13/03/2012 05:01 GMT+7

Nỗi buồn mang tên tư pháp

Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI
Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI

TT - Biết bao nỗi buồn đau đọng lại từ sự kiện Tiên Lãng nhưng như lời một người bạn luật sư, có một “nỗi buồn mang tên tư pháp”.

Trong vụ án hành chính, ông Đoàn Văn Vươn kiện chính quyền huyện Tiên Lãng, vai trò của hệ thống tư pháp từ viện kiểm sát đến tòa án có thể nói gần như tê liệt. Viện kiểm sát cả cấp huyện lẫn cấp tỉnh đều có chức năng kiểm sát việc xét xử, tòa án thì xét xử theo cơ chế hai cấp. Tuy nhiên, các cơ quan này đã không làm gì được ngoài việc tạo ra những phán quyết mà sau này kháng nghị của chánh án TAND tối cao đã phải thừa nhận là “sai lầm, vô căn cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của công dân”.

"Và điều quan trọng hơn, người dân chờ đợi một hệ thống tư pháp hành động, đủ khả năng bảo vệ công lý, chứ không phải một hệ thống tư pháp chỉ ra tay khi có kiến nghị từ cấp lãnh đạo nào đó"

Ngay cả quyết định kháng nghị này - hành động được xem để trả lại công lý cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn - cũng gợi lên những cảm giác băn khoăn. Vụ ông Vươn kiện chính quyền huyện Tiên Lãng được TAND huyện Tiên Lãng xét xử sơ thẩm vào tháng 1-2010 và TAND TP Hải Phòng ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vào tháng 4-2010. Đến ngày 10-2-2012, tại cuộc họp với các ban ngành, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất, trong đó có “kiến nghị chánh án TAND tối cao theo thẩm quyền xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND TP Hải Phòng và TAND huyện Tiên Lãng”. Lập tức ngay sau đó, ngày 13-2, quyết định kháng nghị tái thẩm của chánh án TAND tối cao được ban hành. Và cũng không chậm trễ, ngày 15-2 tòa hành chính TAND tối cao mở phiên tòa tái thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng cũng như quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng, đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.

Băn khoăn là tại sao vụ án với những tình tiết pháp lý oái ăm đã xảy ra từ hai năm nay nhưng chỉ sau khi Thủ tướng lên tiếng thì quy trình kháng nghị mới vào cuộc lanh lẹ một cách lạ thường đến như vậy? Nhiều luật sư nói rằng đây là một trường hợp khá hi hữu nếu so với vô số vụ việc “kinh hoàng hơn” đang phải chờ đợi hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời để mong được xét lại bản án. Ngoài hệ thống xét xử hai cấp, cơ chế kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm giúp xét lại bản án để tránh oan, sai. Quy trình này phải chăng đang có vấn đề hay chưa làm hết phận sự?

Theo quy định, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền kiến nghị để tòa án xem xét việc kháng nghị khi nhận thấy bản án có sai sót, vi phạm. Tuy nhiên, dù kiến nghị của ai đi nữa thì tòa án cũng phải tuân thủ nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghĩa là khi xét xử tòa án phải căn cứ trên cơ sở pháp luật, không bị ràng buộc bởi tác động của bất kỳ cá nhân hay cơ quan nào khác.

Và điều quan trọng hơn, người dân chờ đợi một hệ thống tư pháp hành động, đủ khả năng bảo vệ công lý, chứ không phải một hệ thống tư pháp chỉ ra tay khi có kiến nghị từ cấp lãnh đạo nào đó.

Kháng nghị giám đốc thẩm mới đúng luật

Căn cứ để ban hành quyết định kháng nghị tái thẩm của chánh án TAND tối cao là do bản án sơ thẩm “chưa có đủ căn cứ, không đúng thẩm quyền, không đúng quy định” và quyết định đình chỉ xét xử của tòa cấp phúc thẩm “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, lẽ ra vụ án này phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới đúng, nhưng nếu giám đốc thẩm thì sẽ vướng vì thời hạn kháng nghị đã hết (một năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật). Trong khi đó nếu tái thẩm thì thời hạn vẫn còn (một năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị). Như vậy, việc ban hành quyết định tái thẩm rõ ràng chưa ổn cho dù có “né” được thời hạn luật định.

Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên