30/04/2022 13:58 GMT+7

Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh về từ Sudan: 'Chuyến công tác cho tôi quá nhiều thứ'

DUYÊN PHAN
DUYÊN PHAN

TTO - Đó là chia sẻ của Lê Na, cô gái 26 tuổi vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một kỹ thuật viên X-quang tại Bệnh viện Dã chiến 2.3 trong chuyến công tác ở Cộng hòa Nam Sudan, với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh về từ Sudan: Chuyến công tác cho tôi quá nhiều thứ - Ảnh 1.

Lê Na tham gia hoạt động CIMIC hướng dẫn người dân trồng rau - Ảnh: NGUYỄN ĐẢM

"Chào Nam Sudan nhé

Mình trở về quê hương

Gửi bạn ngàn lời chúc

May mắn và yêu thương

Một nhiệm kỳ đáng nhớ

Một đời chẳng thể quên

Xin cám ơn tất cả

Giúp mình trưởng thành hơn…" 

Những câu thơ mộc mạc, giản dị là những dòng cảm xúc dạt dào mà cô gái trẻ quê Bến Tre muốn gửi lại mảnh đất Nam Sudan - nơi nội chiến vẫn còn liên miên, khí hậu khắc nghiệt với những đứa trẻ nhỏ thó - trước khi trở về quê nhà.

Chỉ còn vài giờ nữa Lê Na sẽ cùng đồng đội lên chuyến bay trở về Việt Nam sau 13 tháng, trong vai trò tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. 

Lê Na đã dành cho Tuổi Trẻ Online một cuộc trò chuyện thú vị. 

Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh về từ Sudan: Chuyến công tác cho tôi quá nhiều thứ - Ảnh 2.

Lê Na chụp hình cùng máy bay trực thăng trong khu vực phái bộ - Ảnh: NGUYỄN ĐẢM

Nhớ mãi ký ức về những đứa trẻ

* Hơn 1 năm công tác, đến giờ điều gì đọng lại trong bạn nhiều nhất?

- Đó chính là những đứa trẻ. Những khi có dịp ra ngoài tham gia các hoạt động dân vận, tận mắt chứng kiến những căn chòi nhỏ xíu, lụp xụp, tạm bợ, rách nát của người dân, tôi thấy có gì đó nhói trong lòng.

Những đứa trẻ gầy trơ và có vẻ lúc nào cũng thiếu ăn. Mỗi khi chúng tôi cho gì chúng vui lắm, ánh mắt chúng luôn ánh lên niềm hy vọng và cả sự biết ơn. 

Tất cả những hình ảnh ấy là những mảng ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời người bác sĩ mặc áo lính như chúng tôi. 

* Bạn có chuyến công tác vào đúng lúc tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, khó khăn gặp phải là gì?

- Công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nước ngoài, đa phần là nam giới, trong điều kiện dã chiến và tình hình dịch COVID-19 có rất nhiều vấn đề phát sinh, khó xử lý. 

Có giai đoạn bùng dịch tại Bentiu, bệnh nhân F0 đông, một phần quân số nghỉ phép, một phần bị nhiễm phải cách ly, đơn vị vừa phải sàng lọc bệnh nhân lại phải đảm bảo tốt việc khám chữa bệnh thông thường nên gặp không ít khó khăn. Nhân lực, phương tiện và cơ sở vật chất là những trở ngại lớn nhất. 

Cả nhiệm kỳ cũng vì dịch bệnh mà các hoạt động ở ngoài cũng hạn chế hơn. Tuy vậy, lúc dịch ổn định thì bệnh viện cũng cố gắng tổ chức hoạt động thiết thực cho người dân.

* Bạn đã làm gì để vượt qua nỗi nhớ nhà khi sống tại mảnh đất vẫn còn nội chiến, khí hậu khắc nghiệt đến người bền chí cũng có lúc nao lòng? 

- Tôi dành nhiều thời gian hơn để tìm tòi, học hỏi thêm nhiều điều mới, mỗi ngày đều cố gắng tự tạo niềm vui cho mình nên cảm thấy thời gian ở đây trôi qua rất nhanh, nhẹ nhàng mà vô cùng ý nghĩa. Vốn có sở thích chụp ảnh, từng tấm ảnh như những trang nhật ký ghi lại những sự việc, những nơi, những người mà tôi đã gặp ở đây.

Ngoài công việc chuyên môn, tăng gia sản xuất, khi có thời gian rảnh tôi thường làm bánh cho các anh chị trong đơn vị hoặc đem tặng cho khách nước ngoài. Tham gia làm các công trình xanh, thân thiện môi trường không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn có thể giới thiệu và gây ấn tượng với các bệnh nhân hay khách đến thăm.

Những chiều cuối tuần rảnh rỗi, tôi lại được học thêm nghề cắt tóc, làm đẹp và giúp đồng đội giữ đúng tác phong. Những điều trước đây tôi chưa từng thử sức giờ đã có thể làm thuần thục.

Có cơ hội sẽ quay lại cống hiến

* Vốn là một cô gái trắng trẻo, có phần yếu đuối trái ngược hẳn với sự khắc nghiệt của vùng đất châu Phi. Chắc hẳn bạn phải hy sinh nhiều thứ để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ?

- Hy sinh thì cũng không hẳn vì chuyến công tác lần này cho tôi quá nhiều thứ, những trải nghiệm, những bài học, những cuộc gặp gỡ mà không phải ai cũng có được. Tôi công tác trong Bệnh viện Quân y 175 với những máy móc, trang thiết bị hiện đại, khi qua Bentiu phải dần thích nghi với nắng gió và cả môi trường làm việc dã chiến nên có gặp khó khăn thời điểm đầu.

Ở đây nhiệt độ ban ngày và đêm chênh lệch rất lớn, nhiều côn trùng, động vật hoang dã và dịch bệnh nguy hiểm vẫn rình rập. Tôi và đồng nghiệp phải uống thuốc phòng ngừa sốt rét hằng tuần với các tác dụng phụ, ngoài ra việc phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt ở châu Phi khiến da dẻ ai cũng khô, sạm đi và nứt nẻ.

Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh về từ Sudan: Chuyến công tác cho tôi quá nhiều thứ - Ảnh 3.

Là một cô gái rất mê áo dài, Lê Na luôn muốn mặc trong những dịp đặc biệt - Ảnh: NGUYỄN ĐẢM

Chị em chúng tôi không còn quan tâm đến váy vóc, tóc tai hay phấn son nữa, thay vào đó là trang phục đơn giản hơn với chiếc áo quân nhu hay áo thun, quần dã chiến và đôi dép tổ ong. Mọi sinh hoạt đều phải thật tiết kiệm, đặc biệt là nước, không phải thứ gì cũng có sẵn hoặc cũng có thể mua như ở Việt Nam.

Khi sống và làm việc trong môi trường khắc nghiệt như vậy, bệnh tật là điều không thể tránh khỏi. Một người đau thì cả tập thể lo lắng. Người chăm sóc, quan tâm không ai khác chính là những người đồng đội kề vai sát cánh với mình. Tôi thấy bản thân thật may mắn khi mình được sống trong một tập thể không chỉ có chuyên môn tốt mà đồng đội rất đoàn kết, yêu thương nhau.

 * Có câu chuyện nào mà bạn nghĩ sẽ theo bạn đến tận những ngày tháng sau này?

- Nhiều chứ! Tất cả những gì trải qua ở đây đều rất mới mẻ với bản thân tôi. Nơi tôi công tác nằm ở vùng biên giới mặc dù được bảo vệ, canh gác khá nghiêm ngặt bởi binh lính Liên Hiệp Quốc, nhưng ngoài làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chúng tôi vẫn tự bảo đảm an ninh nội bộ, bảo đảm cuộc sống của mình. 

Tôi nhớ những lần chạy lũ cùng người dân, nước dâng cao họ phải di dời đến nơi khác, nhà cửa thì ngập sâu trong nước. Những hình ảnh về một vùng quê nghèo đói, thiếu thốn có lẽ không bao giờ tôi quên được. 

Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh về từ Sudan: Chuyến công tác cho tôi quá nhiều thứ - Ảnh 4.

Những đứa trẻ nơi đây có lẽ là hình ảnh cô gái trẻ không bao giờ quên - Ảnh: NGUYỄN ĐẢM

* Có lần bạn đã gọi Bentiu là thiên đường, vì sao?

- Khi ai đó đến Bentiu, người cũ thường nói với người mới: "Chào mừng đến với thiên đường". Chữ thiên đường được dùng một cách châm biếm, ý ngược lại. Nhưng mỗi người một cách cảm nhận khác nhau. Với chúng tôi thì Bentiu thật sự là thiên đường vì chúng tôi vừa được làm đúng chuyên môn của mình, vừa được phục vụ quân đội, tuổi trẻ được sống và cống hiến hết mình cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao.

Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có một câu như này: "Một chốn nào đó được người ta nhớ không hẳn vì nó đẹp". Đối với tôi, có lẽ là vì tôi đã được sống, làm việc và trải nghiệm cùng đồng đội, trong quãng thanh xuân đẹp nhất, ở nơi thật đặc biệt này nên tại thời khắc này, lúc chuẩn bị hành trang về nước thì tôi lại thấy lưu luyến, không muốn rời. Hơn 1 năm gắn bó với nhau khi ra về đầy tiếc nuối. Nếu có cơ hội tôi vẫn muốn được quay lại để làm việc và cống hiến nhiều hơn.

Được sinh ra ở vào thời bình, không biết chiến tranh là gì, được có cơm no, áo ấm, được đi học đàng hoàng, được sống trong xã hội hiện đại và phát triển mới thấy thương những người dân, đặc biệt là những đứa trẻ nơi đây. Thời gian rảnh, chúng tôi vẫn đi quanh hàng rào, gặp gỡ người dân và nói chuyện.

Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh về từ Sudan: Chuyến công tác cho tôi quá nhiều thứ - Ảnh 5.

Nhân dịp 8-3, Bệnh viện Dã chiến 2.3 tổ chức giáo dục sức khỏe và tặng quà cho phụ nữ ở Bệnh viện Bentiu. Trong ảnh, Lê Na cùng đồng nghiệp chăm sóc em bé sơ sinh tại khoa sản - Ảnh: NGUYỄN ĐẢM

* Trở về nước đúng dịp 30-4, là một người trẻ vừa tham gia hoạt động tại một vùng đất vẫn còn nội chiến triền miên, cảm xúc của bạn lúc này ra sao?

- Tôi còn nhớ ngày 24-3-2021, tôi cùng 63 cán bộ chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến 2.3 lên đường sang Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc trong sự ủng hộ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Họ hy vọng chúng tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng là "gìn giữ hòa bình".

Được về quê hương đúng dịp 30-4 với bản thân tôi đây là một sự kiện rất đặc biệt. Sau 1 năm xa nhà khi hoàn thành nhiệm vụ, những người chiến sĩ mũ nồi xanh trở về Việt Nam, đặc biệt hơn là chúng tôi trở về từ vùng đất chưa có hòa bình, chưa yên tiếng súng. 

Sau hơn 1 năm làm nhiệm vụ xa nhà, không chỉ tôi mà các anh chị đồng nghiệp của tôi chắc hẳn ai cũng sẽ rất xúc động và tự hào. Hai từ "hòa bình" càng thấy ý nghĩa và thiêng liêng, càng muốn trân trọng và giữ gìn.

Lê Na là một trong các nhân sự trẻ tuổi nhất trong số 64 cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn tham gia Bệnh viện dã chiến 2.3 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan.

Trước khi tham gia nhiệm vụ, chị là quân nhân chuyên nghiệp, hàm thiếu úy và là kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).

Dự kiến rạng sáng 1-5, các cán bộ chiến sĩ sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc hơn một năm tích cực tham gia công tác gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Nam Sudan.

Xúc động hình ảnh người vợ tiễn chồng lên đường đi gìn giữ hòa bình Xúc động hình ảnh người vợ tiễn chồng lên đường đi gìn giữ hòa bình

TTO - 'Mong anh chân cứng đá mềm, yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ở nhà em sẽ thay anh chăm sóc hai con, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người vợ lính' - người vợ xúc động tựa đầu vào vai chồng.

DUYÊN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên