19/06/2019 12:13 GMT+7

Nỗi buồn Tú Xương

Tuổi Trẻ Cười
Tuổi Trẻ Cười

TTO - Hồi xưa, cứ mỗi lần thi cử là ông Tú Xương ớn lạnh. Là một thi sĩ lừng danh trong giới sĩ phu Bắc Hà thời đó, nhưng lần nào vác lều chõng đi thi ông đều thất bại thảm hại.

Ông buồn đến nỗi phải buột miệng than thở: "Bụng buồn còn biết nói năng chi/ Đệ nhất buồn là cái hỏng thi". Nỗi buồn của ông lan sang đến thế hệ cô Năm Thi Sĩ ở thế kỷ 21. Cô kết luận trước hai khuôn mặt đần độn của Bi Rên và Út Hóng:

- Hai đứa thấy không? Cuộc đời là "học tài thi phận". Một danh sĩ cỡ Tú Xương mà còn bị rớt đài ở chốn quan trường, chứng tỏ thuyết "tài mệnh tương đố" luôn luôn tồn tại. Một thi sĩ tài hoa giống như một người đẹp luôn gặp bất hạnh. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta cũng thấy Kiều lâm vào chốn lầu xanh vì "hồng nhan đa truân". Tôi hỏi thật các em có tin vào thuyết định mệnh không?

Ngay lập tức khuôn mặt của Bi Rên và Út Hóng bừng sáng. Hai đứa đột nhiên phát triển trí thông minh vượt bậc. Bi Rên nói trước:

- Em không tin vào thuyết định mệnh. Bằng chứng là ông Tú Xương kháng cự kịch liệt. Ông viết ra những câu thơ để đả kích chế độ hủ nho thời đó. Chẳng hạn như: "Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/ Dưới sân ông Cử ngẩng đầu rồng".

Út Hóng bổ sung:

- Đúng vậy. Nhờ bị loại ra khỏi vòng chiến thi cử phong kiến, ông Tú Xương đã để lại những vần thơ bất hủ, phê phán cái sự học ở thời đó như sau: "Cái học ngày nay đã hỏng rồi/ Mười người đi học, chín người thôi/ Cô hàng bán sách lim dim ngủ/ Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi" .

Kiến thức uyên bác đột xuất của hai hiền đệ giang hồ làm Năm Thi Sĩ hào hứng. Cô nhịp nhịp chân:

- Hai đứa còn biết gì nữa?

Bi Rên rên rỉ:

- Em biết là ông Tú Xương thi cử lương thiện nên bị rớt đài!

Út Hóng bổ sung:

- Nếu ông Tú Xương biết chạy thuốc bằng cách "đưa người cửa trước, rước người cửa sau", hay đút lót phong bì cho quan chánh chủ khảo thì chắc chắn đã đề danh bảng hổ.

Năm Thi Sĩ chới với:

- Trên cơ sở nào mà hai em phát biểu "chuẩn" như vậy?

Bi Rên và Út Hóng nháy mắt với nhau. Bi lên tiếng trước:

- Cô Năm có tin rằng lịch sử luôn lặp lại không? Nếu ngày nay có sự kiện "mua danh 3 vạn bán danh 3 đồng" qua cuộc thi cử ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, thì chắc chắn ngày xưa ông Tú Xương cũng lâm cảnh đại nạn khi lót đường cho những thí sinh mua danh mua điểm giống vậy! Nếu các thí sinh con ông cháu cha đi thi thời đó được các quan chủ khảo bảo kê, thì mười ông Tú Xương tài nghệ tuyệt luân cũng vẫn bị rớt dài dài.

Nỗi buồn Tú Xương - Ảnh 1.


Út Hóng lại bổ sung cấp tốc:

- Cái giá mua tiến sĩ, cử nhân thời đó không biết bao nhiêu lượng vàng, nhưng cái giá chỉ riêng một tỉnh Sơn La là 1 tỉ đồng mỗi "ca" nâng điểm. 44 ca hợp đồng mua bán nâng điểm của tỉnh này đủ giết chết 44 hậu duệ Tú Xương tương lai. Cô Năm nghĩ coi, sự chiếm chỗ bất lương đó phải gọi là gì cho đúng?

Năm Thi Sĩ ngậm ngùi:

- Bất lương chiếm chỗ hiền lương
Bắt đầu từ cuộc hí trường... mua danh!

Chính Vi

Tuổi Trẻ Cười
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên