Phóng to |
NSND Trần Văn Thủy (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Đạo diễn Trần Văn Thủy làm phim về YersinPhim tài liệu: "áo gấm đi đêm"
Với mục đích tôn vinh những tác giả có đóng góp tiêu biểu trong lịch sử điện ảnh - tài liệu, ban tổ chức liên hoan phim quyết định đặc cách chọn Chuyện tử tế, dù phim đã được sản xuất cách đây 20 năm...
* Khi nhận được thông báo của ban tổ chức (BTC) liên hoan phim (LHP) Vienne (Áo) cho biết Chuyện tử tế sẽ được vinh danh ở LHP này, ông có bất ngờ vì sau nhiều năm, người ta vẫn còn nhớ đến mình hay không?
- NSND Trần Văn Thủy: Tôi không nghĩ mình có cảm giác đó. Tôi là cha đẻ đứa con tinh thần của mình, số phận nó thế nào, nó đi đâu tôi đều biết chứ.
Chuyện tử tế có số phận chìm nổi vô cùng, nhưng cũng vui vì dù sao nó cũng đi đến bờ, đến bến. Phim có mặt ở các LHP lớn, những cuộc hội thảo danh giá tại Pháp, Đức, Bỉ, Úc, Nhật Bản... Người ta nhắc và nói đến phim này rất nhiều dù họ không quan tâm đến tác giả. Cũng phải nói thêm là khi ấy (năm 1988), người nước ngoài luôn nghĩ Việt Nam là phải như thế nào đó và họ bàng hoàng khi xem phim của tôi, đặc biệt là với những người Việt xa xứ. Họ thấy đất nước mình thay đổi, người dân được nói những điều mình muốn nói.
* Chuyện tử tế với rất nhiều giải thưởng, đã trở thành giấy thông hành đưa ông đi khắp thế giới, nhưng hình như làm phim này, ông đã phải chịu đựng nhiều khó khăn?
- Khi bấm máy, ngồi dựng, viết lời bình cho phim, tôi không nghĩ phim mình sẽ đi được xa như thế. Tôi cũng không nghĩ đến cấp trên khi làm phim, tôi chỉ nghĩ không hiểu những người nông dân xem phim mình có sướng không nhỉ?
Với Chuyện tử tế, không phải tôi mà các đồng nghiệp Hồ Chí Phổ, Lê Văn Long, Nguyễn Duy Hùng, Lê Huy Hòa, Minh Hương... cùng chịu rất nhiều sức ép. Đây là bộ phim thực hiện trong giai đoạn khó khăn nhất của đời tôi. Khi đó Hà Nội trong mắt ai đang bị cấm phổ biến, nội dung của Chuyện tử tế thì lại không “thuận”, thậm chí còn hơi nổi loạn, khi “án” cũ còn đang treo lơ lửng thì chỉ có điên mới “chơi” như thế. Nhà tôi lúc đó không có gạo ăn, bà mẹ tôi khóc: “con ơi, sao cái nghề của con khổ thế”. Sau này, có người khen tôi dũng cảm nhưng không hẳn thế, tôi chỉ làm theo sự mách bảo của lương tâm, theo khát khao của mình rằng con người phải ăn ở tử tế với nhau. Trong tất cả các bộ phim của tôi, không phim nào thoát được thân phận con người.
* Cho đến tận bây giờ, việc làm thế nào mà Chuyện tử tế có mặt ở LHP Leipzig để rồi sau đó giành giải Bồ câu bạc vẫn là câu chuyện bí ẩn?
- Phải. Hồi ấy (tháng 11-1988), Cục Điện ảnh cử tôi tham gia LHP Leipzig theo thư mời của BTC, nhưng oái oăm là cho tôi đi nhưng phim thì ở lại. Nhưng rồi bằng cách nào đó, bộ phim vẫn có mặt và được trình chiếu. Đó là một bí mật được giữ kín.
Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, từ khi có mặt ở Leipzig đến khi BTC công bố giải thưởng, tôi không ăn không ngủ được. Nếu phim không có giải, không được công nhận, chắc chắn tôi sẽ phải đối mặt với việc về nước nhận kỷ luật nặng nề. Lúc BTC công bố phim đoạt giải bạc, tôi đã hét lên sung sướng. Thật vậy, trong suốt cuộc đời của mình, tôi luôn cảm giác những lúc mình khó khăn nhất, bế tắc nhất lại nhận được sự giúp đỡ từ ai đó. Tôi tin vào sự may mắn.
* Không ít tác phẩm của ông đã gặp nhiều trở ngại kể từ khi sản xuất đến phát hành, tuy nhiên, sau đó đều đã thành công vang dội. Ông từng nói, làm phim tài liệu phải quái một chút, có phải nhờ “quái” mà phim ông mới thành công?
- Quái ở đây được hiểu là vượt qua những rào chắn mà bình thường mình không vượt qua được. Khi tôi bị điều gì đó ám ảnh, tôi quyết làm bằng được, bảo vệ nó bằng được. Thực ra, nếu đường đường chính chính, tôi sẽ không làm được Chuyện tử tế đâu, đấy là do tôi “lách” đấy. Tôi đã “mượn” chỉ đạo làm tiếp phần II Hà Nội trong mắt ai của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để làm Chuyện tử tế, coi như đó là phần hai của phim, mặc dù ai cũng biết, nội dung của hai phim này hoàn toàn khác nhau.
* Ông từng nói làm phim là một nghề hèn mọn. Giờ nhìn lại sự nghiệp làm phim của mình, ông có thấy nó còn hèn mọn không?
- Nếu mình sống thúc thủ, buông xuôi, chấp nhận mọi thứ thì mãi mãi nó là nghề hèn mọn. Cho đến khi viết lời bình cho phim Chuyện tử tế, tôi vẫn nói làm phim là nghề hèn mọn. “Hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra. Mọn vì những cái mình làm ra không mấy ai cần đến”. Giờ thì cũng chẳng vinh hiển gì vì những mối lo, những suy nghĩ, quan tâm của mình vẫn luôn đau đáu.
* Vậy mà khán giả dường như thấy ông hoàn toàn “biến mất” kể từ sau khi ông về hưu...
- Không phải việc gì cũng cần ồn ào để người ta biết đến. Từ khi về hưu, tôi vẫn làm đều, thậm chí là còn làm nhiều hơn khi chưa nghỉ. Tôi viết, đi nói chuyện và hai năm qua đi khắp đất nước, sang Pháp, đi Lào làm bốn tập phim “khủng” về Nguyễn Văn Vĩnh có tựa đề Người man di hiện đại. Tôi cũng vừa từ Nha Trang ra, hội những người ái mộ Yersin mời tôi làm phim về ông, đó cũng là nhân vật mà tôi rất yêu thích.
Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy sinh năm 1940, tại Nam Định. Tác phẩm đầu tay của ông là Những người dân quê tôi, quay ở chiến trường Quảng Đà, đoạt giải Bồ câu bạc tại LHP Quốc tế Leipzig (1970). Hà Nội trong mắt ai, bộ phim gây nhiều tranh cãi của ông sau một thời gian dài đã giành giải vàng LHP Việt Nam 1988. Chuyện tử tế (1985) được đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy, phim đoạt giải Bồ câu bạc LHP Leipzig (Đức). Chuyện tử tế (1985) kể về thân phận của những người nghèo khổ dưới đáy xã hội. Những người làm phim xông xáo vào đời và gặp lắm cảnh trái ngang: đến quay một lò gạch thì bị chủ lò gạch xua đuổi vì tưởng họ đang làm phim tuyên truyền cho Nhà nước. Một đứa bé chăn vịt vì mệt, cần ngủ, lỡ để đàn vịt vào phá ruộng hợp tác xã mà phải mang lý lịch xấu. Một giáo viên toán phải đi bán rau. Những cựu chiến binh một thời oanh liệt nay người đạp xích lô, kẻ làm nghề sửa xe đạp. Một bà mẹ cùi hủi bị người đời khinh chê nhưng quyết chí đúc 18 vạn hòn gạch làm gia tài để lại cho đứa con trai. Đan xen giữa những mảnh đời là những suy nghĩ, nhận thức về sự tử tế... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận