Các vai diễn của NSƯT Minh Hằng - Ảnh: Thế Toàn |
Cũng vì một chữ “duyên” ấy mà cả ba vai diễn của sự trở lại này đều mang lại cho chị ba HCV trong ba kỳ hội diễn sân khấu vừa diễn ra.
Chẳng hổ danh là một trong các mỹ nhân đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ, bước sang tuổi 50 nhưng trông Minh Hằng vẫn rất xinh xắn.
Miệng cười mỏng mảnh, chị nói: “Sau vài ba năm vắng bóng, vai diễn trở lại sân khấu của tôi đều là những vai thứ nhưng tôi luôn yêu nhân vật trong từng giây phút...”.
Bởi cái nhẽ yêu sân khấu chưa khi nào tắt ấy đã khiến chị vào vai Cả Tú trong Nhà có ba chị em gái sao mà quê mùa và nhẫn nhục đến kiệt cùng.
Lúc vào vai bà mẹ Tài trong Cho một ngày bình yên, chị lại là người mẹ mang cả biển yêu thương gắng giằng giật lấy chút nhân tính trong tâm hồn con trai mình.
Còn vai quốc mẫu Hoa Dung trong Công lý không gục ngã vừa tràn đầy khát vọng quyền lực vừa chứa chất nỗi đắng cay bất lực. Những vai diễn không có nhiều đất diễn nhưng Minh Hằng vẫn nghiền ngẫm, sáng tạo, đắp điếm cho đầy đặn nhân vật, để khiến khán giả cùng hỉ - nộ - ái - ố với mình.
Thế nên cả ba bà mẹ của chị lần lượt “rinh” vàng tại kỳ Liên hoan sân khấu thủ đô 2014, Cuộc thi kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 và Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân 2015. Hai bà mẹ trong số đó sẽ cùng chị tái ngộ khán giả Sài Gòn trong đợt lưu diễn lần này của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Với vai diễn Quốc mẫu Hoa Dung trong vở kịch Công lý không gục ngã, NSƯT Minh Hằng đã giành Huy chương vàng trong Cuộc thi kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 - Ảnh: Thế Toàn. |
“Con dao pha” sắc lẹm
Thật ra những thành công ấy của Minh Hằng không có gì ngạc nhiên. Tài năng của chị đã được khẳng định ngay từ khi ở độ tuổi 17 - 18.
Lúc ấy, Hằng “chíp” - như bạn bè quen gọi, đã vào vai nào là ra vai ấy. Thế nên ngay sau đó chị nở rộ với những vai diễn đầy ấn tượng như cậu bé trong Đứa con tôi, đúp vai Thôi Tạ và Trần Đức trong Người tốt thành Tứ Xuyên, vai Hến trong Nghêu, Sò, Ốc, Hến, vai Cám trong Tấm - Cám...
Vẫn nhớ mãi những ngày vở Đứa con tôi nổi đình đám ở sân khấu phía Bắc từ Hà Nội sang Bắc Ninh xuống Hải Phòng, đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành kể: “Ngày ấy Minh Hằng nhỏ xíu và có gương mặt tươi sáng.
Vào vai “cậu bé”, Minh Hằng diễn tự nhiên, đáng yêu lắm. Gái giả trai mà chẳng giả chút nào. Thậm chí vai ấy được diễn hàng trăm suất nhưng chẳng bao giờ bị nhạt đi, trái lại ngày càng hay hơn và luôn được khán giả dành những tràng pháo tay khen ngợi dài nhất”.
Đi từ “thánh đường” sân khấu của Nhà hát Tuổi Trẻ ở những năm thập niên 1980, Minh Hằng tiếp tục bước sang lĩnh vực điện ảnh và truyền hình bằng những vai diễn đầy màu sắc và chẳng kém cạnh về sự nổi danh.
Khán giả truyền hình đã nhiều phen được cười vỡ bụng khi xem chị tung hứng với các cây hài ở những chương trình Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm (Táo bà ngoa ngoắt) cũng như trong các chùm tiểu phẩm do các hãng băng đĩa sản xuất mỗi dịp tết đến xuân về.
Minh Hằng còn khiến khán giả “ghét sao mà ghét” cái mụ Lý - một người đàn bà mưu mô và đầy tham vọng trong phim Chủ tịch tỉnh (đạo diễn: Bùi Huy Thuần), không ưa cả bà Lạng ăn tục nói phét trong phim Chung cư vui vẻ (đạo diễn Đỗ Thanh Hải), cả mụ Phó Đoan đàng điếm trong phim Trò đời (đạo diễn Nhuệ Giang), để rồi xót xa rơi nước mắt với câu chuyện người mẹ trong những phim Trái tim kiêu hãnh (đạo diễn Quốc Tuấn), Chỉ còn lại tình yêu (đạo diễn Vũ Minh Trí)...
Các vai diễn của NSƯT Minh Hằng - Ảnh: Thế Toàn |
Trong bao sự yêu - ghét của khán giả theo từng nhân vật như thế, Minh Hằng tiết lộ chị đang chờ đợi bộ phim mới nhất công chiếu - Ánh sáng trước mặt (đạo diễn Hoài Sơn), vì ở bộ phim này chị vào vai bà Hội - một bà mẹ điên... “Đây là vai diễn tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình” - chị nói.
Nhưng có những vai không phải ai cũng biết: Minh Hằng còn là một “cây” lồng tiếng cho phim. Nhiều vai dành cho các nữ nghệ sĩ tên tuổi như nghệ sĩ Lê Vân, NSND Phương Thanh, NSND Như Quỳnh, NSƯT Thu Hà... chị đều tham gia lồng tiếng.
“Tôi đã xây được nhà từ chính tiền đi lồng tiếng cho phim đấy!” - Minh Hằng khoe.
“Sân khấu và điện ảnh là hai cánh tay của tôi. Tôi không thể thiếu đi bất kỳ cánh tay nào. Quan trọng là khi đã làm việc gì thì luôn phải nghiêm túc ngay từ đầu” - Minh Hằng tự nhìn mình như vậy.
Còn với những bậc thầy về sân khấu như NSND Đào Mộng Long, đã có lần ông nói với nhạc sĩ Văn Tý: “Tôi rất mê con bé Hằng vì nó là một “con dao pha”. Vai trẻ cũng được, vai thanh niên cũng được, vai tử tế cũng được, nghèo hèn, sang trọng, công chúa cũng được mà quỷ dữ cũng xong. Nghệ thuật rất cần những diễn viên “dao pha” như thế”.
Sân khấu và điện ảnh là hai cánh tay của tôi. Tôi không thể thiếu đi bất kỳ cánh tay nào. Quan trọng là khi đã làm việc gì thì luôn phải nghiêm túc ngay từ đầu |
NSƯT Minh Hằng |
“Có một danh hiệu tôi muốn phấn đấu cả đời”
Gặp NSƯT Minh Hằng một chiều cuối hạ. Vẫn tiếng cười giòn tan, vẫn vóc người nho nhỏ, vẫn mái tóc tém bao năm.
Trong câu chuyện chị nhắc nhiều đến nghệ thuật, đến ông xã là tiến sĩ toán học cũng như những đứa con chồng hết mực yêu thương của mình bây giờ. Chị đã gọi tổ ấm của mình hôm nay là nguồn suối mát lành tưới mát mảnh đất tâm hồn trong chị...
Cũng chính bởi thế mà chị chân tình bảo rằng không muốn nhắc lại ký ức xưa - ký ức đầy nỗi buồn riêng tư với bao mất mát, ly tán...
Chị muốn cuộc sống cũ với người chồng cũ, hai lần sẩy thai đớn đau... tất cả hãy ngủ yên, còn mình thì hãy bận bịu hơn nữa với nghệ thuật, bận bịu hơn nữa với tổ ấm hôm nay.
Minh Hằng cũng đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, nhiều lúc tưởng như thập tử nhất sinh. Nhớ lại hồi giữa năm 2014, vẫn giữ nét lo âu, chị nói đã thật sự lo lắng khi phải tiếp tục phẫu thuật u tuyến giáp.
Cũng vì chị sợ sau phẫu thuật sẽ không thể thoại cho vai diễn, trong khi bạn bè, đồng nghiệp đang rất mong chờ chị trở lại sân khấu. Vậy nên sau phẫu thuật, vừa được bác sĩ cho phép nói, chị đã lao vào tập. Cổ họng lúc nào cũng trong tình trạng bỏng rát...
“Tôi đã mừng khôn xiết khi mình vẫn có thể nói tròn vành rõ chữ. Như vậy, mình vẫn còn duyên với nghề. Tôi nhanh chóng trở lại với đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi Trẻ với ngày ba buổi tập đều. Trong chuyện đi lại, không thể tự lái xe, tôi gọi taxi. Mỗi tháng tốn 6 - 7 triệu đồng, nhiều hơn cả lương được lĩnh. Được cái ông xã luôn động viên và hỗ trợ...
Nhưng thi thoảng tôi vẫn thấy buồn, khi xưa chuyện học thoại của tôi luôn được các đạo diễn khen, nhất là có lần NSND Đình Quang nói: “Con bé này là một memory (bộ nhớ)” vì học thoại rất nhanh và nhớ rất lâu. Còn bây giờ trí nhớ bị giảm sút, tôi phải cần mẫn học đi học lại. Với tôi, khi đã lên sàn tập mà chưa thuộc thoại thì đừng làm nghề nữa...” - Minh Hằng chia sẻ.
Không thể cưỡng lại ánh đèn sân khấu đầy mê hoặc, Minh Hằng lao vào sàn tập. Chỉ trong một năm mà chị liên tục làm việc từ Nhà có ba chị em gái đến những tiểu phẩm hài Xóm hóng, Ao làng, Táo cười đón xuân, rồi Ai là thủ phạm, Công lý không gục ngã, Cho một ngày bình yên, thậm chí cả chương trình thiếu nhi “Dế Mèn phiêu lưu ký” cũng có sự góp mặt của chị.
Đã thế, đầu năm nay chị còn tham gia cùng với đoàn đến tận Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, đến con đường Hạnh Phúc để diễn phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, chiến sĩ các đồn biên phòng.
Chị kể những ngày đi công tác ấy, hành trang của chị là phích nước và túi nôn. Đêm đêm vui tươi, tưng bừng với khán giả nhưng khuya về chị lại... nôn khan.
“Mệt nhọc bao nhiêu đi chăng nữa với tôi cũng sẽ xóa tan hết khi được khán giả gặp ngoài đường là gọi tên, là í ới dặn: tối nay cô (chị) lại diễn nữa nhé! Diễn nữa nhé cũng là danh hiệu tôi luôn phấn đấu cho cả cuộc đời làm nghệ thuật của mình” - Minh Hằng nhỏ nhẹ nói.
Trong gian nhà nho nhỏ ở con phố Nguyễn Chí Thanh xếp chồng nhiều hộp giấy đang được Minh Hằng hì hụi đóng đóng, gói gói.
Chị bảo đấy là những thùng chăn, áo rét, khoảng cuối năm nay sẽ đưa lên Vị Xuyên, Hà Giang thăm các em nhỏ. Nhiều năm nay Minh Hằng vẫn có những chuyến đi lặng lẽ như thế, đến với trẻ em nghèo khó, mồ côi, khuyết tật... Những chuyến đi đã khiến người mẹ nơi chị thấy lòng ấm lại.
Mười đêm kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ tại TP.HCM Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi Trẻ bắt đầu có chuyến lưu diễn tại TP.HCM từ ngày 16 đến 26-8. Đoàn kịch sẽ biểu diễn vở Nhà có ba chị em gái (tác giả: Thu Phương, đạo diễn NSND Xuân Huyền) và vở Cho cuộc đời bình yên (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Bùi Như Lai) tại nhiều điểm diễn ở các quận huyện trong TP như nhà hát Bến Thành, Trung tâm Văn hóa TP, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức, huyện Củ Chi và một số điểm diễn tại các trường đại học như Đại học Văn hóa, Đại học Mở... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận