05/12/2012 03:37 GMT+7

Nông dân "kêu" thiếu vốn, giá nông sản thấp

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TT - Hôm nay 5-12, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) - Tiền Giang năm 2012 khai mạc với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”.

Đây là lần đầu tiên sự kiện này có hoạt động liên quan trực tiếp đến nông dân là “Diễn đàn nông dân” nhằm ghi nhận ý kiến, kiến nghị của nông dân về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp ĐBSCL.

Chúng tôi lược ghi một số ý kiến của nông dân được mời tham dự diễn đàn này.

Một nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu tâm tư: “Người đầu tư nuôi tôm vừa nặng lo về đồng vốn vừa lo sợ rủi ro bệnh dịch ngày càng nhiều. Dù theo sát từng ngày, từng giờ nhưng tôm vẫn không thoát khỏi dịch bệnh khiến nhiều người mất trắng cả vốn lẫn lời. Còn nông dân giỏi, có kinh nghiệm nuôi tôm vượt qua được dịch bệnh thì giá tuột đến đáy cũng đành cam chịu”.

Người nông dân này đại diện cho người nuôi tôm yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (chủ trì sự kiện MDEC) đề xuất lên Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để tiếp tục đầu tư tái sản xuất.

Ngoài ra, phải thật sự quyết liệt chỉnh đốn quản lý thật chặt chẽ đầu vào (thức ăn, con giống...), tìm giải pháp liên kết chặt chẽ đầu ra cho con tôm. “Nếu không làm được những vấn đề này thì xin đừng tiếp tục cho nông dân vay vốn tái sản xuất vì như vậy càng hại dân gánh thêm nợ chứ giúp nỗi gì” - nông dân này nói.

Ông Lê Văn Đông, một nhà vườn trồng sầu riêng và cây vú sữa lò rèn Vĩnh Kim ở huyện Châu Thành (Tiền Giang), bức xúc: “Nhà vườn phải tự “bơi” từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Tụi tui thường không được hưởng giá đích thực của sản phẩm mình làm ra, nhiều lúc bị thương lái ép giá rất thê thảm”. Ông Đông kiến nghị Nhà nước nên quy hoạch vùng chuyên canh phù hợp với từng địa phương, có cơ chế tập hợp nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm đầu đàn, để nông dân bọc lót, học hỏi và cùng nhau phát triển.

Còn ông Nguyễn Văn Thịnh, nông dân sản xuất lúa tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), trăn trở dù đã ký hợp đồng bao tiêu nhưng hằng năm chỉ có một diện tích rất ít được thu mua theo hợp đồng. Lúa của gia đình ông phải chở ra đến tận kho của doanh nghiệp để bán rất gian nan.

Ông Thịnh kiến nghị: “Các công ty kinh doanh lương thực nên tham gia chuỗi cung ứng giống lúa, đảm bảo chất lượng, số lượng, chủ động ký kết vùng nguyên liệu với nông dân và phải quan tâm chia sẻ lợi nhuận trong chuỗi giá trị với nông dân từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ..., tạo ra niềm tin trong hợp đồng đôi bên cùng có lợi”.

Những ý kiến, kiến nghị của nông dân ĐBSCL sẽ trình bày và được cơ quan chức năng giải đáp tại Diễn đàn nông dân diễn ra lúc 14g hôm nay (5-12) tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên