Ùn xe kéo dài trên lối ra của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gần nút giao với đường Mai Chí Thọ, Q.2, TP.HCM ngày 22-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bình nói: Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án vào năm 2007, chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Trong đó giai đoạn 1 đoạn An Phú - Long Thành xây dựng với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu (phần đường có thêm 2 làn dừng khẩn cấp). Giai đoạn 2 - giai đoạn hoàn chỉnh đoạn từ An Phú đến Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe. Do đó, không có chuyện đường làm 6 làn xe trong khi cầu làm 4 làn xe.
* Tình trạng kẹt xe ở nút giao thông quốc lộ 51 nối vào đường cao tốc rất nặng nề, vì sao ngay từ đầu không xây dựng đồng bộ nút giao thông này?
- Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư, nút giao thông quốc lộ 51 tuyến cao tốc này là nút giao dạng kim cương. VEC đã xây dựng đồng bộ nút giao này theo đúng phương án thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng thỏa thuận quy hoạch được thống nhất với địa phương.
Tuy nhiên, do sự phát triển đột phá về kinh tế của các địa phương trong khu vực, số phương tiện thông qua tuyến đã gia tăng nhanh chóng. Qua thời gian thực tế vận hành khai thác, theo đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, để tăng cường hơn nữa năng lực thông hành cho các phương tiện, VEC đã thực hiện các giải pháp cải tạo nút giao quốc lộ 51 như mở rộng đầu nhánh A, tăng cường công tác vận hành, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông phân làn, điều tiết giao thông.
* Đoạn đường nối với đường cao tốc ở nút giao An Phú (Q.2) bao giờ mới được triển khai để giải quyết tình trạng kẹt xe tại điểm này, thưa ông?
- Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư, đoạn từ nút giao An Phú - vành đai 2 (4km đầu tuyến) là đường đô thị, không phải đường cao tốc và do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên do UBND TP.HCM không bố trí được nguồn vốn đầu tư, Bộ GTVT đã giao VEC huy động vốn để đầu tư xây dựng nút giao này. Sau khi hoàn thành xây dựng, VEC đã bàn giao 4km đầu tuyến cho TP.HCM để quản lý khai thác. Hiện tại, UBND TP.HCM và Bộ GTVT thống nhất sẽ đầu tư xây dựng nút giao này và đang báo cáo Chính phủ để triển khai đầu tư xây dựng sau khi thu xếp được nguồn vốn.
* Vì sao VEC không sử dụng nguồn thu phí của tuyến cao tốc này rất lớn để xử lý ngay tình trạng kẹt xe của đường cao tốc?
- VEC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được Nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và thu phí để hoàn trả vốn vay dự án.
Việc sử dụng tiền thu phí của VEC phải theo phương án tài chính của dự án, quy chế quản lý, sử dụng tiền thu phí, quy chế quản lý nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, trong đó số tiền thu phí được ưu tiên trả nợ các khoản vay, chi phí cho công tác quản lý, bảo trì, thu phí đường cao tốc.
* Có ý kiến đề xuất cần giảm mức thu phí đường cao tốc vì kẹt xe xảy ra thường xuyên, không đảm bảo tốc độ xe lưu thông?
- Mức phí đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được thu theo phương án tài chính, đảm bảo hoàn vốn đầu tư dự án theo quyết định được Nhà nước phê duyệt. Theo quy định, VEC đã được tăng phí sau 3 năm khai thác. Tuy nhiên đến nay, tuyến cao tốc này đã được đưa vào khai thác 5 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa tăng phí.
Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ một phần khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, ngay từ tháng 8-2016, VEC đã thực hiện giảm giá cho các phương tiện loại 4, loại 5 tham gia giao thông theo lộ trình từ quốc lộ 51 - Dầu Giây và ngược lại.
* Theo ông, đến bao giờ đường cao tốc sẽ xóa bỏ được tình trạng kẹt xe và trở thành đường cao tốc đúng nghĩa là cao tốc?
- Cần đồng bộ trong việc xây dựng quy hoạch các tuyến đường cao tốc, gắn liền với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối xung quanh. Người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của Luật giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc.
* Việc đầu tư hoàn chỉnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến bao giờ thực hiện?
- Như trên đã đề cập, lưu lượng lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa mãn tải theo thiết kế. Công tác quản lý, vận hành khai thác tuyến đường được VEC thực hiện nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế mạnh mẽ tại các vùng lân cận, để đảm bảo khả năng thông hành của tuyến cao tốc, việc nghiên cứu triển khai đầu tư giai đoạn 2 dự án thực sự là cần thiết.
VEC đang tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình khai thác dự án, đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để sớm đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư giai đoạn 2 dự án.
* Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành đúng tiến độ?
- Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được VEC và các đơn vị liên quan tích cực triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra, dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. VEC sẽ cố gắng thúc đẩy tiến độ dự án theo thẩm quyền để hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2020 nhằm hỗ trợ giải tỏa áp lực cho đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận