Hai anh em Tùng (trái) và Sơn hầu như không thể rời nhau - Ảnh: Nguyễn Triều |
Bài viết 6 anh chị em ruột “Đưa đứa em tật nguyền ra tòa” chỉ vì tranh chấp đất đai mẹ để lại đã gây xúc động mạnh với nhiều bạn đọc. Phóng viên Tuổi Trẻ gặp lại Phạm Thanh Tùng sau phiên tòa.
Cuối buổi chiều 8-5, tôi tìm đến căn nhà nằm cặp quốc lộ 61 (khu phố Minh Long, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, Kiên Giang), nơi hai anh em Phạm Văn Sơn, Phạm Thanh Tùng thuê làm nơi tá túc, bán quán ăn độ nhật từ cách đây 10 tháng.
Em cũng đâu sống được bao lâu, có chết thì cũng di chúc để lại cho anh chị chứ đâu có cho người dưng. Mấy anh chị vẫn cứ đòi tòa phải xử |
Phạm Thanh Tùng |
Thắng ở tòa, đau trong lòng
Anh Sơn cùng vợ chuẩn bị dọn hàng bán buổi tối. Tùng vẫn ngồi đó trên chiếc gối lót dưới nền nhà, thân hình lắc lư, chân gõ từng nhát trên bàn phím laptop để trò chuyện với bạn bè trên Facebook.
Do thân hình luôn co giật nên hễ đặt lên ghế, Tùng gồng mình một hồi là kiệt sức, ngã ra đất. Tùng khoe có rất nhiều bạn trên mạng nghe tin Tùng thắng kiện nên gửi tin chúc mừng. Chiếc laptop Tùng đang dùng do các bạn quen qua mạng góp tiền mua tặng.
“Tòa xử có lý có tình như vậy là mừng, nhưng trong lòng em đau lắm!” - Tùng rẽ hướng câu chuyện.
Rồi Tùng kể: “Hồi mới xảy ra tranh chấp, trước khi quyết định ra khỏi nhà để tới nương tựa nhà vợ anh Sơn, em có nói với anh Luận rằng tuy là nhà đất má cho em nhưng chưa lúc nào em muốn giành riêng hết. Nếu anh chị nào cần tiền em có thể bán chia cho. Anh Luận nói tao sẽ kiện ra tòa để tòa xử, chứ đâu đợi mày cho”.
Rồi ông Luận, ông Truyền và bốn người chị kiện thật. Tùng được anh kế cùng bị kiện bế ra hầu tòa. Gần hai năm trời đi lại với Tùng là một chuỗi ngày dài thăm thẳm. Từ lúc bị khởi kiện, người thuê đất không thuê nữa nên Tùng không còn thu nhập để tự trang trải.
Ở nhờ nhà bên vợ lâu ngày hóa phiền, anh Sơn quyết định ra thuê căn nhà gần đó giá 2 triệu đồng/tháng, vừa để ở chăm sóc em vừa có chỗ buôn bán kiếm sống qua ngày.
“Em có chết cũng để lại cho anh chị”
Trước khi mở phiên tòa, thẩm phán đã mời hai bên lên đối chất, hòa giải nhiều lần nhưng đều bất thành.
“Có lần trước mặt thẩm phán, em nói với các anh chị rằng em đứng tên nhà đất này là theo di nguyện của mẹ. Mẹ muốn em có thể sống vui mà không phụ thuộc vào chu cấp của mấy anh chị. Em cũng đâu sống được bao lâu, có chết thì cũng di chúc để lại cho anh chị chứ đâu có cho người dưng.
Mấy anh chị vẫn cứ đòi tòa phải xử. Em chỉ muốn tòa xử sớm, nhưng tòa nói phải xác minh nhiều thứ nên mất thời gian. Có lúc em bức xúc than vãn trên Facebook, giờ nghĩ lại thấy cũng ngại vì đã trách tòa” - Tùng chia sẻ.
Tùng từng băn khoăn hỏi luật sư tư vấn cho mình rằng liệu tài sản trước đây là sở hữu chung của ba mẹ, ba mất rồi mẹ có quyền định đoạt hay không và việc mẹ di chúc để lại cho mình có đúng luật không.
Luật sư Nguyễn Huỳnh Phương Thảo giải thích với Tùng rằng theo quy định của pháp luật, quá 10 năm kể từ khi ba mất mà không phát sinh tranh chấp thừa kế thì tài sản chung người vợ đồng sở hữu được quyền định đoạt.
“Di chúc do mẹ Tùng lập, khi mẹ chết thì di chúc bắt đầu có hiệu lực. Việc chia tài sản thừa kế phải chia theo di chúc trước, nếu không có di chúc thì chia theo quy định của pháp luật.
Những phần đất, tài sản mẹ Tùng trước khi chết đã chia cho Tùng và các anh chị, mỗi người có quyền tài sản hợp pháp với phần đó, không tính vào tài sản thừa kế.
Chỉ riêng các thửa đất nông nghiệp tổng diện tích gần 8.000m2 do mẹ Tùng đứng tên nhưng không có trong di chúc là tài sản thừa kế, theo pháp luật thì phải chia đều cho tám anh chị em” - luật sư Thảo phân tích.
Tùng cho hay nhờ có luật sư tư vấn và tự tìm hiểu mà mình yên tâm làm theo di nguyện của mẹ.
Một thời nặng nghĩa Tùng nói mấy năm gần đây cảm thấy sức khỏe yếu đi nhiều, chân tay co giật liên hồi, không còn linh hoạt như trước. Tôi chỉ lá cờ thưởng “Hạng nhất giải cờ tướng thiếu niên thị xã Rạch Giá năm 1998” treo trên vách, Tùng nói đó là chiến tích của mình. Tùng kể lần đó xem tivi thấy thông tin thị xã Rạch Giá mở giải cờ tướng thiếu niên nên xin mẹ chở đi tham dự. Tới nơi, ban tổ chức không cho tham gia vì Tùng quê huyện Châu Thành chứ không thuộc thị xã. Hai mẹ con năn nỉ mãi, ban tổ chức cũng cho ghi tên thi đấu. “Em thắng lần lượt từng bạn rồi vô tới trận chung kết. Mẹ em ngồi bên nhưng không biết đánh cờ, em liên tục ăn quân và đến khi ban tổ chức tuyên bố em thắng thì mẹ mới biết” - Tùng nói. Tùng còn kể trước khi đi thi, anh Năm Mô là người chơi cờ giỏi nhất xóm đã thách đấu rồi bị Tùng “hạ đo ván”. Sau này Tùng mới biết anh Năm cố tình thua để Tùng tự tin ra thị xã ứng thí. Tôi buột miệng hỏi: “Ai dạy Tùng chơi cờ?”. “Là anh Luận. Thế cờ là sau này em nghĩ ra, chứ người đầu tiên dạy em biết nước đi là anh Luận” - Tùng trả lời rồi thoáng buồn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận