09/10/2021 08:26 GMT+7

Nobel hòa bình: Một thế giới 'không có sự thật' là một thế giới không có niềm tin

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Hai nhà báo Maria Ressa (Philippines) và Dmitry Muratov (Nga) được trao giải Nobel hòa bình 2021 vì nỗ lực đấu tranh cho tự do ngôn luận, được đánh giá là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài.

Nobel hòa bình: Một thế giới không có sự thật là một thế giới không có niềm tin - Ảnh 1.

Nhà báo Maria Ressa (trái) và Dmitry Muratov - Ảnh: REUTERS

Trong một cuộc chiến vì sự thật, tôi nghĩ rằng giải thưởng này cho thấy Ủy ban trao giải Nobel hòa bình đã nhận ra rằng một thế giới "không có sự thật" là một thế giới không có niềm tin.

Bà MARIA RESSA (nhà sáng lập báo Rappler)

"Tôi tin rằng việc trao giải Nobel hòa bình cho hai nhà báo can đảm và xuất chúng này giúp định nghĩa như thế nào là nhà báo đích thực" - bà Berrit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy (đơn vị trao giải Nobel hòa bình), chia sẻ tại buổi thông báo giải thưởng ở Oslo ngày 8-10.

Giúp ngăn chiến tranh, xung đột

Giải thích về quyết định trao giải năm nay, bà Reiss-Andersen cho rằng tự do ngôn luận và tự do báo chí là tiền đề giúp ngăn chiến tranh, xung đột. 

"Không có tự do ngôn luận và tự do báo chí sẽ khó thúc đẩy được tình hữu nghị giữa các quốc gia, giải trừ quân bị và một trật tự thế giới tốt đẹp hơn trong thời đại của chúng ta. Đó là sự bảo vệ tốt nhất mà một xã hội có thể dựng lên để chống lại chiến tranh và xung đột" - bà Berrit Reiss-Andersen nói thêm.

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, bà Maria Ressa đã dùng báo chí để vạch trần lạm dụng quyền lực và sử dụng bạo lực ở Philippines. Năm 2012, sau hai thập niên làm phóng viên thường trú của Đài CNN, bà Ressa làm đồng sáng lập báo Rappler. 

Tờ báo này đẩy mạnh hoạt động báo chí điều tra, tập trung điều tra nhắm vào chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Bà Ressa và báo Rappler cũng được tôn vinh khi thể hiện cách mà phương tiện truyền thông xã hội đang bị sử dụng để lan truyền tin tức giả mạo, quấy rối đối thủ và thao túng các cuộc thảo luận của công chúng.

Trong khi đó, ông Dmitry Muratov là tổng biên tập của tờ báo độc lập Novaya Gazeta. Kể từ khi thành lập vào năm 1993, Novaya Gazeta đã xuất bản các bài báo phê phán các vấn đề từ tham nhũng, bạo lực của cảnh sát, bắt giữ trái pháp luật, gian lận bầu cử, việc sử dụng các lực lượng quân sự Nga ở cả trong và ngoài nước Nga.

Bà Ressa và ông Muratov không phải là những nhà báo đầu tiên được trao giải Nobel hòa bình. Nhà báo người Ý Ernesto Teodoro Moneta thắng giải Nobel 1907 khi tác nghiệp về các cuộc họp hòa bình liên quan một thỏa thuận giữa Pháp và Ý. 

Vào năm 1935, nhà báo Carl von Ossietzky (Đức) cũng được vinh danh sau khi tiết lộ Đức bí mật xây dựng lại lực lượng vũ trang sau Thế chiến 1, vi phạm hòa ước Versaille.

"Tiếp tục làm báo có trách nhiệm"

Phát biểu trên Hãng tin Tass, ông Muratov dành tặng giải thưởng cho tờ báo của ông - Novaya Gazeta. Ngay sau khi giải thưởng được công bố, Điện Kremlin đã lên tiếng chúc mừng nhà báo Nga. 

"Chúng tôi chúc mừng ông Dmitry Muratov, ông ấy đã luôn làm việc theo lý tưởng của mình, tôn trọng ý tưởng của mình. Ông ấy tài năng và dũng cảm" - người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.

Báo Guardian dẫn lời nữ nhà báo Maria Ressa chia sẻ rằng bà cảm thấy "sốc" khi được trao giải Nobel và nhấn mạnh "giải thưởng này không thuộc về tôi mà là về Rappler". Bà Ressa cho biết Rappler đã đấu tranh cho sự thật từ năm 2016. 

"Khi chúng ta sống ở thế giới mà người ta còn tranh cãi về các sự thật, khi các kênh phân phối tin tức lớn nhất thế giới ưu tiên lan truyền chương trình truyền hình trực tiếp nhuốm màu giận dữ và thù ghét, và lan truyền nó nhanh hơn và xa hơn các sự thật, thì lúc đó báo chí (không còn trở thành báo chí nữa) mà trở thành một phong trào xã hội" - bà Ressa chia sẻ.

Bà Reiss-Andersen cho biết Ủy ban Nobel Na Uy hy vọng giải thưởng năm nay dành cho hai nhà báo Philippines và Nga sẽ khẳng định tầm quan trọng của báo chí không chỉ ở những nơi đang có xung đột, chiến tranh mà trên khắp thế giới. 

Ông Dan Smith - giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - cũng cho biết giải thưởng có thể giúp tạo nguồn cảm hứng cho một thế hệ nhà báo mới trong tương lai.

Nobel hòa bình thường xuyên gây tranh cãi

Nobel hòa bình - giải thưởng được chờ đợi nhất mỗi mùa Nobel - cũng là giải gây nhiều tranh cãi nhất. Trang web của giải Nobel xác nhận điều này khi khẳng định: "Giải Nobel hòa bình thường xuyên gây ra tranh cãi". Một trong các lý do là vì một số giải thưởng được trao cho các chính trị gia đương thời và là những nhân vật gây tranh cãi.

Những giải thưởng Nobel hòa bình gây tranh cãi gần đây là giải năm 2009 dành cho tổng thống Mỹ Barack Obama. Thời điểm đó, ông Obama mới đi qua 9 tháng của nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Rất nhiều người chỉ trích việc đề cử ông Obama là quá sớm vì ông chưa tại vị đủ lâu để chứng tỏ mình xứng đáng với giải thưởng này.

Ngoài ra giải Nobel hòa bình năm 2012 cho Liên minh châu Âu (EU) cũng gây tranh cãi không kém. Quyết định này bị chỉ trích vì EU khi đó phải đối phó với nhiều vấn đề kinh tế khẩn cấp như khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Ngoài ra một số quốc gia thành viên của EU sản xuất và bán vũ khí, trái ngược với nguyện vọng của cha đẻ giải thưởng - ông Alfred Nobel, người mong muốn giải thưởng nên được trao cho những người hoạt động vì mục tiêu giải trừ quân bị.

HỒNG VÂN

Hai nhà báo Philippines, Nga nhận giải Nobel Hòa bình 2021 Hai nhà báo Philippines, Nga nhận giải Nobel Hòa bình 2021

TTO - Giải Nobel Hòa bình năm nay trao cho hai nhà báo Maria Ressa (Philippines) và Dmitry Muratov (Nga) vì nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận của họ. Điện Kremlin đã gửi lời chúc mừng nhà báo Nga đoạt giải.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên