Chắc ở nhà chị gái và em gái “dìm hàng”, vẽ nước Bỉ to bằng cái Hà Nội mở rộng cho mẹ (cũng không sai), nên mẹ đinh ninh đi một ngày là tận kiến cả quốc gia.
Phóng to |
Những người đấu tranh bảo vệ môi trường ở Antwerpen - Ảnh: K.B.H. |
Điểm đến đầu tiên là công viên trong một thành phố nhỏ. Đi mãi không hết công viên, nhìn mãi không thấy bờ bên kia của hồ nước, mẹ lo lắng: “Nước Bỉ để công viên to thế này thì hết cả đất à?!”. Tôi bấm bụng lặng im.
Đưa mẹ đến Waterloo - nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng và cũng là chiến trường đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoleon, mẹ bồi hồi leo hơn 200 bậc cầu thang lên đỉnh Đồi Sư Tử cao 41m (dựng khoảng năm 1824-1826) nhìn ra xung quanh những dải thành phố uốn lượn theo sông dài, bao la cánh đồng lúa mì vàng rực điểm xuyết đồi cỏ xanh lốm đốm đàn bò trắng gặm cỏ.
Mẹ lẩm bẩm: “Từ đây là nhìn thấy hết cả nước Bỉ rồi chứ gì?”. Con rể Tây sau cái bật cười vô duyên, vội giải thích: “Mới thấy hết một tỉnh trong vùng nói tiếng Pháp của Bỉ thôi mẹ ạ, còn vùng nói tiếng Hà Lan, vùng nói tiếng Đức nữa”.
Mẹ tiếp tục đi nhiều thành phố khác sở hữu những “quảng trường rộng mỏi cả chân, nhà thờ cao mỏi cả cổ!”. Vẫn chưa hết nước Bỉ!
Dừng chân ở thành phố Antwerpen, mẹ lạc vào thế giới mua sắm. Chỉ một gian hàng bày bán đồ trang sức, nhỏ nhặt như chiếc nhẫn hay hoa tai, vòng lắc thôi mà cũng được trưng bày rực rỡ như một bàn tiệc trong cung điện. Mẹ khuyến khích tôi mua một chiếc váy đen chấm bi nền nã, nhãn mác ngoại nhưng ghi rõ “made in Vietnam”, tấm tắc “giản dị mà sang trọng”. Và mẹ ngỡ ngàng ngắm một nghệ sĩ vác piano ra chiếm cả một góc phố say sưa chơi đàn. Chưa từng thấy nghệ sĩ hát rong nào chơi sang đến thế, trên piano còn đặt một bình hoa hồng.
Rồi mẹ giật mình, cách nghệ sĩ hát rong vài chục mét là những người vô gia cư, ăn xin tội nghiệp thế này sao? Cả đám thanh niên nằm co quắp bên nhau trong một tấm lưới giữa trưa hè nóng nực! Tôi cười: “Họ không phải ăn xin mà là người của các tổ chức hòa bình xanh, đấu tranh bảo vệ môi trường”. Nước Bỉ nhỏ mà cũng có đủ cả những con người quan tâm vấn đề toàn cầu thế này! Lạ lùng với mẹ!
Nhờ mẹ sang chơi, tôi được dịp khám phá thêm nhiều ngóc ngách ở thủ đô Brussels, biết bao nhiêu tượng đài danh nhân (rất ít tượng đài lãnh tụ, chính khách). Vui mắt nhất là ngắm tượng chú cún ghếch chân đứng tè ở một góc phố. Chỉ cần có cảm xúc, chỉ cần một cách nhìn khác, cái gì cũng có thể thành tượng được, không giới hạn, không khoanh vùng!
Phóng to |
Du khách tham quan tượng Chú Bé Tè - Ảnh: K.B.H. |
Nhưng đứng trước tượng Chú Bé Tè, mẹ đã tìm ra một điều khiến mình thất vọng: “Bé thế này có gì mà xem”. Dĩ nhiên mẹ biết theo những câu chuyện huyền sử, Chú Bé Tè khi được kể là một anh hùng, khi là một vị thánh, một nhà quý tộc, và người ta còn truyền tụng rằng nhờ chú vô tư tè vào ngòi thuốc nổ vừa được châm lửa mà cứu được cả thành phố không bị nổ tung! Mẹ vẫn cảm thấy thất vọng về quy mô của một biểu tượng quốc gia trong góc phố chật hẹp.
Chẳng riêng mẹ, mới đây tôi đọc một bài báo đăng ý kiến của du khách Úc cũng bày tỏ nỗi thất vọng về quy mô của Chú Bé Tè, dù họ có khen vớt vát “gần tượng Chú Bé Tè có những cửa hàng bán sôcôla cực ngon và bia hơi thì tuyệt đỉnh!”. Tôi chợt à lên một tiếng, kéo mẹ lại: “Mẹ nhìn kỹ nhé. Tại sao nước Bỉ lại chọn Chú Bé Tè làm hình ảnh biểu tượng quốc gia. Trông Chú Bé nhỏ thế thôi nhưng tè - phun nước cả ngày lẫn đêm không mệt mỏi. Đấy, có những thứ tưởng nhỏ mà không nhỏ!”.
Một kiểu giải thích tếu và phi lịch sử với người dạy sử! Nhưng mẹ không bảo tôi đúng hay sai, chỉ cười cười rồi bước đi. Và vẫn chưa đi hết nước Bỉ đâu, hẹn mẹ lần sau lại sang chơi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận