Phóng to |
Phút gặp gỡ cảm động giữa hai nạn nhân chất độc da cam Heather Morris Bowser (Mỹ) và Nguyễn Thị Ngọc Diễm tại Trường cao đẳng Nghề số 8, TP Biên Hòa, Đồng Nai - nơi chị Diễm đang theo học tại khoa công nghệ thông tin - Ảnh: Thanh Thúy |
Heather trò chuyện với Tuổi Trẻ.
* Chị thấy có điểm tương đồng gì giữa các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) VN và Mỹ?
"Tôi đã quyết định thăm VN vì ba lý do. Thứ nhất là sau khi xem bộ phim tài liệu của bà Masako Sakata nói về nạn nhân CĐDC của VN (http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/155069/Loi-cau-hon-tham-kin-cua-Masako.html). Lý do thứ hai là tôi muốn biết về cuộc sống của các nạn nhân dioxin VN. Thứ ba, tôi là đại diện cho các nạn nhân CĐDC thế hệ thứ hai ở Mỹ và tôi muốn chia sẻ cuộc đấu tranh của chúng tôi với CĐDC cùng những người đồng cảnh ngộ ở VN" |
- Có một số điểm giống nhau. Tôi nghe nhiều người kể chuyện về những căn bệnh ung thư bất thường, bệnh tim, tiểu đường, bệnh về tuyến giáp, hay cái chết được báo trước. Đây là những vấn đề rất phổ biến với các cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm CĐDC.
Những câu chuyện VN khiến tôi cảm động bởi vì tôi mất cha do ông bị phơi nhiễm. Chuyện của phụ nữ thì giống chuyện của mẹ tôi. Bà bị sẩy thai ba lần, sinh được hai người con thì một người bị khuyết tật bẩm sinh.
Khác biệt lớn nhất là sự chăm sóc và chấp nhận ảnh hưởng mang tính dây chuyền thế hệ của CĐDC. Ở Mỹ, con cái của người bị phơi nhiễm không được Chính phủ Mỹ công nhận và đền bù, ngoại trừ một nhóm nhỏ là con của các cựu binh nữ.
Chính phủ Mỹ cho rằng không có liên hệ giữa phơi nhiễm CĐDC và khuyết tật ở con cái của cựu binh nam. Khi tôi đi thăm các bệnh viện và thấy những đứa trẻ bị bệnh giống mình, tôi thấy buồn lòng vì con cái của cựu binh nam ở Mỹ vẫn chưa tìm được công lý.
Một khác biệt nữa là ở VN có các hoạt động của những tổ chức giúp đỡ nạn nhân CĐDC, nhất là giúp đỡ thế hệ thứ hai và thứ ba như Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin VN (VAVA). Nước Mỹ còn một chặng đường dài trước mắt về vấn đề này và bây giờ chúng tôi mới bắt đầu tổ chức hội của các nạn nhân, có tiếng nói tập thể. Còn trong một thời gian dài, người ta nói chúng tôi không phải là nạn nhân của CĐDC.
* Là con của một cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm và bản thân chị cũng bị ảnh hưởng, điều đó tác động thế nào đến cuộc sống của chị và gia đình?
- CĐDC đã tước đi cuộc sống bình thường của tôi và gia đình. Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi lo lắng liệu tôi có cơ hội sống bình thường hay không. Họ hỏi tại sao điều này xảy ra với con mình. Họ phải chịu đựng những người không quen biết nhìn chằm chằm và hỏi là họ đã làm gì với đứa con ấy. Họ đau đớn vì đã mất ba đứa con và lo lắng mỗi khi quyết định sinh thêm đứa nữa.
Cha tôi phải quyết định quay lại xưởng thép để kiếm tiền nuôi gia đình bất chấp sức khỏe. Họ đã vật lộn và chịu đựng mỗi khi không được trợ giúp. Mẹ tôi chua xót nhìn cảnh cha tôi từ một người kiêu hãnh vì đã phục vụ đất nước trở thành vỏ bọc của chính mình. Cuối cùng ông ấy qua đời và mẹ tôi thành góa phụ.
Thời gian ở trường học là một cực hình vì tôi khác biệt. Chúng tôi phải sống nghèo khó vì cha tôi bị bệnh. Tôi đã trải qua không biết bao nhiêu giai đoạn trầm cảm. Tôi tự hỏi không biết có nên sinh con không vì không muốn chúng sẽ chịu đựng số phận như mình. Mỗi sáng khi lắp chân giả vào, tôi lại nghĩ tới cuộc chiến tranh và CĐDC.
Phóng to |
Chị Heather và một bạn trẻ VN cũng là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai - Ảnh: Thanh Thúy |
* Ở Mỹ đã có những biện pháp nào được thực hiện để hỗ trợ nạn nhân CĐDC? Chị thấy như vậy đã đủ chưa?
- Khi nhìn lại, tôi nhận ra là vào năm 1985, cha tôi mới 38 tuổi, ông phải đối mặt với thần chết vì một cơn đau tim khủng khiếp. Tôi quá buồn vì khi đó Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã quay lưng lại với ông. Các bác sĩ kết luận ông cần phẫu thuật. Cha tôi là một công nhân luyện thép. Ông phải làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, nguy hiểm, căng thẳng.
Sau khi được phẫu thuật, cha tôi không nhận được bồi thường từ Bộ Cựu chiến binh. Không còn lựa chọn nào khác, ông phải quay lại với công việc ở xưởng thép. Sau đó 12 năm, lúc 50 tuổi, ông qua đời vì một cơn đau tim khác. Ông đã không bao giờ được gặp các cháu và được thấy con trai duy nhất của mình cưới vợ.
Năm 1991, Chính phủ Mỹ bổ sung 14 bệnh của các cựu binh Mỹ mà họ thừa nhận là do bị phơi nhiễm chất da cam gây ra.
Mãi sau khi cha tôi mất, vào năm 1998, mẹ tôi mới được một chút bồi thường vì vào những năm cuối đời cha tôi bị thêm bệnh tiểu đường - bệnh có trong danh sách liên quan đến dioxin. Năm nay, Bộ Cựu chiến binh bổ sung tiếp ba bệnh vào danh sách, trong đó có loại bệnh tim mà cha tôi đã kê trong đơn xin bồi thường năm 1985. Đã quá muộn.
Mãi tới gần đây Chính phủ Mỹ chỉ mới công nhận (vấn đề) của con cái các nữ cựu binh. Những khuyết tật bẩm sinh của tôi không được công nhận vì chính phủ không chấp nhận là có sự liên hệ giữa khuyết tật bẩm sinh và lính Mỹ nam bị phơi nhiễm. Con cái của các cựu binh Mỹ không được hỗ trợ, chăm sóc hay thông cảm từ cộng đồng như ở VN.
Chúng tôi cũng bị cô lập vì diện tích rộng lớn của đất nước và cơ sở hạ tầng cho các tổ chức giúp đỡ thế hệ con cái bị ảnh hưởng từ CĐDC còn hạn chế. Người ta nói rằng các vấn đề của chúng tôi chỉ là một dị tật. Không may, rất nhiều người, kể cả các nạn nhân, tin vào điều đó.
* Trước khi sang VN, chị có chờ đợi điều gì không? Chị nghĩ giải pháp nào là tối ưu cho vấn đề CĐDC ở VN?
- Tôi hơi ngần ngại vì không biết mình, con gái của một người Mỹ từng tham chiến tại VN, sẽ được đón tiếp ra sao. Thế nhưng khi tôi đến VN, mọi người đều rất nồng ấm. Nhiều người chia buồn về việc cha tôi đã sớm qua đời cũng như những dị tật bẩm sinh của tôi do chất da cam gây ra. Tôi cảm thấy mình được chấp nhận và cảm thấy có mối dây liên kết với những người tôi đã gặp.
Việc sử dụng các chất diệt cỏ sẽ vẫn là một vấn đề với nhiều thế hệ bởi ảnh hưởng hủy diệt của CĐDC là rõ ràng. Sự phủ nhận về tác động của nó chỉ làm kéo dài nỗi đau mà người dân phải chịu ở cả hai nước.
Theo tôi, cách tốt nhất là cố gắng tiếp tục hỗ trợ những người yếu thế, tăng cường tiếng nói của cộng đồng để bảo vệ các nạn nhân, đồng thời tập trung vào tẩy độc những điểm nóng dioxin còn rải rác ở VN. Cả VN và Mỹ cần tiếp tục trao đổi và tận dụng các hệ thống pháp lý sẵn có để làm điều đó.
Tìm tiếng nói chung Heather Morris Bowser sinh năm 1972, con của ông William và bà Sharon Morris. Heather bị sinh non ba tháng và có nhiều khuyết tật bẩm sinh. Khi chào đời, chị chỉ nặng gần 1,5kg, bị thiếu một chân phải, ngón cái ở bàn chân trái và một số ngón tay. Chị biết đi nhờ một chân giả và chịu nhiều nhọc nhằn, trêu chọc ở trường học. Cha chị, một thợ luyện thép, bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh, nghiện rượu và trầm cảm. Ông bắt đầu bệnh vào năm 38 tuổi do ảnh hưởng của chất da cam. Những khó khăn về tài chính cùng các câu hỏi xung quanh dị tật bẩm sinh của Heather và ba lần sẩy thai của bà mẹ khiến gia đình chịu rất nhiều áp lực. Khi ông William bị ốm và bà Sharon bắt đầu nghi ngờ lý do là CĐDC, họ đã tham gia phong trào nhận thức về CĐDC ở đông bắc bang Ohio. Từ đầu những năm 1980 đến những năm 1990, Heather và cha mẹ xuất hiện trên một số tờ báo và kênh truyền hình. Họ cố gắng nâng cao nhận thức của công chúng và những cựu binh đang chịu ảnh hưởng của CĐDC. Cha của Heather qua đời bởi các biến chứng liên quan tới CĐDC vào ngày 11-3-1998. Khi đó ông mới 50 tuổi, để lại người vợ và hai con. Hiện nay, Heather đang nối tiếp công việc mà cha và mẹ mình đã khởi động. Heather có bằng thạc sĩ về giáo dục. Chị làm nghề tự do và là một nghệ sĩ đã dùng nhiều cách khác nhau để thể hiện cảm xúc về CĐDC thông qua các tác phẩm của mình. Mong muốn của Heather là những người bị ảnh hưởng bởi CĐDC trên toàn thế giới sẽ được công nhận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận