18/03/2008 07:52 GMT+7

Nước mắt của vàng

Q.VIỆT - Q.LIÊN
Q.VIỆT - Q.LIÊN

TT - Dãy núi đá cao vút chen lẫn rừng già trùng điệp. Càng vào sâu thung lũng Thần Sa, có cảm giác như nơi đây vừa qua cuộc giao tranh. Cánh đồng nham nhở hầm hố như bị bom rải thảm. Các con suối sền sệt đỏ màu máu. Mảnh đất của vàng mà thoạt trông tang tóc...

w4pV0kTo.jpgPhóng to
Ruộng không còn, một người nghèo ở Thần Sa phải đãi mót vàng...- Ảnh: Q.VIỆT
TT - Dãy núi đá cao vút chen lẫn rừng già trùng điệp. Càng vào sâu thung lũng Thần Sa, có cảm giác như nơi đây vừa qua cuộc giao tranh. Cánh đồng nham nhở hầm hố như bị bom rải thảm. Các con suối sền sệt đỏ màu máu. Mảnh đất của vàng mà thoạt trông tang tóc...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

"Hàng ngàn người tứ xứ đã đến miền đất hứa này tìm vàng. Không biết có giấc mơ đổi đời nào thành hiện thực chưa nhưng chính người dân sinh sống ở miền đất này đang chảy nước mắt vì vàng!" - những người già ở Thần Sa (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) nghẹn giọng tâm sự với chúng tôi ngay trên thửa ruộng không còn canh tác được nữa.

Bỏ mạng vì vàng

"Lại săn vàng chứ gì? Nhớ coi chừng cái mạng. Nhiều người đã ôm hận, bỏ xác trong đó rồi", lầm tưởng chúng tôi là dân tìm vàng, một người dân địa phương ở trung tâm xã Thần Sa gắt gỏng. Chiều xám lạnh. Đường vào thung lũng vàng lác đác bóng người lầm lũi.

Ngồi bên bếp lửa trông ra cánh đồng khô cằn hoang vắng, ông Hoàng Văn Phượng, dân tộc Tày, 68 tuổi, không thể biết chính xác gia đình đã sinh sống qua bao đời ở Thần Sa. Cụ nội ông kể rằng từ ngày xưa, các thầy địa lý Trung Quốc đã lặn lội qua tận Thần Sa, đất Việt. Họ leo lên các ngọn núi cao, mày mò xuống suối sâu tìm kiếm long mạch và cuối cùng phát hiện mạch vàng, đào được vàng đưa về nước. Đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp đẫm máu trên bãi vàng từ thuở ấy.

Rồi chiến tranh loạn lạc xảy ra triền miên, việc săn vàng thăng trầm theo thời cuộc nhưng chưa bao giờ chấm dứt hẳn. Đặc biệt đến những năm cuối thế kỷ 20, thung lũng vàng nóng trở lại khi lan truyền lời đồn đại nhiều người đào trúng được mạch vàng. Một số người không biết kín miệng đã bị cướp, giết vùi xác ngay dưới hầm vàng. Nhiều người phải giả chết để toàn mạng ôm vàng ra khỏi núi, về thành phố Thái Nguyên, Hà Nội xây nhà lầu, sắm xe hơi.

Trong cơn say cuồng điên giấc mộng đổi đời, trai tráng khắp các tỉnh miền Bắc lũ lượt đổ về đây. Thần Sa trở thành một trong những bãi vàng tự do lớn hàng đầu cả nước. Ông Lưu Văn Thức, phó chủ tịch xã, ưu tư kể có thời điểm đội quân săn vàng đông đến 10.000 người, trong khi dân xã chưa đến 3.000 người. Tình trạng càng khủng khiếp hơn khi diện tích tự nhiên của xã rộng 10.264ha, nhưng đội quân săn vàng lại dồn nhau đào đãi ở bãi chính rộng chỉ tầm 32ha ở bản Ná.

Thung lũng vàng nằm trong rừng già bất chợt đông nghịt người như thành phố. Người ta gầm gừ tranh nhau từng mét đất để dựng quán xá, lán trại, đào đãi. Ma túy, mại dâm, rồi giang hồ tứ xứ đổ về. Hầu như ngày nào cũng có vài vụ giành giật, đâm chém nhau, rồi nghiện ngập và bệnh tật như vòi bạch tuộc len lỏi vào làng quê. Chưa biết bao người phương xa đến đây đã phất lên nhờ vàng, nhưng chính dân tại chỗ là chủ nhân của thung lũng này lại càng khó khăn hơn, vì họ không có "số má” và vốn liếng nên đành đi làm thuê ăn công ngày...

Vùng đất chết

"Nạn đào đãi vàng tự do không đem lại lợi ích bền vững cho địa phương, mà chỉ sinh ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp và làm hại môi trường. Nhà nước nên đầu tư khai thác vàng với quản lý tốt và công nghệ cao ở đây để người dân có thể tham gia khai thác hiệu quả và bền vững hơn."

(Ông Trần Văn Tập, chủ tịch UBND xã Thần Sa)

Những ngày rong ruổi ở các bản làng Thần Sa, chúng tôi đi đến đâu cũng thấy hậu quả của "nền công nghiệp" khai thác vàng tự do lồ lộ khắp nơi. Ngay cửa ngõ vào trung tâm xã, dòng sông Thần Sa nham nhở sỏi đá, ô nhiễm vì bị khai thác vàng tràn lan.

Nghiêm trọng hơn là một số người có đất trồng hoa màu ven sông đã bán bãi lại cho các tay săn vàng từ nơi khác đến. Giá mua bán sang tay một bãi chỉ tầm vài triệu đồng để chuyển ngay thành một chiếc xe máy Trung Quốc hay cái điện thoại di động. Rồi cái nghèo nhanh chóng ập đến với họ khi không còn đất canh tác.

Buổi sáng trước khi vượt mấy con dốc trơn trượt vào bãi vàng trung tâm bản Ná, chúng tôi đã được người dân địa phương khuyến cáo nên cẩn thận với suối Khạu Âu. Trong quá khứ, con suối này từng là nguồn nước tưới cho các đồng lúa lớn nhất Thần Sa. Nhưng khi nạn đào vàng bùng phát nóng bỏng thì Khạu Âu đã trở thành suối chết vì hóa chất đãi vàng độc hại đổ vào.

Ưu tư nhìn dòng suối sền sệt quạch đỏ màu máu, anh Hoàng Văn Tiên, trưởng xóm Xuyên Sơn, trầm giọng tâm sự: dân địa phương đã nghèo khổ lại càng khổ hơn vì con suối chết này. Cá tôm tuyệt diệt. Trâu bò chỉ uống nước vài lần đã lăn đùng ra chết. Người không dám sử dụng, thậm chí ngại cả việc phải lội qua dòng suối này vì bị ghẻ lở. Nhưng dân địa phương lo nhất là đồng ruộng của họ không còn nước để tưới.

Trong bóng chiều chập choạng, chúng tôi len lỏi qua cánh đồng chi chít các hầm hố hoang phế do dân đào vàng bỏ lại. Nhiều hố lớn như nền nhà, thậm chí rộng hàng trăm mét vuông, sâu hoăm hoắm, đầy nước. Người dẫn đường tên Vinh cứ luôn miệng nhắc nhở: "Cẩn thận với những hầm hố chết chóc này!". Đã có người, kể cả trâu bò, lỡ chân chết ngủm dưới hầm nước. "Nhưng không phải chết đuối mà chết vì nước đãi vàng có hóa chất quá độc" - Vinh nói.

Cùng cực trên bãi vàng

"Gần đây, khi các lực lượng chức năng truy quét quyết liệt dân đào đãi vàng tự do thì cảnh nghèo ở địa phương càng lộ rõ!". Ông Lưu Văn Thức cho biết ở giữa vùng đất vàng nhưng nhiều ngôi nhà chỉ có cái xác, bên trong trống rỗng. Một số trai làng bòn mót bụi vàng sắm được cái điện thoại Trung Quốc, nhưng chỉ để nghe nhạc là chính vì không có sóng. Thống kê khoảng 68% dân xã Thần Sa thuộc diện nghèo.

Con số đó chưa chắc chính xác vì có những bản như Thượng Kim, Hạ Kim cả 100% hộ dân đều nghèo rớt mồng tơi. Các bãi vàng giờ không còn nhiều như trước để đi đãi thuê, đồng ruộng lại ít và mất mùa thường xuyên. Nhiều trai tráng ở Thần Sa phải vượt núi qua tận Bắc Cạn phát rẫy thuê hay vào rừng chặt tre, đào măng bán đổi gạo trong những ngày đói. Một số người quay quắt đãi mót các bãi vàng sống qua ngày vì không có phương tiện để đào bãi mới.

Ông Thức thở dài tâm sự: một thời gian dài, dân địa phương đã ngủ mê với giấc mơ vàng. Lúc bừng tỉnh, họ thấy mình đói vẫn hoàn đói trong khi phải trả giá quá nhiều thứ. Đa số thanh niên Thần Sa chỉ học hành chút ít rồi lao vào bãi vàng. Khi giấc mơ vàng tan vỡ, họ chẳng biết làm gì. Đáng lo hơn nữa là đa số thế hệ học sinh bây giờ cố lắm cũng chỉ quay quắt học hết tiểu học ở trường bản. Giấc mơ tương lai của các em khó vượt qua nổi rặng núi bao quanh thung lũng vàng nhưng nghèo khó này.

Không còn bình yên

LKqWtTJW.jpgPhóng to

Bản làng nghèo khó ở Thần Sa thưa thớt bóng người - Ảnh: Q.VIỆT

Trong quá khứ, nơi này từng là đồng lúa tươi tốt. Rồi cơn lốc vàng tràn đến. Hầm hố đào đãi vàng chi chít nhanh chóng thay cho ruộng lúa. Họ điên cuồng đào bới suốt ngày đêm. Cả một cánh đồng bình yên, xinh đẹp dưới chân núi trở thành bãi hầm hố nham nhở như mới bị máy bay ném bom rải thảm.

"Điều đáng buồn là không biết có mấy ai xứ khác trúng vàng ở cánh đồng này, chứ người dân tại chỗ chẳng ai giàu lên cả!" - ông Dương Văn Phú, 66 tuổi, từng nhiều đời sinh sống ở đây, nói. Đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ hộ nghèo của gia đình mình, ông nuối tiếc đau đáu chuyện đồng lúa ngày xưa.

Q.VIỆT - Q.LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên