10/08/2006 06:02 GMT+7

Lời cầu hồn thầm kín của Masako

LAN ANH - HƯƠNG GIANG
LAN ANH - HƯƠNG GIANG

TT - Masako hi vọng câu chuyện của bà, một phụ nữ Nhật đau khổ, có chồng đã qua đời, sẽ góp thêm tiếng nói ủng hộ các nạn nhân VN, đặc biệt trong vụ kiện phía trước mà bà cũng biết là sẽ rất khó khăn.

ApQ6tKT5.jpgPhóng to

Từ trái sang: Bill Megalos, Masako Sakata và Tadashi Namba

TT - Masako hi vọng câu chuyện của bà, một phụ nữ Nhật đau khổ, có chồng đã qua đời, sẽ góp thêm tiếng nói ủng hộ các nạn nhân VN, đặc biệt trong vụ kiện phía trước mà bà cũng biết là sẽ rất khó khăn.

“Cách đây ba năm, sau hơn 30 năm chung sống, chồng tôi đã mất vì chứng bệnh quái ác ung thư gan. Chồng tôi nói ông ấy từng sống trong vùng bị rải chất diệt cỏ ở tỉnh Đồng Tháp, VN. Để đương đầu với nỗi buồn và sự cô đơn, tôi bắt đầu chuyến hành trình của riêng mình để tìm hiểu về chất độc da cam. Tôi biết tôi cần quay lại VN...”- Masako Sakata, tác giả bộ phim Agent orange - A personal requiem (Chất độc da cam: Lời cầu hồn thầm kín) đã tự bạch như thế.

Sức mạnh tình yêu

Đầu những năm 1970, cô gái người Nhật Masako Sakata gặp và yêu chàng trai người Mỹ Greg David. Greg vừa rời quân ngũ sau ba năm tham chiến trong quân đội Mỹ tại Đồng Tháp, VN. Sau đám cưới tại Nhật, vợ chồng Greg chỉ sống ở hai địa điểm: Tokyo và Kyodo (Nhật). Lý do là Greg không muốn quay về Mỹ, nơi gợi lại một quá khứ đau buồn mà ông luôn muốn quên đi.

Độc giả hãy thử tưởng tượng sự dũng cảm của cô gái trẻ Masako lúc đó. Chưa kết hôn, Greg đã buồn bã nói với cô rằng: “Anh không thể có con. Anh đã từng sống trong vùng bị rải chất diệt cỏ”. “Đó là điều buồn Greg từng nói với tôi. Còn lại, anh ấy chỉ nói về những điều tươi đẹp ở VN, về con người, thiên nhiên...”- Masako kể. Nhưng vì tình yêu cô vẫn chấp nhận.

Cuộc sống êm ả trôi. Ở Nhật, Greg trở thành nhiếp ảnh gia, phối hợp rất ăn ý với hãng cung cấp ảnh cho các cơ quan truyền thông, báo chí do Masako khởi xướng và làm chủ. Năm 2003, Greg đến bệnh viện kiểm tra vì cho rằng mình có chút vấn đề ở dạ dày. “Sau đó, bất cứ xét nghiệm nào cũng cho kết quả xấu: anh ấy bị ung thư gan”- Masako nói. Và chỉ hai tuần sau khi phát bệnh, Greg mãi mãi ra đi ở tuổi 54.

Còn lại một mình, Masako trăn trở mãi về quãng thời gian Greg ở Đồng Tháp, về chất diệt cỏ... Bà bắt đầu tìm kiếm thông tin. Một ý nghĩ nhen nhóm trong bà: lý do Greg mắc chứng ung thư gan là do bị phơi nhiễm chất độc da cam. Năm 2004, lần đầu tiên bà đến VN cùng người bạn là phóng viên ảnh nổi tiếng người Mỹ, người từng chụp rất nhiều nạn nhân chất độc da cam và đã đến VN nhiều lần trong hơn 30 năm qua - ông Philip Jones Griffiths.

Chuyến đi mang lại cho bà thật nhiều cảm xúc: “Tôi đã gặp khoảng 20 gia đình nạn nhân và gần 100 trẻ em là nạn nhân khác. Khi gặp họ, tôi luôn hỏi một câu giống nhau: Anh/chị/cháu có tức giận người Mỹ không? Và câu trả lời nhận được là “Không”. Mọi gia đình đều chấp nhận thực tế và tìm cách đương đầu với cuộc sống hôm nay. Cho dù khó khăn, nghèo khổ, tôi luôn thấy tình yêu, sự quan tâm và những tình cảm nồng ấm”- Masako xúc động nói.

Lời cầu hồn thầm kín

Trở về Nhật, Masako kể câu chuyện của mình cho người bạn, ông Bill Megalos, một giáo viên dạy làm phim ở Mỹ. Bà cho Bill xem những tấm ảnh Greg đã chụp. Như một sự đồng cảm, Bill chăm chú lắng nghe và quyết định giúp Masako làm... một bộ phim.

Từ Nhật, Masako trở lại VN nhiều lần để tìm gặp các nạn nhân. “Trước hết chúng tôi tới Hà Nội, các tỉnh gần sông Lô, sau đó là Đông Hà, Bến Tre, TP.HCM và nhiều nơi khác”- Masako nhớ lại. Bà đã gặp rất nhiều nạn nhân và mỗi người lại có một nỗi đau riêng, nhưng điều làm bà xúc động nhất là họ luôn muốn giúp đỡ nhau để vươn lên.

Với sự giúp đỡ của Bill và Namba (một nhà soạn nhạc), sau ba năm, tháng 5-2006, bộ phim hoàn thành với thời lượng 70 phút. Bà đặt cho nó tựa đề: Chất độc da cam: Lời cầu hồn thầm kín (dạng DVD, đồng sản xuất Bill Megalos; âm nhạc Tadashi Namba; bài hát trong phim: Joan Baez, Peter, Paul và Mary). Bà nói: “Việc thực hiện bộ phim đã giúp tôi nguôi ngoai rất nhiều. Những nạn nhân tôi từng gặp gỡ đã giúp tôi hiểu rằng nỗi đau của riêng tôi chưa là gì so với nỗi khổ đau mà họ phải chịu đựng qua nhiều thế hệ...”.

Ngay sau khi bộ phim hoàn thành, Masako đã liên lạc và gửi bộ phim về VN cho GS Nguyễn Trọng Nhân, phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam VN. Bà và các đồng tác giả, ông Bill, Namba... muốn bộ phim được chiếu trước hết cho người VN, cho những ân nhân mà bà đã từng gặp, trên một đài truyền hình phi lợi nhuận, và GS Nhân đã gửi nó đến ngay Đài truyền hình VN.

LAN ANH - HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên