08/07/2017 12:50 GMT+7

Nóng chuyện bản quyền game show

SONG ANH
SONG ANH

TTO - Nhiều chương trình truyền hình, game show… sử dụng những tác phẩm sân khấu để kiếm tiền mà tác giả kịch bản thì thiệt thòi vì chẳng ai nhớ đến. Tình trạng này đang “lây lan” phổ biến, tạo ra nỗi bức xúc của giới tác giả.

Tiểu phẩm Nợ sữa (trái) trong chương trình Kịch cùng bolero và tiết mục Mình ơi - Lý son sắt của Gia Bảo trên THVL tối 6-7 Ảnh chụp màn hình
Tiểu phẩm Nợ sữa (trái) trong chương trình Kịch cùng bolero và tiết mục Mình ơi - Lý son sắt của Gia Bảo trên THVL tối 6-7 Ảnh chụp màn hình

Gần đây, game show và chương trình truyền hình nở rộ, kèm theo nhu cầu làm các tiểu phẩm ngắn sử dụng trong các game show cũng bùng nổ theo.

Một “kho tàng” dồi dào được tận dụng chính là nguồn các kịch bản sân khấu - cả cải lương và kịch nói - ở nhiều mức độ: trích đoạn, biến đoạn, cải biên, cách tân, thậm chí làm lố hay méo mó, dị dạng cả tác phẩm!

“Xin phép cũng không, đừng nói tới trả tác quyền”

Gần đây, tác giả Xuyên Lâm lên tiếng trên trang Facebook về kịch bản Nợ sữa do anh chuyển thể từ truyện ngắn Hiu hiu gió bấc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được đạo diễn trẻ Vũ Trần sử dụng trong Kịch cùng bolero (Đài truyền hình Vĩnh Long) nhưng không thấy xin phép.

Tác giả Hoàng Song Việt - một soạn giả cải lương nổi danh với nhiều tác phẩm được yêu thích - cũng lên tiếng về việc các tác phẩm của ông bị nhiều chương trình sử dụng mà không trả tác quyền, thậm chí chẳng nói qua tác giả tiếng nào... Nhiều tác giả khác cũng dễ dàng lâm vào tình trạng bị “chiếm đoạt” chất xám.

Liên lạc với đạo diễn trẻ Vũ Trần, anh cho hay: “Kịch bản thi trong Kịch cùng bolero tôi đã xin phép và nhận được sự đồng ý của tác giả văn học Nguyễn Ngọc Tư. Chỉ có cái tên Nợ sữa là tôi “mượn” của tác giả Xuyên Lâm vì tôi thích cái tên nhiều ý nghĩa đó”.

Nhưng tác giả Xuyên Lâm nghĩ khác: “Khi chuyển thể truyện Hiu hiu gió bấc, tôi chọn tên kịch Nợ sữa vì đây là cái tứ rất lạ, mở ra những chi tiết cảm động, nhân nghĩa của câu chuyện. Không thể nói họ chuyển thể rồi chỉ “mượn” tôi ở cái tên kịch bản, bởi không thể có chuyện hai tác phẩm chuyển thể nhưng lại... trùng tên! Lẽ ra họ phải xin phép tôi trước”.

Tác giả Hoàng Song Việt cũng nêu ý kiến: “Thật tình, có bao nhiêu tác phẩm của tôi được sử dụng và có bao nhiêu tác phẩm của tôi “được” chế tác thành phiên bản khác mà “quên” đề tên tôi, tôi không thể biết được! Chỉ khi nào truyền hình phát sóng, ai đó nói lại tôi mới biết.

Dĩ nhiên tôi không được trả một đồng tác quyền nào. Như chương trình Ngôi sao phương Nam và Đường đến danh ca vọng cổ sử dụng tác phẩm của tôi, nhưng chưa thấy có ai trong ban tổ chức liên lạc xin phép chứ đừng nói tới việc trả tác quyền”.

Chỉ trông cậy vào lòng tự trọng?

Còn nhiều tác giả khác, nhất là tác giả lớn tuổi, không có điều kiện xem thường xuyên những chương trình truyền hình, hay các tác giả đã mất thì thiệt thòi không biết bao nhiêu mà kể, “bó tay” trước việc những kịch bản của mình được các nghệ sĩ lấy làm trích đoạn và biểu diễn, hoặc biến tấu, hoặc cắt xén đi thi...

Soạn giả - NSND Huỳnh Nga ngậm ngùi tâm sự: “Người ta thấy lương tâm cắn rứt thì nhớ đến những người trong bóng tối sau màn nhung là tác giả chúng tôi, chứ tôi tuổi cao, sức khỏe yếu làm sao quản cho hết việc đó! Chỉ trông vào lòng tự trọng của nghệ sĩ và đơn vị tổ chức”.

Trao đổi với ông Vũ Thành Vinh - giám đốc Công ty Truyền thông Khang của chương trình Kịch cùng bolero, ông cho hay: “Chúng tôi luôn tôn trọng tối đa tác quyền tác phẩm. Việc sơ sót trong vấn đề tác quyền là lỗi của chúng tôi không làm việc kỹ với các nghệ sĩ và các bộ phận, chúng tôi sẽ liên lạc với các tác giả để xin lỗi và làm rõ vấn đề này.

Tuy là việc ngoài ý muốn nhưng chúng tôi vẫn rất mong mỏi các tác giả và khán giả hãy nghiêm khắc và nhanh chóng phản hồi để chúng tôi có cơ hội sửa chữa mình”.

Còn khá nhiều chương trình truyền hình, nhiều game show, nhiều nghệ sĩ... vẫn sử dụng những tác phẩm sân khấu để kiếm tiền, họ vịn vào cái lý: “Đã sáng tạo và biến thể khác rất nhiều thì không còn liên quan kịch bản gốc, nên việc trả tác quyền hay xin phép là không cần thiết.

Thậm chí tác giả còn nên cảm ơn vì chúng tôi đã “làm mới” và giới thiệu lại tác phẩm đó trong “màu áo” khác!”.

Vậy phải làm sao để tác quyền được tôn trọng đúng mực khi đó là chất xám, là tâm huyết của tác giả chắt chiu gửi vào tác phẩm?

Xin mượn trăn trở của soạn giả Hoàng Song Việt làm lời kết: “Không kể đến chuyện trả tác quyền cho tác giả, chuyện xin phép tác giả để sử dụng tác phẩm đối với các thí sinh và nhà sản xuất các game show lại khó như vậy sao?

Không lẽ các tác giả vắt óc nặn tim viết ra tác phẩm rồi phải đi canh giờ phát sóng của các game show để đòi tiền tác quyền hay sao?”.

Lập lờ giữa “cảm tác” và “chuyển thể”

Mới đây, kịch bản Cõng mẹ đi chơi của đạo diễn - tác giả Quốc Bảo “được” một sinh viên Trường ĐH SK-ĐA TP.HCM lấy làm vở tốt nghiệp mà Quốc Bảo chỉ được biết tin qua... Facebook.

Một lý do khác để các nghệ sĩ trẻ cố tình “quên” tác giả được Quốc Bảo đề cập: “Tôi thấy đang có sự lập lờ giữa chữ “cảm tác” và “chuyển thể” từ một tác phẩm văn học.

Theo tôi, cảm tác là chỉ lấy một ý, một tứ, hoặc một nhân vật... từ tác phẩm gốc để phát triển thành kịch bản của mình. Mức độ giống của một tác phẩm cảm tác chỉ ở mức là 10% so với tác phẩm gốc. Còn nếu lấy nguyên nhân vật, kịch tính, nội dung... thì đã trở thành tác phẩm chuyển thể.

Nhưng tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay cố tình dùng từ “cảm tác” để lờ đi tác giả chuyển thể gốc, như vậy là thiệt thòi cho tác giả chuyển thể gốc!”. Q.Thi

Vai diễn của NSƯT Thành Lộc cũng bị “lấy cắp”

Tối 6-7, khi đang diễn vở Tía ơi má dìa ở sân khấu Idecaf, NSƯT Thành Lộc được báo đoạn độc thoại của ông Tư Chơn trong vở của anh đã bị Gia Bảo lấy thi trong game show Sao nối ngôi (phát sóng tối cùng ngày trên kênh THVL).

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf bức xúc: “Trước đây Gia Bảo có hỏi xin trích đoạn vở Bí mật vườn Lệ Chi, Dạ cổ hoài lang để dự thi ở đâu đó nhưng tôi nói không được vì đây là những vở sân khấu đang diễn nên không thể lấy đi thi. Giờ nghe Gia Bảo lấy vở Tía ơi má dìa khiến chúng tôi... hết hồn, không được báo tiếng nào”.

Liên hệ qua điện thoại thì Gia Bảo không bắt máy. Khi liên hệ với ông Nguyễn Thanh Phú - giám đốc Công ty Jet Studio, đơn vị sản xuất chương trình Sao nối ngôi, ông giải thích: “Gia Bảo nói đã xin phép và hẹn vài ngày nữa sẽ cung cấp văn bản đó. Theo nguyên tắc nếu phát sóng mà không xin phép là không được!”.

Chưa rõ Gia Bảo xin phép ai vì ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, NSƯT Thành Lộc, đạo diễn Vũ Minh, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc đều không biết chuyện này.

Trong khi đó, chiều 7-7, sau những ồn ào của dư luận, trên trang Facebook Sao nối ngôi, tiết mục biểu diễn của Gia Bảo đã cập nhật thông tin: “Tiết mục cảm tác từ vở kịch “Tía ơi má dìa”, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Vũ Minh - sân khấu kịch Idecaf”!

Ông Lê Quang Nguyên - giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long - cho hay khi ký hợp đồng với các đối tác sản xuất, đài có điều khoản là bên sản xuất phải chịu trách nhiệm về bản quyền. Nhưng lẽ nào vấn đề bản quyền trong các game show nhà đài và nhà sản xuất cứ đẩy cho các thí sinh?

Q.THI

SONG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên