếm hơn, chiếm tỉ lệ 1/1.000 của trầm hương, thậm chí còn thấp hơn nữa.
Trầm hương VN được các đối tác nước ngoài ưu tiên thu mua vì tính ưu việt của chúng trong bối cảnh trầm hương khan hiếm như hiện nay chính là trầm hương thiên nhiên (chứ không phải nhân tạo), hạng cao ít nhất là từ loại 3 trở lên. Nhưng cây gió rừng đã bị xóa sổ từ lâu bởi cuộc săn lùng mang tính “tổng tảo thanh” mà chính những người săn trầm cũng phải giật mình: “không ngờ mình lại thanh toán cây gió nhanh đến thế!”.
Phải trải hàng trăm năm sinh trưởng trên những vùng rừng qua sự chọn lọc của thiên nhiên, cây gió mới kết trầm tụ kỳ như là sự hội tụ tinh khí kỳ diệu. Những người săn trầm kỳ kể thời trước không điệu nào dám lấy hổ kỳ vì kiêng cữ, bởi loại kỳ đặc biệt nhất trong các loại kỳ nam là có sớ (thớ) gỗ ngang này được kết tụ từ cây gió luôn có một con hổ ngồi canh giữ. Vẫn biết đó chỉ là truyền thuyết, nhưng rõ ràng với cây trầm hương - tức cây gió - đại ngàn như càng thêm cao cả thâm nghiêm, cũng như loài hổ làm ngàn xanh thêm được uy linh. Nhưng chỉ nói ở giá trị đa dạng sinh học, về sự cân bằng sinh thái, cây gió có vai trò nhất định với rừng và con người cùng những chủng loài ở đó. Vậy mà... Trong tóc tang chung của những đại ngàn ngày càng bị thu hẹp, càng bị đẩy lùi về phía mặt trời lặn, lại mất đi trầm hương ngàn năm tồn tại chỉ trong vài mùa săn ngắn ngủi.
Cây gió may mắn được cứu sinh khi được di thực về trồng ở nhiều vườn nhà ở Quảng Nam, Quảng Ngãi... Nhưng cây gió ở rừng thì không còn. Sự nỗ lực của nhiều vườn nhà trong việc tạo trầm cho cây gió trồng chỉ là những kết quả cỏn con so với thiên nhiên vĩ đại. Cây gió rừng bị hủy diệt, đe gốc bị đào sục, trầm hương chỉ còn là sự mót chát đau lòng. Đã thấy giấc mơ đổi đời từ trầm kỳ cuối mùa càng nỗ lực càng xa vời, càng đi càng không được.
Anh Nguyễn Xuân Bình kể: “Nhiều khi nhìn lại chỗ đe gió được đào xới chính mình cũng giật mình. Muốn có cơ may trúng kỳ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt đào bới, tìm kiếm, nhưng hậu quả thì ghê gớm quá. Cũng tại nghèo”. Một điệu đã giải nghệ ở Mỹ Hảo nói rằng anh thôi không đi săn trầm kỳ nữa vì lợi thì không thấy, chỉ thấy hại. Giải nghệ cũng là để cứu mình thoát khỏi ảo vọng, để tạ tội với rừng thiêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận