Ảnh: BÍCH LAN
Với tác phẩm này, tác giả đưa ra câu trả lời khá thuyết phục cho câu hỏi: nhờ đâu có một Đoàn Thị Điểm giỏi chữ nghĩa, sống nhân nghĩa?
Đó là bởi nền tảng gia đình và sự giáo dục mà bà được hưởng. Cha bà - Đoàn Doãn Nghi - từng đỗ Hương cống, sau này từ quan về mở trường dạy học và làm thuốc, không mang tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn phổ biến trong xã hội phong kiến, ông cho cả con trai con gái học chữ, học võ.
Người mẹ của Đoàn Thị Điểm, một phụ nữ được miêu tả là "biết chữ nhờ học lỏm", khi thấy con gái mình được quan thượng thư xin về phủ làm con nuôi, chỉ một mực dặn con:
"Ở đất Thăng Long này thư phòng của quan thượng thư là đầy đủ kinh sử nhất, có cả ngoại truyện, ngoại thư... Chỉ kho sách của quan thượng thư mới có sách của các bậc tài cao...".
Chính vì thế trong thời gian ở nhà quan thượng thư, Đoàn Thị Điểm đã tranh thủ từng giờ nghiền ngẫm các tác phẩm giá trị.
Do cha rồi đến anh trai lần lượt qua đời vì mắc bạo bệnh, Đoàn Thị Điểm trở thành trụ cột của gia đình. Vừa đẹp người, vừa đẹp nết lại nổi tiếng hay chữ nhưng tuổi xuân của bà trôi qua trong bộn bề cuộc mưu sinh.
Bà vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh, những lúc rảnh rỗi lại say sưa với bút nghiên, văn chương, thơ phú. Riêng với việc dạy học, bà đã giành được sự tín nhiệm cao của học trò: bà thậm chí cảm hóa được cả người từng là kẻ cướp trở về đời sống thiện lương.
Hồng Hà nữ sĩ - người thầy của những lớp học toàn nam sinh - từng dạy học trò: người có học mới biết thành người nhân ái; người do khổ mà biết thành người có dũng.
Gặp tiến sĩ Nguyễn Kiều lần đầu khi đang ở tuổi trăng tròn tại nhà thượng thư Lê Tuấn Anh, Đoàn Thị Điểm không ngờ nhiều năm sau bà lại trở thành người "tri âm tri kỷ" của bậc trí thức này.
Thì ra ngay từ lần gặp đầu tiên, tiến sĩ Nguyễn Kiều đã phát hiện tư chất hơn người ở cô gái nhà họ Đoàn. Sau khi hai người vợ qua đời, ông bèn viết thư ngỏ lời với Đoàn Thị Điểm.
Họ trở thành người một nhà, tâm đầu ý hợp khiến mối duyên muộn mằn đối với Đoàn Thị Điểm hóa ra viên mãn.
Trở thành phu nhân tiến sĩ Nguyễn Kiều chưa được bao lâu, Đoàn Thị Điểm phải tiễn chồng đi sứ phương Bắc. Cảnh sương gió đường xa, nỗi chia biệt của hai tâm hồn đồng điệu đã khiến bà nhiều lúc rơi vào tâm trạng cô đơn.
Chính vì thế khi thi sĩ Đặng Trần Côn ghé chơi, tặng bà tác phẩm Chinh phụ ngâm viết bằng Hán tự, Đoàn Thị Điểm như gặp được người hiểu thấu nỗi lòng của mình. Đánh giá Chinh phụ ngâm là tác phẩm giá trị, phản ánh được nhiều nỗi riêng, chung của phận người, phận nước, Đoàn Thị Điểm đã dốc tâm dịch nó sang chữ Nôm.
Chọn thể loại dã sử khi viết tác phẩm này, Lê Phương Liên đã tạo cho mình một khoảng tự do đáng kể để khá thoải mái trong việc tô lên bức chân dung Đoàn Thị Điểm bằng ngôn từ với những nét duyên dáng, mềm mại, ấn tượng và hấp dẫn đối với bạn đọc, đồng thời vẫn khắc họa được thần thái vừa thanh tao, sâu sắc vừa đầy chí khí của một nữ trí thức nổi tiếng của thời đại.
Nữ sĩ thời gió bụi - tiểu thuyết dã sử về cuộc đời Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) của nhà văn Lê Phương Liên - có thể được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về cuộc đời của một nữ trí thức thời phong kiến ở Việt Nam.
Nhà văn Lê Phương Liên cho biết chuyến thăm mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tại làng Phú Xá vào năm 2018 đã khiến bà có ý tưởng viết tiểu thuyết về nhân vật đặc biệt này.
Để hiện thực hóa nó, bà đã tìm đọc rất nhiều tài liệu, từ gia phả tiến sĩ Nguyễn Kiều, truyện danh nhân Hồng Hà nữ sĩ, tuyển tập Một điểm tinh hoa - thơ văn Hồng Hà nữ sĩ đến các tác phẩm đồ sộ như Việt Nam lược sử, Kinh Thi, Tinh hoa Ngũ điển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận