03/09/2016 09:40 GMT+7

Nỗi lòng “hot teen” trường học

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Hiện có nhiều cuộc thi học sinh thanh lịch ở trường học. Tuy nhiên, không ít bạn mất ngủ vì những áp lực sau khi đoạt giải.

Nữ sinh Võ Ê Vo chia sẻ cùng những áp lực mà bạn gặp phải sau khi nổi tiếng - Ảnh: N.HIỂN
Nữ sinh Võ Ê Vo chia sẻ cùng những áp lực mà bạn gặp phải sau khi nổi tiếng - Ảnh: N.HIỂN

“Hai đêm liên tiếp khi trở thành hoa khôi, tôi cứ khóc một mình vì những áp lực đè nặng lên mình” - nữ sinh Hoàng Thị Hảo (hoa khôi ĐH Tài chính - marketing TP.HCM) trải lòng.

Bị “soi” tứ phía

Bạn Khánh Ly (top 5 Duyên dáng ngoại thương 2014 - ĐH Ngoại thương cơ sở 2) cho biết thời điểm tham gia cuộc thi trên, bạn được nhiều người tin tưởng bình chọn nên có số phiếu bình chọn trực tuyến cao nhất.

“Nhưng chưa kịp vui thì tôi biết có nhiều tiếng xì xầm sau lưng, cho rằng có khuất tất về điều này. Chuyện cũng dễ hiểu vì thí sinh nào cũng sẽ có những người yêu quý họ, chỉ muốn họ chiến thắng” - Khánh Ly nhớ lại.

Tương tự, bạn Trần Thị Thu Phương (top 15 Duyên dáng ngoại thương 2016 - ĐH Ngoại thương cơ sở 2) cho biết bản thân cũng từng bị người khác nói xấu, đồn đại. Và bạn chọn cách giải quyết là “phớt lờ, không để bản thân bị phân tâm và ai chơi với tôi thì sẽ thay đổi suy nghĩ, hiểu rõ tôi hơn”.

Không mạnh mẽ như Phương, bạn Hảo thừa nhận bản thân đã khóc rất nhiều vì chưa sẵn sàng tâm lý cho việc trở thành đại diện sắc đẹp cho cả một ngôi trường.

“Dĩ nhiên, danh hiệu trên đem lại nhiều điều tích cực như được nhiều người biết đến hơn, được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa... nhưng đồng thời tôi cũng bị “soi” nhiều hơn, chẳng hạn như có người nói lúc đăng quang sao mặt tôi “đơ” ra” - Hảo kể.

Sau cuộc thi, để giữ hình ảnh Hảo phải trau chuốt hơn mọi lúc, mọi nơi. Hảo phải sắm thêm quần áo, giày dép, túi xách... khi tham gia các sự kiện. Ngay cả cách ăn nói dù trong cuộc sống thường nhật hay trên Facebook, Hảo cũng phải đắn đo “uốn lưỡi bảy lần” để thể hiện sự chỉn chu tối đa.

“Mỗi lần muốn đăng gì lên Facebook, tôi lại phải rất đắn đo có nên hay không và phần lớn là tôi quyết định không đăng gì lên Facebook như trước nữa” - Hảo kể.

Dù Hảo khẳng định bản thân không thay đổi cách ứng xử với bạn bè nhưng một số người bạn vẫn tạo ra khoảng cách, ít trò chuyện với Hảo hơn trước...

Bị dằn mặt, bị đại gia “tiếp cận”...

Nhắc về một trong những điều “khó quên” nhất khi nổi tiếng lúc ngồi trên ghế nhà trường, bạn N.H. (cựu học sinh trường M, Q.3) cho biết sau khi đoạt giải thưởng học sinh thanh lịch, N.H. được mời đi chụp ảnh cho các sản phẩm, tạp chí tuổi teen... và có dịp làm quen cùng nhiều nam sinh điển trai.

“Tôi có cảm tình với một bạn nam và bạn ấy cũng khẳng định chưa có bạn gái. Thế nhưng sau đó tôi lại nhận rất nhiều tin nhắn nặc danh hăm dọa đủ điều, họ còn bôi xấu tôi trên mạng xã hội, rêu rao tôi là “hot girl giật bồ”... và dĩ nhiên những tin đồn thường lan truyền rất nhanh, nhất là với người có tiếng.

Đỉnh điểm là tôi đã bị nhóm bốn người đạp té xe trong một buổi đi học thêm về” - N.H. kể.

Phần vì luôn sống trong phập phồng lo sợ, phần phải chăm sóc bề ngoài nhiều hơn... N.H. học sút hẳn khi bước vào lớp 12.

Thu Phương cho rằng theo bạn quan sát thì một số cuộc thi không có thông điệp rõ ràng và chỉ ưu tiên trao giải những ai có ngoại hình, từ đó dẫn đến việc hiện nhiều bạn (kể cả cấp II) cho rằng có ngoại hình đẹp đồng nghĩa “cao giá” hơn người khác, từ đó chỉ tập trung chăm sóc ngoại hình hơn là trau dồi tri thức.

Bạn Hảo cho biết sau khi bạn đăng quang, một số doanh nhân cũng tìm cách tiếp cận, hứa hẹn cơ hội công việc... buộc Hảo phải cẩn trọng hơn trong giao tiếp với những người lạ.

“Họ chủ động làm quen, hứa hẹn này nọ... tôi nghĩ cũng cần thiết nên đề phòng và khéo léo từ chối. Với lại, ưu tiên lớn nhất của tôi vẫn là việc học và giữ hình ảnh hoa khôi của trường” - Hảo nói.

Một số bạn trẻ khác cũng cho biết từng gặp chuyện này.

Trong khi đó, nữ sinh Võ Ê Vo (Học viện Âm nhạc Huế) sau khi đoạt giải nhất cuộc thi cặp đôi màn ảnh với ca sĩ Sơn Tùng - MTP, Vo trở nên nổi tiếng hơn nhưng cũng gặp không ít phiền toái từ cộng đồng mạng.

Nữ sinh này nhận được hàng trăm lời mời kết bạn, tin nhắn làm quen, trò chuyện... Một bộ phận vào Facebook của Vo bình luận, nói những điều không đúng về Vo khiến nữ sinh này lắm lần phiền muộn.

“Số lượng tin nhắn quá nhiều nên tôi không thể trả lời, kết bạn hết được nên nhiều người quay sang nói xấu, bảo tôi không thân thiện và nhắn nhiều tin nhắn làm phiền” - Vo chia sẻ.

Những áp lực từ cộng đồng mạng quá lớn khiến nhiều khi Vo buồn tủi, chỉ biết ngồi một mình trong phòng mà khóc.

Cần cẩn trọng

Vậy cần thiết chuẩn bị những gì để tránh những trường hợp đáng tiếc trên?

“Việc tổ chức các cuộc thi thanh lịch dành cho giới trẻ có những giá trị tích cực nhất định. Tuy nhiên ban tổ chức cần lưu ý những điều sau: Nên định hướng từ đầu rằng đây là sân chơi, hoạt động mang tính bổ trợ cho hoạt động học tập, hoàn thiện bản thân của các bạn trẻ và ngoại hình không phải là yếu tố chính để được vinh danh.

Bên cạnh đó, chương trình cũng cần trang bị cho các thí sinh những kỹ năng cần thiết để ứng xử với dư luận và những vấn đề có thể phát sinh” - TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) nêu quan điểm.

Với các bạn trẻ, TS Quân đưa lời khuyên: “Ngay từ khi quyết định tham gia những cuộc thi trên, các bạn trẻ cần xác định đây là một sân chơi để thử thách, rèn luyện năng lực và bản lĩnh là chính. Kỹ năng tự đánh giá bản thân trong trường hợp này rất quan trọng, sẽ giúp các bạn trẻ hiểu rõ giá trị của mình để không bị ảo tưởng hay phủ nhận chính mình.

Nhất thiết luôn tìm cho mình các nguồn lực hỗ trợ từ những người thân, bạn bè để có thể chia sẻ, đồng hành cùng các bạn vượt qua những khó khăn, áp lực phát sinh”.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên