Ông Nguyễn Trọng Dũng - Vụ trưởng vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ - Ảnh: H.Như |
Hội thảo có sự góp mặt của 18 diễn giả tên tuổi cùng hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các chủ đề nóng như Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Ngân hàng và công cuộc tái cơ cấu... được các khách mời, nhà đầu tư nêu ra và bàn luận sôi nổi.
Trong đó, nội dung kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Chính phủ được các nhà đầu tư nước ngoài đặt biệt quan tâm giữa lúc thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở thành tâm điểm của khu vực.
Theo ông Nguyễn Trọng Dũng - Vụ trưởng vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ - chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước được triển khai gần 30 năm qua nhưng quyết liệt nhất vẫn là năm 2014 và 2015.
Ông Dũng nêu ra thông tin ngày 10-9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), được các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng các chuyên gia kinh tế bàn luận sôi nổi.
Ông Dũng cho biết việc cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 14.000 tỉ đồng, trong đó cổ phần nhà nước nắm giữ là 75%, cổ đông chiến lược nắm giữ 25%, số cổ phần còn lại bán ra thị trường chứng khoán.
Cũng theo ông Dũng, sau khi cổ phần hóa, Vietnam Airlines buộc phải niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán để tạo thanh khoản. Sau đó, chọn thời điểm thích hợp để giảm tỷ lệ phần vốn nhà nước còn nắm giữ 65% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về châu Á tại Trường Harvard Kennedy đánh giá đây là thông tin lạc quan, thể hiện sự quyết tâm với chương trình cổ phần hóa DNNN của Chính phủ.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước, nói sau khi IPO 60 ngày cần phải giao dịch ngay trên thị trường chứng khoán để tạo thanh khoản và gắn kết sự tham gia của các nhà đầu tư vào IPO. Ông Vũ Bằng đánh giá việc các tập đoàn, tổng công ty lớn lên sàn trong năm 2014, 2015 làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu, ông Võ Trí Thành, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng ý chí thực hiện cổ phần hóa DNNN của Chính phủ chưa bao giờ rõ ràng như hiện nay.
Ông Thành cũng nói rằng, điều khó khăn nhất của cổ phần hóa là các vấn đề kỹ thuật như: Định giá DNNN gắn với tài nguyên, thương hiệu; năng lực của đối tác chiến lược; giải quyết số lượng lớn lao động dư dôi và tính minh bạch hóa thông tin.
Ông Thành cũng nói thêm, nhà đầu tư không quan tâm đến việc thực hiện cổ phần hóa được bao nhiêu DNNN, mà chỉ theo dõi các tổng công ty lớn nhất sau cổ phần hóa làm ăn như thế nào để tìm cơ hội đầu tư.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Dũng nói đúng là có những doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì doanh nghiệp đó vẫn còn tình trạng trì trệ. Ông Dũng cũng cho biết, trong đợt IPO cuối năm 2014 này, Chính phủ yêu cầu sau IPO phải tiếp tục thoái vốn nhà nước xuống còn 50%, và cũng có những tổng công ty nhà nước sẽ không giữ số cổ phần nào, như tổng công ty xây dựng, tổng công ty dầu, tổng công ty cơ khí thủy lợi...
Tuy vậy, câu chuyện IPO DNNN cũng gây không ít băn khoăn với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Alan Phan, giám đốc điều hành Alan Phan Associates (APA), nhà đầu tư nước ngoài chỉ quan tâm đến thanh khoản của DNNN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận