21/12/2013 08:39 GMT+7

Nông dân trả ruộng - Kỳ 2: Mày mò mô hình sản xuất lớn

ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG - HÀ ĐỒNG
ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG - HÀ ĐỒNG

TT - Trong khi nhiều địa phương lúng túng với số đất ruộng nông dân trả, bỏ hoang thì tại một số nơi ở Thanh Hóa, Hải Dương, chính quyền địa phương đã xoay xở tìm giải pháp với mô hình sản xuất lớn.

Một sào lúa mua được hai bát phở, nông dân trả ruộngHơn 10.500 hộ nông dân Thanh Hóa bỏ ruộng, trả ruộng

lXvMo4Nd.jpgPhóng to
Cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng sản xuất lúa của doanh nghiệp Tiến Nông tại xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa) - Ảnh: CTV

Khi đặt vấn đề về việc xử lý của chính quyền địa phương sau khi nông dân trả đất hoặc bỏ hoang, ông Phạm Xuân Trường - phó chủ tịch UBND xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương - cho biết “đang thật sự bối rối!”.

Không để đất manh mún

Theo ông Trường, nếu vụ mùa năm 2012 toàn xã chỉ có 6,3ha đất lúa bỏ hoang thì vụ mùa năm nay diện tích đất bỏ hoang tăng gần gấp đôi, lên 11,1ha. Năm trước chỉ có khoảng 250 hộ dân bỏ ruộng, năm nay con số này đã lên tới 400 hộ. “Năm trước chỉ 6,3ha đất bỏ hoang đã xót, đã đau đáu rồi, tuyên truyền vận động mãi chẳng ai nghe. “Nhìn đất lúa bờ xôi ruộng mật” để cỏ mọc, những người làm nông nghiệp, người quản lý như chúng tôi đau xót lắm chứ. Luật đất đai có rồi, chia cho dân hết rồi, họ cấy hay không cấy thì mình cũng chẳng biết làm sao. Mà có thu hồi thì xã chắc cũng chỉ để hoang” - ông Trường nói.

Theo ông Trường, trước tình trạng này huyện chỉ đạo và xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân không bỏ hoang ruộng. Đồng thời khuyến khích các tổ chức đoàn thể nhận lại ruộng hoang cấy lúa làm quỹ nhưng cũng chẳng tổ chức đoàn thể nào dám nhận. “Bây giờ cấy lúa không phải đóng góp một khoản tiền nào, thậm chí được Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha, được miễn thủy lợi phí, được hỗ trợ giống má... Vậy nhưng tất cả những chính sách đó cũng không kéo người dân trở lại ruộng được” - ông Trường nói.

Về phía huyện, ông Nguyễn Văn Khuông - trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ - cho biết trước thực trạng này đã cho thí điểm dự án dồn điền đổi thửa ở các xã Tân Kỳ và Tứ Xuyên với diện tích 600ha. Mục đích của dự án là quy hoạch những vùng sản xuất lớn, trồng lúa đại trà để đưa máy móc nông nghiệp cỡ lớn vào làm nhằm giảm chi phí. Theo ông Khuông, nếu cứ manh mún như hiện nay phải làm thủ công hoặc dùng máy móc cỡ nhỏ thì rất tốn kém. Trước mắt phải giảm tối đa chi phí để tăng hiệu quả trồng lúa may ra giữ được người dân gắn bó với cây lúa. Ông Khuông cho biết ruộng nhỏ một sào thuê cày máy mất 200.000-220.000 đồng, thuê máy gặt, đập cũng hết trên 200.000 đồng. Nếu là bờ vùng bờ thửa lớn hơn, đưa máy lớn vào được công cày máy chỉ mất trên 100.000 đồng/sào, và công gặt, đập cũng chỉ 150.000 đồng/sào.

Dồn điền, đổi thửa

Trước tình trạng nông dân làm đơn xin trả lại ruộng ngày một tăng, ông Nguyễn Viết Bàn - phó chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương - cho hay: “Chính quyền cũng trăn trở, đau đầu mất nhiều ngày. Lúc đầu thuyết phục người dân, khuyên họ tiếp tục bám trụ đồng ruộng và làm thêm nghề phụ nhưng nhiều người không chịu”. Theo ông Bàn, tại xã Lam Sơn đối với những thửa ruộng người dân nhất quyết trả lại, chính quyền đã nhận và chuyển lại cho những gia đình có nhu cầu làm để giảm bớt tình trạng ruộng bỏ hoang.

Về lâu dài, ông Bàn cho biết huyện đang dồn điền, đổi thửa trên diện rộng để chuyển sang làm ruộng theo hình thức cánh đồng mẫu lớn. “Bây giờ làm manh mún không thể có lời được, phải gom lại làm theo hình thức cánh đồng mẫu lớn để giảm bớt chi phí đầu tư, tăng năng suất và nông dân sẽ có lãi” - ông Bàn quả quyết.

Theo ông Bàn, trên địa bàn huyện có nhiều xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa như Chi Lăng Nam, Ngũ Hùng, Hùng Sơn, Đoàn Kết... Tổng số diện tích ruộng đã được gom lại để canh tác theo hình thức cánh đồng mẫu lớn của huyện Thanh Miện khoảng 2.000ha. Với cách này của huyện Thanh Miện, theo ông Bàn, đã lôi kéo được nông dân quay trở lại ruộng và thu hút một số “đại gia” đầu tư vào làm ruộng. “Những nông dân có điều kiện, có phương tiện máy móc như máy cày, máy cấy, gặt mà có nhu cầu thì chính quyền xã sẽ giao đất diện tích lớn để làm. Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện, có nơi được hai vụ người dân bắt đầu có lãi. Các chi phí đều giảm nên mỗi sào ruộng người dân đã bắt đầu có lãi 500.000-700.000 đồng, làm 1ha cũng được kha khá” - ông Bàn kể.

Tương tự ở Hải Dương, tại xã Hà Hải, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), cấp ủy, chính quyền phải vận động cán bộ, đảng viên đứng đầu đoàn thể ở các thôn nhận ruộng của nông dân bỏ hoang để sản xuất. Ông Trần Văn Đạt - chủ tịch UBND xã Hà Hải, huyện Hà Trung - cho biết: “Đối với các hộ dân bỏ ruộng hoang nhưng không muốn trả ruộng, chính quyền địa phương đang vận động dân dồn điền, đổi thửa tạo thành mảnh ruộng lớn để họ canh tác thuận lợi”. Riêng với các hộ có nhu cầu trả ruộng (trong đó có nhiều hộ đã mất sức lao động, già yếu, không thể làm ruộng được nữa), UBND xã yêu cầu có đơn tự nguyện trả ruộng nhằm tránh các tranh chấp dân sự liên quan đất đai sau này. Sau khi tiếp nhận 26 đơn của bà con nông dân, địa phương tự nguyện trả ruộng với tổng diện tích hơn 5,7ha, hiện nay UBND xã vận động các hộ dân đổi điền, dồn thửa để quy hoạch số ruộng này thành thửa lớn.

Thực tế tại một số địa phương đã xuất hiện một vài hộ gia đình lao động trẻ làm đơn nhận lại số ruộng nông dân trả để làm trang trại tổng hợp, vừa kết hợp trồng nông sản vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau nhiều năm bôn ba kiếm sống bằng đủ nghề khắp nơi, có chút vốn liếng lận lưng, anh Trịnh Xuân Đức (33 tuổi, ở thôn Yên Thôn, xã Hà Hải) quyết định trở về mưu sinh tại quê nhà. Anh Đức là người đầu tiên ở xã Hà Hải làm đơn gửi UBND xã xin nhận gần 2,5ha đất ruộng của nông dân vừa trả cho chính quyền.

“Gia đình tôi sẽ xây dựng mô hình trang trại tổng hợp trên diện tích đất nhận của xã. Chỗ nào trồng lúa có hiệu quả thì trồng, nếu không sẽ chuyển sang trồng cỏ voi chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi gia cầm...” - anh Đức nói.

Doanh nghiệp nhận đất hoang để trồng lúa

Trong khi nhiều nơi ở Thanh Hóa nông dân đang có xu hướng bỏ ruộng, trả ruộng cho Nhà nước vì sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, tại tỉnh này có một doanh nghiệp đã bắt tay với nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đó là Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông (gọi tắt là doanh nghiệp Tiến Nông).

Năm 2013, doanh nghiệp này đã mạnh dạn nhận 30ha đất nông nghiệp của nông dân xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa) bỏ hoang hoặc sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, để cùng nông dân bắt tay vào sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, chất lượng cao. Ông Lê Văn Bảy - xã Hoằng Anh, nông dân góp đất tham gia trồng lúa với doanh nghiệp Tiến Nông - cho biết: “Gia đình tôi có một sào ruộng bỏ hoang nhiều năm nay vì trồng lúa không có lãi. Vụ mùa 2013, doanh nghiệp Tiến Nông mời nông dân góp đất để làm cánh đồng mẫu lớn. Người nông dân vẫn là chủ đất, doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày bừa, thu hoạch. Đến lúc gặt lúa, nông dân được doanh nghiệp trả 60kg/sào trung bộ (500m2)/vụ, trong khi đó nông dân không phải làm ruộng mà chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Ông Nguyễn Hồng Phong - tổng giám đốc Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông - cho biết: “Doanh nghiệp phải xem người nông dân góp đất làm chủ thể, đặt lợi ích của người nông dân lên trên doanh nghiệp trong quá trình liên kết. Ngoài số lúa trả cho nông dân góp đất, doanh nghiệp còn trả cho UBND xã 20kg lúa/sào/vụ gọi là “phí quản lý”, để xã có trách nhiệm trông coi đồng...”.

ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG - HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên