![]() |
Nhà hàng Mo Pho trên phố Coulgate ở London - Ảnh: News Shopper |
Theo báo Guardian, nhà hàng nhỏ Mo Pho kinh doanh một cách lặng lẽ ở phố Coulgate, phía đông nam thủ đô London, trong vài năm qua. Tuần trước, bất ngờ Mo Pho thông báo trên trang mạng Twitter và Facebook cho các khách hàng rằng nhà hàng này có thể sớm phải đổi tên.
Nguyên do Công ty Pho Holdings Ltd, chủ chuỗi nhà hàng Pho Vietnamese Cafe, tuyên bố đã đăng ký bản quyền thương hiệu từ “phở” sáu năm trước đây và chỉ hãng này mới được quyền dùng từ “phở” làm thương hiệu kinh doanh. Pho Holdings Ltd đã mở tám cửa hàng Pho Vietnamese Cafe ở Anh và cửa hàng thứ chín sẽ sớm được khai trương tại thành phố Leeds. Trên Facebook, Mo Pho cho biết họ vô cùng ngạc nhiên khi từ “phở” bị đăng ký bản quyền thương hiệu bởi phở là món ăn dân tộc truyền thống của Việt Nam.
“Nhưng chỉ là công ty gia đình nhỏ, chúng tôi đối mặt với những nguy cơ lớn nếu chấp nhận đối đầu với một công ty lớn như Pho Holdings Ltd. Do đó, chúng tôi sẽ tháo tấm biển tên cửa hàng xuống trước khi tìm được một thương hiệu mới” - Mo Pho cho biết.
Pho Holdings Ltd còn tuyên bố sẽ yêu cầu mọi nhà hàng dù nhỏ hay lớn tại Anh phải ngừng đưa từ “phở” vào thương hiệu của mình. Một số tờ báo địa phương như trang News Shopper và hàng loạt blog đã đăng tải thông tin về vụ tranh chấp hi hữu này. Lập tức một làn sóng phản đối Pho Holdings Ltd đã bùng nổ trên mạng Internet. Trên Twitter, một khách hàng của Mo Pho là Crofty phản ứng: “Làm sao họ (Pho Holdings Ltd) có thể đăng ký bản quyền thương hiệu từ phở? Hành vi đó chẳng khác nào đăng ký bản quyền từ xúp, bánh mì hoặc sandwich. Mo Pho phải thông báo vụ việc này cho báo chí”. Một người khác tên Tim bực bội: “Tôi đã tìm thấy trang Facebook và Twitter của Pho Holdings Ltd. Tôi sẽ viết cho họ, bày tỏ sự phản đối và sẽ nói với bạn bè tôi rằng hãy tránh xa các nhà hàng Pho Vietnamese Cafe”.
Một người có tên Boycott (tẩy chay) khẳng định anh và bạn bè sẽ không bao giờ ăn phở ở các cửa hàng Pho Vietnamese Cafe nữa. Blogger @wilkes888 cho rằng nếu Pho Holdings Ltd sáng tạo món phở thì họ có thể bảo vệ bản quyền. Đằng này phở là món ăn dân tộc của người Việt Nam. “Với lập luận của Pho Holdings Ltd, tôi hoàn toàn có thể mở một nhà hàng tên Burger và buộc các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh như Burger King hay Dirty Burger phải thay đổi thương hiệu” - blogger @wilkes888 khẳng định.
Nhiều người khác cho rằng đây đơn giản chỉ là hành vi “bắt nạt” của một công ty lớn đối với một đối thủ cạnh tranh nhỏ bé, yếu thế hơn. Một người Việt tên Hoa Ngo phẫn nộ: “Đây là một tin tồi tệ. Làm sao có thể đăng ký bản quyền từ phở. Tôi cảm thấy một phần di sản ẩm thực của đất nước Việt Nam đã bị thương mại hóa và bị đánh cắp”.
Trong nhóm nghiên cứu về VN (VSG), một luật sư về bản quyền bình luận không ai được phép đăng ký bản quyền thương hiệu những cái tên khái quát như máy vi tính, màn hình, hot dog (xúc xích), bánh hamburger, thịt nướng hay xúp... “Công ty đòi bản quyền thương hiệu từ phở có lẽ nên đóng cửa và luật sư của họ nên bị cấm hành nghề vì quá kém cỏi và thiếu hiểu biết” - luật sư này nhấn mạnh.
Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, Pho Holdings Ltd đã phải chùn bước. Mới đây, trên trang Twitter, hãng này thông báo hủy bỏ đơn kiện Mo Pho. Hai người sáng lập Pho Holdings Ltd là Stephen và Juliette Wall tuyên bố do bị một chuỗi nhà hàng lớn tại Mỹ đang muốn đầu tư vào Anh đe dọa nên họ phải đăng ký bản quyền thương hiệu từ “phở”.
“Chúng tôi sẽ luôn tìm cách bảo vệ doanh nghiệp mà chúng tôi đã nỗ lực xây dựng nên, nhưng chúng tôi hiểu rằng việc kiện các công ty độc lập của người Việt là hành vi không cần thiết... Do đó chúng tôi sẽ hủy bỏ vụ kiện này” - ông bà Wall cho biết. Giám đốc tiếp thị của Pho Holdings Ltd là Libby Andrews thừa nhận hãng này đã mắc sai lầm khi kiện Mo Pho. “Vấn đề là khi thương hiệu của bạn ngày càng lớn mạnh, bạn càng nhận được đủ mọi loại tư vấn từ khắp mọi nơi. Lời tư vấn chúng tôi nhận được về Mo Pho là quá mạnh tay, do đó sẽ không theo đuổi nó - bà Andrews nói - Chúng tôi chỉ muốn phòng vệ trước đối thủ đến từ Mỹ chứ không hề có ý nói rằng chúng tôi có quyền sở hữu món ăn dân tộc của Việt Nam”.
Trên thực tế, các vụ tranh chấp bản quyền kiểu này là không hiếm. Theo Guardian, ở Anh từ tháng 6 đến nay đã có ít nhất tám lá đơn khác nhau xin cấp bản quyền thương hiệu từ cronut, một loại bánh kết hợp giữa doughnut (bánh rán hình vòng) và bánh sừng bò, do cửa hàng bánh Ansel ở New York (Mỹ) tạo ra. Tập đoàn Soho House Group vừa đăng ký thành công bản quyền thương hiệu những từ “nhà hàng vịt”, “nhà hàng thịt”, “nhà hàng bít tết”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận