Phóng to |
Thí sinh dự thi vào ĐH Cần Thơ năm 2007 phải làm bài ngoài hành lang. Năm nay, tình trạng này lại diễn ra? - Ảnh: M.G |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Sau khi buổi bàn giao hồ sơ dự thi ĐH - CĐ 2008 tại phía Nam diễn ra mới đây, lãnh đạo nhiều trường ĐH-CĐ đã phải "hội ý nhanh" ngay trong ngày bởi những biến động lớn về lượng TS dự thi, kéo theo sự thay đổi hàng loạt kế hoạch về tổ chức, đặc biệt là về việc tổ chức phòng thi cho TS.
Thuê phòng thi: tăng 50.000-100.000 đồng/phòng
Khu vực nội thành TP.HCM đã có sự thay đổi khi các trường thuộc khu vực quận 1, 3, 4, 5... cũng bất ngờ nhận được số lượng hồ sơ dự thi cao hơn hẳn năm trước như ĐH Mở TP.HCM có 44.500 hồ sơ trong khi năm 2007 chỉ có 28.000, năm 2006 là 11.000. Trường ĐH bán công Marketing nhận 16.000 hồ sơ, tăng 6.000 hồ sơ so với năm ngoái, ĐH Ngân hàng TP.HCM tăng hơn 8.000 hồ sơ lên 21.928 hồ sơ, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) thu được 17.384 (năm 2007 là 10.931) báo hiệu việc thuê phòng thi cho thí sinh tại khu vực này sẽ rất căng thẳng, dù thí sinh dự thi vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng ở trong khu vực này năm nay có giảm mạnh từ 54.000 hồ sơ năm trước xuống còn khoảng 30.000 hồ sơ trong năm nay. |
Bất ngờ với lượng TS đăng ký dự thi năm nay vào trường mình tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái (29.000 TS so với năm 2007 là 12.931), một cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cho biết nhà trường phải ráo riết tìm thêm phòng thi cho TS.
Nếu tính trung bình 30 TS/phòng thi, số lượng phòng thi năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái trên 500 phòng. Tương tự ĐH Nông lâm TP.HCM cũng có mức TS đăng ký dự thi cao với hơn 72.000 hồ sơ (năm 2007 là 56.230 hồ sơ); ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận hơn 18.000 hồ sơ, tăng 3.500 hồ sơ; khoa kinh tế của ĐHQG TP.HCM có mức số lượng TS dự thi tăng 2,8 lần với 22.000 hồ sơ (năm 2007 là 7.853).
Như vậy có thể nhận thấy khu vực quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 (TP.HCM), địa điểm thi truyền thống của các trường kể trên, lượng TS đăng ký dự thi năm nay đã tăng trên 33.000 TS (khoảng 1.100 phòng thi). Trong khi đó, ngay khi buổi bàn giao hồ sơ dự thi chưa diễn ra, nghĩa là khi chưa biết chính xác số lượng TS dự thi vào trường mình, phía Trường ĐH Nông lâm đã cho biết tại hầu hết các điểm thi năm ngoái của trường giá đã tăng thêm từ 50.000-100.000 đồng/phòng thi thành 150.000-250.000 đồng/phòng thi.
Về giá thuê phòng thi, dù đang trong thời điểm "thỏa thuận", bộ phận làm công tác này của ĐH Khoa học tự nhiên cho biết chắc chắn giá thuê phòng thi đã được các đơn vị cho thuê thông báo là sẽ tăng. Lý do từ các đơn vị có mặt bằng cho thuê đưa ra cũng không nằm ngoài lý do chung của toàn xã hội hiện nay khi tất cả đều tăng giá.
Mặc dù cho biết có thể giá thuê phòng thi ở khu vực Cần Thơ chưa tăng giá, nhưng để đáp ứng phòng thi đi kèm chỗ trọ tốt cho TS, tiến sĩ Đỗ Văn Xê - hiệu phó nhà trường - cho biết hiện trường đang tính đến hai khả năng tổ chức thêm các điểm thi tại huyện Ô Môn hoặc dời hẳn một số hội đồng thi sang tỉnh Vĩnh Long. Năm nay Trường ĐH Cần Thơ đã nhận được số hồ sơ đăng ký dự thi đạt mức kỷ lục của trường với 95.400 hồ sơ, tăng 30.000 hồ sơ so với năm 2007.
Rủ nhau "làm giá”?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các cơ sở giáo dục có thể sử dụng cho việc thi tuyển vẫn còn nhiều nhưng theo thông lệ nhiều năm nay, các trường ĐH - CĐ chỉ muốn thuê được càng nhiều phòng thi nằm càng gần trường chính càng tốt để dễ dàng hơn trong việc tổ chức, điều hành và bảo vệ kỳ thi tuyển vào trường mình.
Chính vì thế, từ nhiều năm trước không ít trường đã thuê luôn cả các trường tiểu học, vốn có kích thước bàn ghế quá nhỏ so với TS để làm địa điểm thi. Thậm chí những năm trước từng có trường còn trưng dụng cả nhà thi đấu thể dục thể thao cho TS dự thi, tổ chức cho TS thi ngay ngoài hành lang, hay cạnh những công trình đang xây dựng ngổn ngang gạch đá, ầm ào tiếng máy xây dựng. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH lớn tại TP.HCM thừa nhận thi tốt hay không phần lớn phụ thuộc vào năng lực, kiến thức của TS nhưng môi trường thi cử cũng có ảnh hưởng nhất định. Cùng một trình độ, TS dự thi trong những phòng thi khang trang, sạch sẽ chắc chắn sẽ có tâm lý dự thi tốt hơn hẳn TS dự thi trong những phòng thi tối, nóng bức và bàn ghế không đúng qui cách...
Nhưng từ thực tế nhiều năm qua, việc qui định giá phòng thi (thường là các cơ sở giáo dục) cho thuê là chuyện được quyết định bởi hiệu trưởng sau khi đã "tham khảo" từ các đơn vị khác. Nói cách khác đã từng có chuyện các đơn vị này ngầm "làm giá” với các trường ĐH - CĐ. Hơn nữa các địa điểm thi càng mới, khang trang và nằm gần trung tâm càng khó thuê. Đây thật sự là chuyện rất tế nhị và rất khó nói với các trường ĐH - CĐ khi trước đây đã từng có người đưa ra ý kiến: các cơ sở này được khang trang thế là cũng nhờ được Nhà nước đầu tư, những ngày thi cũng sử dụng điện nước hay những hao hụt phát sinh cuối cùng cũng là của công, sao lại rủ nhau "làm giá”?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận