19/08/2015 10:45 GMT+7

​Nỗi day dứt của tôi

NGUYỄN CHIÊU DƯƠNG (Trà Vinh)
NGUYỄN CHIÊU DƯƠNG (Trà Vinh)

TTO - Có thể vì tôi không nghĩ em sẽ ra đi sớm như vậy, cũng có thể vì công việc hằng ngày của tôi quá bận rộn… Nhưng dù với lý do gì, tôi vẫn mang nỗi hối tiếc đã muộn màng khi làm cầu nối giữa em với Tuổi Trẻ

Học bổng tiếp sức đến trường đã làm cầu nối hỗ trợ nhiều sinh viên tiếp bước trên con đường học tập - Ảnh: T.L
Học bổng tiếp sức đến trường đã làm cầu nối hỗ trợ nhiều sinh viên tiếp bước trên con đường học tập - Ảnh: T.L.

"Hai bàn tay gầy gò còn lấm lem bụi phấn của người cha, hai bàn tay run run như gõ nhịp cho câu trả lời: "Nguy lắm anh à! Hết tiết này, em phải đi ngay mới kịp. Vợ em mới gọi về". Và tôi đoán chừng nội dung cú điện thoại của người vợ: “Anh lên thành phố gấp! Con yếu lắm rồi”.         

Cú điện thoại này phát đi vào một ngày của năm học 2008-2009, và người con đó là N.H.N.H. đang học lớp 8 mà tôi là giáo viên phụ trách môn Toán.

Lần ấy, ai cũng nghĩ mình sẽ phải chia tay vĩnh viễn cô lớp phó học tập của lớp 8/3. Một cô bé thường im lặng, trầm tư trong tiết học, để rồi bất ngờ nêu lên những cách giải toán ngắn gọn, chính xác mà tôi phải giật mình. Đó là cách giải của học sinh năng khiếu chứ không phải của học sinh thuộc diện đại trà.

Thật tình mà nói, H. đi học không thường xuyên lắm do phải tới lui bệnh viện ở TP.HCM để được “vô thuốc”. Em mang căn bệnh bạch cầu lympho cấp hay nôm na là bệnh máu trắng gần 10 năm rồi và từng ngày từng giờ chiến đấu với căn bệnh bằng những liều thuốc đặc trị đắt tiền của bệnh viện.

Nhưng khi vào học là em thường làm thầy cô và các bạn ngạc nhiên vì trí thông minh lạ lùng đó, dù em chẳng hề đi học thêm bất cứ môn gì.

Hiện tại, H. đang học lớp 10D chuyên Anh văn trường trung học phổ thông chuyên. Điều này khiến tôi thêm lần nữa ngạc nhiên. Tại sao một cô bé vốn mang trong mình chứng bệnh nan y lại có thể học được như vậy? Học mà vẫn phải ra vào bệnh viện hằng tháng với thẻ bảo hiểm y tế cộng với khoảng 3 triệu đồng trả thêm từ đồng lương ít ỏi của cha mẹ đều là giáo viên bậc THCS...”.

Trên đây là một phần bài viết của tôi về cô học trò có hoàn cảnh đáng thương tên N.H.N.H. đó. Tôi viết gửi Tuổi Trẻ vào đầu năm học 2010-2011 với niềm hi vọng em sẽ được nhận học bổng để bù đắp phần nào công khó học tập của mình đồng thời cũng an ủi, động viên cha mẹ em là hai người đồng nghiệp chung trường với tôi, sau hơn 15 năm chăm chút, hi sinh mọi niềm vui riêng tư để dồn hết tình cảm, tiền bạc cho con gái yêu duy nhất.

Tiếc thay, khi bài viết trên vừa được gửi đến Tuổi Trẻ chừng hai hôm thì thật bất ngờ, bất ngờ đến độ bàng hoàng, chết lặng, tôi nhận được tin: Em đã mất!

Tôi đến dự đám tang H. cùng với bài viết về em. Tôi đặt nó dưới tấm ảnh của em trước đầu quan tài rồi lẳng lặng ra ngồi một mình trước hiên nhà. Lúc đó tôi đã khóc và tôi không muốn ai nhìn thấy những giọt nước mắt yếu đuối của người thầy trong đám tang một cô học trò bạc hạnh.

Về tới nhà, tôi ngồi ngay vào máy tính và gõ nhanh: “Xin báo tin cùng Tuổi Trẻ: Em N.H.N.H. (nhân vật trong bài viết “Cô bé trầm tư”) đã mất! Xin quý báo đừng đăng bài viết về em, dù được chọn. Xin cảm ơn!”.

Gởi dòng tin đi, rồi tôi ngồi lặng. Tôi đã có nhiều lần cộng tác bài với Tuổi Trẻ, tôi cũng đã biết về những chương trình trợ giúp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ dành cho những học sinh nghèo vượt khó, tại sao tôi không thể giới thiệu em đến Tuổi Trẻ sớm hơn, ngay từ khi em đang là học trò lớp tôi, mà phải chờ đến hơn một năm sau?

Có thể tôi không nghĩ là em sẽ ra đi sớm như vậy vì đã bao năm qua em đã kiên cường sống, cũng có thể vì công việc hằng ngày của tôi quá bận rộn…

Nhưng dù với lý do gì, tôi vẫn mang nỗi hối tiếc đã muộn màng khi làm cầu nối giữa em với Tuổi Trẻ. Dù rằng số tiền một học bổng thường không lớn nhưng tôi biết với em và gia đình, đó sẽ là niềm động viên lớn vào thời điểm ấy. 

Tôi chỉ mong sao những ai đó khi gặp những trường hợp tương tự hãy nhanh chóng gởi đi những dòng thư làm cầu nối san sẻ yêu thương để đem lại chút niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh và để không day dứt mãi như tôi.

Mời bạn đọc viết “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi”  

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo, như một sự tri ân bạn đọc, tòa soạn báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài trên trang bạn đọc mang chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ.

Đó có thể là câu chuyện, là bài học rút ra từ chính những nhân vật của Tuổi Trẻ như những tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường, những nông dân chân chất với chương trình Tiếp sức nhà nông... chia sẻ những hỗ trợ để họ vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc đời và bắt đầu gặt hái được thành công.

Đó có thể là câu chuyện của chính những người “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” khi chia sẻ thông tin đến đường dây nóng, đồng thời lăn lóc cùng phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập thực tế với ước mong ngăn chặn cái xấu, tìm lại sự công bằng cho người yếu thế, những số phận kém may mắn.

Đó cũng có thể là những tâm tình của bạn đọc khi gửi gắm những kỳ vọng đến Tuổi Trẻ, khi cảm nhận được những điều mới mẻ từ những bài học vượt khó của các nhân vật mà Tuổi Trẻ giới thiệu.

Và đó cũng có thể là những hiến kế khả thi mà bạn đọc đề nghị báo Tuổi Trẻ thực hiện để góp phần nâng chất lượng tờ báo với mục tiêu phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Báo Tuổi Trẻ hi vọng sẽ đón nhận được nhiều bài viết chia sẻ về chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm và Tôi”.

Những bài viết hay, tâm huyết sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và 20 tác giả có bài viết hay, hiến kế thiết thực sẽ tham gia giao lưu, nhận quà tặng trong dịp kỷ niệm 40 năm của Tuổi Trẻ.

Bài viết chia sẻ vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn.

Thời gian nhận bài từ ngày 1-8 đến 22-8-2015

     

NGUYỄN CHIÊU DƯƠNG (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên