17/01/2013 06:40 GMT+7

Nộp ngân sách giảm, nợ nước ngoài tăng

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cung cấp “bức tranh” toàn cảnh về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2012 với nhiều “màu xám”.

Wqb6cjIV.jpgPhóng to
Tổng công ty Thép doanh thu năm 2012 đạt 29.400 tỉ đồng, giảm 8,9% so với thực hiện năm 2011, công ty mẹ ước lỗ 500 tỉ đồng, hợp nhất toàn tổ hợp ước lỗ 150 tỉ đồng. Trong ảnh: trụ sở của Tổng công ty Thép Việt Nam tại Hà Nội - Ảnh: Lê Hồng Thái

Về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty, ông Phạm Viết Muôn - phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp - cho biết tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đạt trên 1.621.000 tỉ đồng (bằng 92% so với kế hoạch năm, tăng 2% so với năm 2011), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỉ đồng (giảm 5% so với thực hiện năm 2011), tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4% và tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỉ đồng (giảm 12% so với thực hiện năm 2011).

Nợ 1.334.903 tỉ đồng

Ông Muôn dẫn báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn, tổng công ty cho hay tổng số lỗ phát sinh khoảng 2.253 tỉ đồng, trong đó một số tập đoàn, tổng công ty năm 2011 lỗ, năm 2012 tiếp tục lỗ. Có 10 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế với tổng số khoảng 17.730 tỉ đồng.

Về tình hình tài chính, tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 735.293 tỉ đồng. Tổng tài sản là 2.138.780 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011. Tổng nợ phải trả là 1.334.903 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần. “Số liệu trên cho thấy năm 2012 nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên xét riêng rẽ, một số tập đoàn, tổng công ty thì tỉ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao” - ông Muôn nói.

Nợ nước ngoài của các công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty là 158.865 tỉ đồng, bằng 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Một số công ty mẹ có nợ nước ngoài lớn như: công ty mẹ - Tập đoàn điện lực, công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không, công ty mẹ - Tổng công ty Phát triển đường cao tốc. Tổng nợ phải thu là 326.556 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2011 và chiếm 15% tổng tài sản, trong đó số nợ phải thu khó đòi là 5.280 tỉ đồng.

Bà Phạm Chi Lan (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của thủ tướng):

Xem xét xử lý trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp lỗ liên tiếp

Con số nợ lớn của các tập đoàn, tổng công ty dù có thế nào thì đây cũng là gánh nặng lớn, bởi các nước họ vẫn tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Qua báo cáo hôm nay cho thấy có tập đoàn, tổng công ty lỗ hai năm liên tiếp. Quy định nếu lỗ như vậy thì phải xem xét thôi chức lãnh đạo. Quy định đã có, cần và phải xem xét nếu lỗi chủ quan thì phải xử nghiêm. Nếu cứ che đậy, níu kéo thì lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không biết sợ, dễ dẫn đến Vinashin thứ hai. Ngoài ra, theo tôi, cũng cần xem xét cả trách nhiệm cơ quan quản lý những doanh nghiệp lỗ trên nữa.

TS Tô Trung Thành(khoa kinh tế học Đại học Kinh tế quốc dân):

Choáng vì khoản nợ trên 1 triệu tỉ đồng

Tôi nghĩ nhiều người và cá nhân tôi cũng thấy “choáng” khi nghe số nợ này của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Có thể con số này không lớn so với vốn chủ sở hữu các tập đoàn nhưng theo tôi, cần xem lại quy định các tập đoàn, tổng công ty được vay đến không quá ba lần vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, chúng ta đã thấy nguy cơ nợ của doanh nghiệp nhà nước biến thành nợ của Nhà nước, vì vậy cần thắt chặt việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các tập đoàn, tổng công ty vay nước ngoài.

C.V.KÌNH ghi

Tài chính “thiếu lành mạnh”

Bên cạnh các mặt được, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty còn một số tồn tại, yếu kém. Ông Phạm Viết Muôn cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2011 và không hoàn thành kế hoạch đề ra. Ngoại trừ các tập đoàn, tổng công ty lỗ do chính sách giá và do điều chỉnh chênh lệch tỉ giá (xăng dầu, điện), vẫn còn một số tổng công ty kinh doanh thua lỗ. Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Ông Muôn nói: “Tình hình tài chính của không ít tập đoàn, tổng công ty thiếu lành mạnh. Có tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính; có tổng công ty vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn rất thấp”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong khối tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước, bên cạnh những tập đoàn, tổng công ty có kết quả kinh doanh ấn tượng thì vẫn còn tập đoàn gặp nhiều khó khăn, điển hình có Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản với doanh thu ước thực hiện năm 2012 là 93.000 tỉ đồng (chỉ bằng 85,5% thực hiện năm 2011), lợi nhuận trước thuế dự kiến trên 1.500 tỉ đồng (chỉ bằng 18% lợi nhuận năm 2011).

Có hai tổng công ty hoạt động thua lỗ là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu và Tổng công ty Xây dựng đường thủy. Còn trong khối tập đoàn, tổng công ty cổ phần, Tổng công ty Thép doanh thu đạt 29.400 tỉ đồng, giảm 8,9% so với thực hiện năm 2011, công ty mẹ ước lỗ 500 tỉ đồng, hợp nhất toàn tổ hợp ước lỗ 150 tỉ đồng; Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam lỗ 172 tỉ đồng...

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên