01/07/2020 15:40 GMT+7

Nữ phó chủ tịch xã lên nương rẫy với bà con

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Chín năm đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch xã, bà con dân bản quen với hình ảnh nữ phó chủ tịch mặc quần áo lao động, chân đi ủng, xắn tay lên nương rẫy chăm sóc từng cây lê, cây bí cho bà con.

Nữ phó chủ tịch xã lên nương rẫy với bà con - Ảnh 1.

Bà con xã Yến Dương quen với hình ảnh nữ phó chủ tịch xã Nông Thị Uyến lên nương rẫy với mình - Ảnh: NVCC

Chín năm trước, chị Nông Thị Uyến (34 tuổi, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) xung phong về lại quê nhà ở xã Yến Dương sau khi trúng tuyển Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo. 

Đề án kết thúc, chị được chính quyền, bà con nhân dân tin tưởng, tiếp tục đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch xã cho đến nay.

"Cháu Uyến có biết làm không đấy?"

Ngày ấy Yến Dương là xã đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, vốn có chuyên môn kỹ thuật về nông nghiệp, Uyến phối hợp cùng các đơn vị tổ chức mô hình phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình, dự án nông nghiệp thí điểm.

Uyến chọn cây khoai tây trồng ngắn ngày gối cho hai vụ lúa truyền thống. Chỉ tiêu giao xuống là trồng 5ha, vận động mãi nhưng bà con không ai tham gia, tổ chức họp dân cũng chẳng thấy ai đăng ký.

"Quê mình làm hai vụ lúa, từ tháng 10 đến tháng 1 là nghỉ đất. Mình thấy tiếc khi thấy đất nghỉ, có thể tìm cây trồng ngắn ngày tăng thêm thu nhập cho bà con trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Nhưng mới đầu bà con chưa hiểu được nên chưa ai tin tưởng. 

Xuống thôn bản, mình rất tâm huyết muốn tư vấn cho bà con kỹ thuật trồng trọt nhưng có bác, có cô hỏi lại mình: "Cháu Uyến có biết làm không đấy?". Mình quả quyết: "Cháu làm được, cháu có kỹ thuật". Thế là mình làm thử mô hình trồng khoai tây đầu tiên" - nữ phó chủ tịch nhớ lại.

Trong quá trình đi vận động, Uyến tranh thủ kết hợp với những người có tiếng nói trong bản như bí thư chi bộ, trưởng bản. Vận động đến ba lần mới đủ chỉ tiêu diện tích được giao. Mới đầu là 5ha, sang năm thứ hai vận động trồng mới 8ha và đến năm thứ ba là 18ha.

Vốn là con em đồng bào dân tộc, hiểu được tiếng nói của đồng bào nhưng chị thừa nhận mới đầu đồng bào chưa tin tưởng năng lực của chị điều hành công việc. Do đó, việc đầu tiên là học tập kinh nghiệm lãnh đạo của những người đi trước. 

Từ việc nói chuyện với dân như thế nào để dân hiểu, dân tin, dân nghe, cho đến tác phong ăn mặc ra sao để gần gũi với dân.

"Mình rất thích học theo Bác ở phong cách dân vận. Bác Hồ giản dị, gần gũi với nhân dân, mình phải học theo Bác, áp dụng những bài học Bác để lại trong công tác dân vận vào thực tiễn. Xuống với dân không phải trong tâm thế lãnh đạo mà xuống với dân để cùng làm nông dân, có như thế bà con mới tin tưởng mình" - chị Uyến bộc bạch.

Suốt chín năm qua, đồng bào ở Yến Dương đã quen với hình ảnh nữ phó chủ tịch mặc quần áo lao động, chân lúc nào cũng đi một đôi ủng, xắn tay lên nương rẫy với bà con.

Chị quả quyết: "Mình chỉ có một mong muốn là đưa kiến thức của mình cho bà con áp dụng theo. Các cô các chú chưa làm được, mình phải góp ý đúng lúc, đúng thời điểm, tạo niềm tin cho bà con chia sẻ cởi mở, chân thật. 

Cũng có những điều mình học theo người dân, chẳng hạn học theo kinh nghiệm sản xuất là những kiến thức không nằm trong quy trình kỹ thuật được học".

Người khởi xướng

Uyến nhớ lại lúc trúng tuyển dự án thí điểm 600 phó chủ tịch xã là đang mang bầu bảy tháng, đến lúc bảo vệ đề án thì vừa sinh em bé được một tuần, chị phải gửi con cho ông bà ở nhà chăm sóc. 

Giai đoạn đầu vô vàn khó khăn vì vừa nuôi con nhỏ vừa triển khai mô hình mới ở địa phương, may mắn chị được gia đình ủng hộ, hỗ trợ trong việc chăm sóc con cái.

"Bây giờ bé trai nhà mình đã 8 tuổi, mọi người vẫn hay trêu con được đi đào tạo làm phó chủ tịch xã từ trong bụng mẹ nên chắc hưởng gen của mẹ" - chị Uyến cười hiền chia sẻ.

Từ cây khoai tây, Uyến mày mò, tìm những cây trồng có thể gối vụ để canh tác vào những ngày nông nhàn. 

Chị khởi xướng nhiều mô hình thí điểm từ khoai tây đến bí xanh, cây lê, trồng cam, nuôi cá, có mô hình thành công, có mô hình thất bại, nhưng may mắn là chị nhận được sự đồng tình của cấp ủy địa phương, tin tưởng giao cho chị tự quyết định triển khai trồng thí điểm. 

Nhờ đó, chị vận động được đoàn viên, thanh niên địa phương tham gia đào tạo theo định hướng phát triển kinh tế của xã hội hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp thanh niên địa phương nâng cao tay nghề để áp dụng vào sản xuất.

Năm 2016, chị đề xuất triển khai mô hình trồng lê công nghệ cao ở địa phương, chọn 8 hộ dân khó khăn nhất với 6 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Chị hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật tạo tán tỉa cành, nhờ đó tạo thuận lợi khi thu hoạch quả. 

Nhưng mới đầu nhận cây giống, bà con cứ thế trồng, không áp dụng theo quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, chưa kể còn thêm cây dong riềng xuống đất nên "ăn" dinh dưỡng, lấy hết ánh sáng của lê.

Chị kể do trồng xen nên ngay trong năm đầu tiên cây lê mất hết lộc lá, vận động nhưng bà con nói đang khó khăn không có nguồn thu, trong khi trồng lê phải 3 - 5 năm mới cho bói quả. Do vậy, chị tư vấn cho bà con lấy ngắn nuôi dài, chọn cây đậu đỗ ngắn ngày phù hợp để không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lê. 

Bước sang năm thứ tư, bà con địa phương đã tuân thủ không trồng dong riềng xen lẫn cây lê nữa, giờ đây cây lê đã cho bói quả.

Mới đây, bà con Yến Dương vui mừng được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hợp tác xã Yến Dương, khai thác tốt những sản phẩm nông - lâm nghiệp sẵn có ở địa phương. 

Nữ phó chủ tịch xã bộc bạch chị phải định hướng cho bà con nhận thức được muốn phát triển kinh tế phải dựa vào kinh tế tập thể, đưa bà con vào hợp tác xã để hoàn thiện sản phẩm. Đến nay đã gắn nhãn được sản phẩm là thế mạnh của địa phương như bí xanh, gạo nếp Tài, miến dong...

"Nông nghiệp vừa là đam mê, vừa là thế mạnh. Về địa phương, mình mong muốn đưa kiến thức được học để góp phần giúp đỡ quê hương. Bây giờ bà con đã chú trọng đến sản phẩm, phối hợp với các hợp tác xã hoàn thiện sản phẩm, dán tem thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của thị trường" - chị Uyến bày tỏ.

Không dừng lại ở triển khai mô hình kinh tế, mới đây chị Uyến còn hướng dẫn bà con khai thác tiềm năng ở địa phương để phát triển du lịch cộng đồng.

Nhiều bản làng ở Yến Dương có thác nước, đồi trúc lâu năm với cảnh quan rất đẹp, chủ yếu là đồng bào Dao nên chị đề xuất thành lập đội văn hóa văn nghệ bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao ở địa phương. Chị Uyến cho biết dự kiến thời gian tới sẽ phát triển hợp tác xã làm du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao để phát huy thế mạnh ở địa phương.

Năm 2020, Uyến đạt danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác", đảng viên trẻ tiêu biểu xuất sắc của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 - 2019. Uyến còn tham mưu tổ chức tám lớp đào tạo nghề áp dụng trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp cho 240 lao động.

Không khí mới từ 600 phó chủ tịch xã Không khí mới từ 600 phó chủ tịch xã

TTO - Sau 5 năm đưa trí thức trẻ có trình độ cao về đảm đương nhiệm vụ phó chủ tịch ở các xã vùng khó khăn, nhiều vùng nông thôn được thay da đổi thịt, môi trường cải cách hành chính còn mang không khí làm việc mới.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên