Phóng to |
Chùa Am Vãi trong lớp sương mờ |
Tôi đã không thể kềm được lòng mình trước những lời giới thiệu đầy hấp dẫn của anh Ngô Văn Dậu, cán bộ văn hóa xã Nam Dương, về một ngôi chùa cổ ẩn sâu trên đỉnh núi ngút ngàn mây. Anh ví von đó là một “tiên cảnh” mà ai lên đây cũng thích thú và rồi nói như thách thức: “Không đủ can đảm cầm lái thì đừng đi chuyến này”.
Có nửa ngày để thực hiện, tôi quyết tâm đặt chân cho kỳ được đến đích cuối cùng chốn thiền này.
Chùa Am Vãi nằm cách xa các bản làng đồng bào dân tộc chỉ hơn 10km, nhưng đi xe máy từ UBND xã Nam Dương đến đây phải mất hơn một giờ rưỡi nên họa hoằn mới có vài người viếng thăm.
10g sáng, chúng tôi mỗi người một xe lên đường, xác định trước sẽ “ăn mày cửa Phật” bữa trưa. Đoạn đường 2km chớm vào rừng được trải nhựa khá đẹp, hai bên bạt ngàn rừng keo, nương sắn, bãi rau của đồng bào người Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu…
Nhưng hết đoạn này, mấy chiếc xe luôn trong tình trạng số 1, số 2. Trước mỗi con dốc dựng đứng, người cầm lái phải nín thở kéo ga cho xe ì ì bò lên từng centimet, hai mắt cứ phải căng ra để quan sát. Đường càng lúc càng nhiều đá sỏi lởm chởm, đi xiên xẹo vào tận giữa rừng rậm rồi thoắt cái mở ra một khung trời mới với cảnh sắc tuyệt đẹp.
Phía bên kia rừng, ánh nắng nhợt nhạt hắt nhẹ lên những vạt cỏ tranh vàng úa, hoa lau, cây bụi như một thảo nguyên đầy mơ mộng được tô điểm bởi những lớp mây lơ đễnh giăng ngang. Đang mùa hanh khô, những bãi cỏ tranh rộng mêng mông, sự sơ ý của người đi làm rẫy sẽ rất dễ làm rừng tổn thương.
Phóng to |
Chinh phục đường đến chùa Am Vãi bằng xe gắn máy |
Phóng to |
Sư cô trong vườn chùa |
Hết trèo đèo lại xuống dốc, mấy chiếc xe rồ ga, giật đùng đùng rồi lại lao ào ào trên lớp đá trơ sắc nhọn, mùi xăng bốc lên khét lẹt. Giữa trời lạnh mà mồ hôi vã ra liên tục, chỉ cần lơ đễnh là có thể tan xác dưới vực sâu. Anh Dậu kể mấy năm nay đường dễ đi hơn nhiều, ôtô loại gầm cao có thể đến chùa nhưng chỉ vào những ngày nắng ráo, trời mưa thì chỉ còn cách… khóc.
Đi mãi rồi cũng đến một thung lũng khá bằng phẳng. Để xe lại đây, chưa nhìn thấy Am Ni tự đâu mà tôi đã cảm nhận được mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian. Chuông ngân từng đợt dài vang vọng núi rừng. Bên kia ngọn đồi, mây mù vẫn lơ lửng xung quanh tán thông, tán trúc. Linh tính mách bảo chùa Am Vãi chỉ đâu đó quanh đây.
Đi bộ chừng 50m chùa hiện ra trước mắt. Chốn thiền môn thật lặng lẽ, tĩnh tại. Phía sau lớp sương mờ cạnh vườn đào non tơ mơn mởn lộc biếc xuất hiện một ni cô thong dong thả bộ.
Thầy trụ trì Thích Trúc Thái Bình cho biết trên này không có điện, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên hiếm khi các thầy xuống núi. Mọi sinh hoạt đều tự cung tự cấp. Các thầy tự trồng rau xanh hoặc khi nào có phật tử lên chùa thì mang theo chút cơm nắm, muối vừng để nhà chùa thọ chay.
Phóng to |
Viếng thăm hang Gạo |
Phóng to |
Thành tâm trước tháp mộ |
Cũng theo sư thầy Thái Bình, xưa kia ở đây hoang vu lắm, quanh chùa toàn cỏ cây giăng kín. Năm 2010 thầy về trụ trì tại đây và cho tôn tạo một số khu vực chùa thêm đẹp đẽ như hiện nay.
Thiên nhiên bao la khoáng đạt, không gian yên ả, tĩnh mịch là điều mà những ai đến Am Vãi đều cảm nhận được.
Lên đây tôi cũng được biết thêm những truyền tích đẫm màu huyền bí. Đó là huyền thoại về hang Tiền, hang Gạo, là dấu chân Phật, bàn cờ tiên, phía xa kia là câu chuyện cảm động về vũng Chị, vũng Em, núi Hàm Rồng, giếng Cần…
Quan trọng hơn, tôi đã tìm được cho mình những giây phút thật thư thái, yên bình. Được lắng nghe tiếng chuông chùa ngân dài theo tiếng gió, tiếng ếch, nhái, côn trùng, chim muông hòa quyện cùng núi rừng và hoa cỏ ngát hương…
Chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý, nằm trong hệ thống các chùa tháp theo sườn Tây Yên Tử. Tương truyền vào thời Trần có sư nữ là công chúa nhà Trần tu hành ở đó nên mới có tên Am Vãi (Vãi có nghĩa là nữ tu hành). Ở đây có một hang tiền và một hang gạo, mỗi ngày hai hang này chỉ chảy ra một lượng tiền và gạo đủ cho vị sư này dùng mà không bao giờ chảy hơn. Một ngày, vị sư nọ có khách liền khơi cho hang tiền và gạo chảy ra đủ hai người dùng. Từ đó tiền và gạo ở hai hang này không bao giờ chảy ra nữa… Dấu tích của chùa còn lại đến ngày nay là hai ngôi tháp cổ bên trong có bài vị của một nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm được tấn phong Tỳ Kheo Như Liên hóa thân vào hàng Bồ Tát đã nhập cõi niết bàn và một dấu chân Phật trên phiến đá khá lớn… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận