Teflon được sử dụng để phủ lên xoong và chảo kim loại, tạo thành một bề mặt trơn tuột như sáp, dễ lau chùi hơn - Ảnh: GETTY IMAGES
Hầu như các loại nồi, xoong, chảo nấu ăn hiện nay đều phủ một lớp chống dính. Đó là Teflon, còn được gọi là polytetrafluoroethylene hay PTFE. Đây là một chất trong suốt được phát minh một cách tình cờ vào năm 1938 nhưng ban đầu chỉ được dùng trong quân sự.
Teflon được sử dụng để phủ lên xoong và chảo kim loại, tạo thành một bề mặt trơn tuột như sáp, dễ lau chùi hơn.
Từ sau khi chiếc chảo chống dính đầu tiên ra đời vào năm 1951 đến nay, công việc nội trợ đã trở nên dễ dàng và thú vị hơn rất nhiều. Nồi chảo chống dính không chỉ giúp thực phẩm giữ được hình dáng đẹp mắt, không vỡ nát mà còn giúp việc làm sạch chúng trở nên nhanh và dễ hơn.
Việc dùng các vật dụng nấu ăn chống dính có an toàn với sức khỏe hay không là câu hỏi được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều thập kỷ qua. Họ nhận định rằng bản thân chất Teflon nói riêng và khi trở thành lớp phủ trên vật dụng nấu ăn bằng kim loại không phải là một vấn đề nguy hiểm.
Ngay cả khi lớp này bị bong tróc, chúng ta ăn phải những mảnh Teflon nhỏ thì nó cũng sẽ được đào thải ra ngoài qua phân. Vấn đề xảy ra khi chảo quá nóng.
Hầu như các loại nồi, xoong, chảo nấu ăn hiện nay đều phủ một lớp chống dính Teflon - Ảnh: HOUSEKEEPING
Lúc này, các phân tử Teflon bị phá vỡ và giải phóng một loạt các khí độc hại ra ngoài môi trường. Trong một số ít trường hợp, hít phải những khói hóa chất này có thể gây ra "sốt khói polyme", cơ thể rơi vào trạng thái sốt cao, khó thở, nhức mỏi cơ bắp, suy nhược và mất sức.
Những loại khí độc này cũng khiến các loài động vật như gia cầm, chim chóc bị ngộ độc và chết nhanh chóng.
Một trong những khí độc hại nguy hiểm nhất được phát ra nếu phân tử Teflon bị phá vỡ là axit perfluorooctanoic (PFOA). Một người tiếp xúc lâu dài với PFOA sẽ có nguy cơ cao mắc một loạt bệnh ung thư và bệnh tuyến giáp.
Theo các nhà khoa học Mỹ, chảo chống dính sẽ không bị nung chảy ở nhiệt độ nấu bình thường. Thời gian để làm chín một loại thực phẩm cũng rất nhanh, không đủ để phản ứng hóa học nguy hiểm này xảy ra.
"Nói chung, chảo chống dính không nguy hiểm. Trừ khi bạn để chảo không trên bếp lửa trong 1 giờ đồng hồ", giáo sư Kyle Steenland tại Đại học Emory ở Atlanta, Hoa kỳ cho biết.
Trong các nghiên cứu công bố vào năm 2001 và 2017, các nhà khoa học Canada cảnh báo phân tử Teflon sẽ bị phá vỡ ở nhiệt độ 360 độ C. Đối với một chiếc chảo chống dính, phản ứng hóa học sẽ xảy ra nếu chảo bị làm nóng ở nhiệt độ 399 độ C trong từ 8 phút trở lên.
Kể cả đun nấu ở nhiệt độ thấp hơn thì lớp phủ Teflon vẫn sẽ bị bong và xảy ra phản ứng hóa học nếu chiếc chảo đó được dùng trong thời gian dài.
Không nên sử dụng một chiếc nồi, chảo chống dính trong thời gian quá lâu - Ảnh: TSUJI
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào phân tích cụ thể về tác động lâu dài của chảo phủ Teflon đối với con người. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng sức khỏe của các chất như PFOA phát ra khi Teflon bị phân hủy.
Phần lớn dữ liệu về các ca nhiễm chất độc này cũng đều đến từ các trường hợp tiếp xúc với môi trường, chẳng hạn như nước uống hoặc làm việc tại nhà máy, nơi mức độ phơi nhiễm cao.
Tuy thế, các nhà khoa học cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng một chiếc nồi, chảo chống dính trong thời gian quá lâu, chỉ nên dùng tối đa trong 2-3 năm. Lau rửa chảo bằng dụng cụ mềm, tránh làm xước, bong tróc bề mặt vì sẽ khiến phản ứng hóa học dễ xảy ra hơn.
Suzanne Fenton, nhà nghiên cứu nội tiết sinh sản tại Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường (Hoa Kỳ), cho biết trong một số trường hợp như phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc có con nhỏ thì nên hạn chế hoặc tốt nhất tránh dùng chảo chống dính.
Đó là vì chất PFOA có liên quan trực tiếp với các vấn đề phát triển của trẻ em. Hóa chất này được coi là một chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng hệ thống hormone của cơ thể, gây béo phì, tiểu đường, chất lượng tinh trùng thấp và chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận