Người tiêu dùng chọn mua nệm Vạn Thành tại một cửa hàng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGUYỆT NHI
Thị trường nệm vì thế cũng ngày chuyên nghiệp hơn, nhà sản xuất không ngừng đầu tư công nghệ sản xuất, quản trị chất lượng, nâng cao dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
Cạnh tranh khốc liệt
Những nhà kinh doanh cho biết trước đây, khi có nhu cầu mua nệm, các gia đình ở TP.HCM chỉ tới vài con đường chuyên bán mặt hàng này ở Q.10, khu chợ Bà Chiểu... với sự lựa chọn gần như rất hạn chế.
Người tiêu dùng muốn mua sản phẩm cũng chỉ dựa trên tư vấn của người bán, không hề có thông tin nào khác, thậm chí không nhìn thấy sản phẩm cho đến khi tấm nệm đó được chuyển đến nhà.
Những năm gần đây, thị trường nệm Việt liên tục xuất hiện nhiều cái tên mới ngoại nhập từ các nước Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, cao cấp hơn thì đến từ Anh, Mỹ, Đức...
Sản phẩm cũng phong phú, từ các loại nệm mút xốp, nệm bông ép, nệm lò xo dành cho người thu nhập trung bình đến các sản phẩm dành cho người thu nhập cao.
Sự cạnh tranh này đã thay đổi dần thị trường nệm theo hướng chuyên nghiệp hơn. Ông Trương Ty, tổng giám đốc Công ty nệm Vạn Thành, cho biết chỉ tính riêng nệm Vạn Thành, sản lượng tiêu thụ nệm cao su lên đến 80.000 sản phẩm/năm với các mức giá dao động từ 5-20 triệu đồng/tấm tùy loại.
Nhưng nệm lò xo mới bán chạy nhất nhờ giá tốt hơn với hơn 90.000 sản phẩm/năm.
Bức tranh thị trường nệm VN bắt đầu thực sự rõ nét hơn khi năm ngoái, quỹ Mekong Capital công bố khoản đầu tư triệu USD vào hệ thống vương quốc nệm. Kết quả nghiên cứu của quỹ này cho biết VN hiện có khoảng 25 triệu gia đình và khoảng chỉ 40% trong số này có sử dụng nệm.
Thị trường VN ước tính cần khoảng 4 triệu tấm nệm mới, chưa kể mới có trên 30% dân số nằm nệm, dư địa tăng trưởng của thị trường còn lớn.
Doanh nghiệp tăng tốc
Theo ông Trương Ty, không chỉ cạnh tranh với nhau, các thương hiệu Việt cũng đang cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu nệm ngoại nhập.
"Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy ở VN vừa phục vụ xuất khẩu vừa khai thác thị trường trong nước. Do đó, để cạnh tranh, các doanh nghiệp nội phải liên tục cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là phải tổ chức hệ thống mạng lưới phân phối tiếp cận người tiêu dùng, tạo sự thuận lợi cho họ" - ông Ty nói.
Chẳng hạn, doanh nghiệp này đã phát triển với hơn 4.500 đại lý, 38 chi nhánh và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng thị phần thị trường nội địa. Người tiêu dùng trong nước đã quen thuộc với những thương hiệu có mặt lâu đời tại VN như Kymdan, Liên Á, Vạn Thành...
Tuy vậy, trong tương lai thị trường nệm là cuộc đua mở rộng hơn, bởi nệm sẽ là một món hàng thiết yếu trong mỗi gia đình Việt trong tương lai.
Ông Nguyễn Tuấn, chuyên gia bán lẻ thị trường, cho biết bán một sản phẩm nệm không chỉ là tiêu thụ một món hàng, khách cần thông tin nhiều hơn thế về những điều liên quan đến giấc ngủ của họ như "triệu chứng khó ngủ", "tư thế ngủ"... nên doanh nghiệp nào biết cách cung cấp hơn một giấc ngủ sẽ thuyết phục được thị trường.
Doanh thu thị trường trong nước hiện chỉ chiếm hơn 30% trong cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp lớn, nhưng cũng đang cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại tràn vào VN.
"Để cạnh tranh được với sản phẩm trên thị trường, chúng tôi không ngừng đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời mở chi nhánh ở Quảng Châu (Trung Quốc), Phnom Penh (Campuchia)..." - ông Ty cho biết.
Theo tính toán của giới kinh doanh, với giá trị trung bình một đơn hàng mua nệm và chăn, drap khoảng 4 triệu đồng, quy mô thị trường bán lẻ chăn drap gối nệm sẽ vào khoảng 800 triệu USD và tăng trưởng đều đặn qua mỗi năm.
Nhu cầu về nệm tăng đã thúc đẩy thị trường nệm ngày một phát triển mạnh mẽ hơn, trong đó các doanh nghiệp đều đeo đuổi chiến lược sản xuất nhiều dòng sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận