Phóng to |
Một lớp học thêm của học sinh THPT được tổ chức tại một cơ sở ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: N.Hùng |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Trần Minh Diệu bày tỏ bức xúc: “Tình trạng thu nộp, quản lý và sử dụng các nguồn thu ngoài quy định ở các trường mầm non và các trường phổ thông tại nhiều địa phương trong phạm vi cả nước là vấn đề đang gây bất bình trong nhân dân”. Cũng đề cập đến việc này, ông Huỳnh Thành Đạt, đại biểu TP.HCM, bổ sung rõ thêm: “Vấn đề lạm thu tiền trường tại TP.HCM và các TP lớn vẫn còn phổ biến, có chiều hướng tăng thêm nhiều khoản thu mới, trong đó có những khoản thu hết sức vô lý”.
Bức xúc chuyện lạm thu, dạy thêm - học thêm tràn lan
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết từ đầu năm học 2011-2012, lãnh đạo bộ đã làm việc trực tiếp với các UBND, các sở, ban ngành của TP Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM để bàn bạc, trao đổi về thực trạng và giải pháp chống lạm thu. Đồng thời Bộ
GD-ĐT đã thực hiện việc thanh tra công tác tuyển sinh đầu cấp và các khoản thu đầu năm ở Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, đang tiếp tục chỉ đạo thanh tra tại TP.HCM và nhiều nơi khác. Kết quả thanh tra sẽ là căn cứ để bộ trao đổi, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời tình trạng sai phạm.
Nhiều ý kiến đề cập đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh, làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng trong quan hệ thầy - trò. Đại biểu Võ Ngọc Thứ, tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh: “Việc học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan theo chiều hướng tiêu cực làm ảnh hưởng đến thời gian tự học, vui chơi của trẻ em, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh phải lo toan tiền học thêm cho con em. Mỗi học sinh phải chi từ 450.000-600.000 đồng/tháng cho 2-4 môn học thêm. Thầy cô dạy thêm mỗi tháng thu nhập gấp 1,5-2 lần lương được nhận từ nhà trường”.
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận: “Tại một số tỉnh thành, hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan chưa được khắc phục có hiệu quả. Nguyên nhân do các cơ sở giáo dục một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa nghiêm, một số giáo viên còn tư tưởng vụ lợi trong việc dạy thêm, học thêm, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, hiệu quả”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng việc tăng cường dạy học hai buổi/ngày đối với các trường phổ thông, chỉ đạo sát sao hơn việc điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng tinh giảm, phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém, việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, cải tiến công tác tổ chức thi theo hướng giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh là những giải pháp lâu dài để ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định “Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách, cải thiện đời sống giáo viên” để giáo viên có thể yên tâm với nghề mà không phải dạy thêm bằng mọi giá.
Mở trường ồ ạt
Cùng chung mối lo cho sự phát triển ồ ạt của hệ thống các trường ĐH trong vài năm gần đây, nhiều đại biểu băn khoăn không hiểu bộ sẽ gỡ cái khó của “lạm phát ĐH” đi liền với nguy cơ giảm thiểu chất lượng đào tạo bằng cách nào. Đại biểu Quốc hội Cao Bằng La Ngọc Thoáng tỏ ra gay gắt: “Kỳ thi ĐH và CĐ năm 2011 chất lượng rất thấp vậy mà tuyển sinh vẫn vượt chỉ tiêu. Nhiều trường ĐH đã hạ điểm chuẩn, tuyển tới nguyện vọng 3 và đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, kể cả tặng máy vi tính xách tay vẫn không tuyển đủ sinh viên. Tuyển đầu vào ngành sư phạm có nhiều sinh viên thi môn lịch sử chỉ đạt 0,25 điểm vẫn đỗ ĐH. Có phải Bộ GD-ĐT có chủ trương nới lỏng chất lượng đầu vào vì đã cho thành lập quá nhiều trường ĐH? Trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào trong vấn đề này?”...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng hai năm qua bộ đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như: giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy (năm 2010 giảm 20% và năm 2011 giảm 40% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy); tạm dừng việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo để xây dựng quy trình mới; tạm ngừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ở các trường không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo...
Lý giải về hiện tượng một số trường ĐH, CĐ (cả công lập và ngoài công lập) tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao, bộ trưởng đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau: một số ngành cần đào tạo (nông nghiệp, khoa học cơ bản, sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn...) nhưng sau tốt nghiệp công việc không hấp dẫn, khó xin việc làm nên không thu hút được sinh viên vào học; một số trường không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất đi thuê mướn chật chội, đội ngũ giảng viên thiếu nhiều, chủ yếu thỉnh giảng) do vậy không thu hút được học sinh vào học; nhiều trường có ngành đào tạo giống nhau (như kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh), nên chia sẻ số lượng sinh viên vào các trường này...
Đào tạo sau ĐH quá “mập mờ” Ông Huỳnh Văn Tiếp, đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, lại đề nghị bộ trưởng đưa ra giải pháp cho thực trạng liên kết đào tạo sau ĐH quá “mập mờ” khiến dư luận hoang mang trong suốt thời gian qua: “Nhiều trường ĐH dân lập và các viện nghiên cứu liên kết với nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài mở các lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không đảm bảo thời gian, nội dung chương trình đào tạo dẫn tới nhiều thạc sĩ, tiến sĩ kém chất lượng (cử tri cho là thạc sĩ, tiến sĩ dỏm)”. Bộ trưởng thừa nhận tình trạng này khi “một số viện, trung tâm và một số cơ sở khác không có chức năng đào tạo, không đáp ứng các điều kiện quy định vẫn tổ chức liên kết đào tạo với nước ngoài trái phép, gây bức xúc trong dư luận xã hội và thiệt thòi đối với người học”. Do đó, trong hai năm 2010 và 2011, Bộ GD-ĐT đã thanh tra, kiểm tra 27 cơ sở giáo dục ĐH, một số viện, trung tâm có liên kết đào tạo với nước ngoài, đã phát hiện và có văn bản yêu cầu một số cơ sở chấn chỉnh các sai phạm, lập hồ sơ xin phép liên kết đào tạo theo đúng quy định; đình chỉ hoạt động của một số chương trình liên kết đào tạo chưa được cấp phép. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận