24/01/2013 07:45 GMT+7

Nổ mìn phá đá gây nứt nhà dân

DUY THANH - CÔNG HOÀNG
DUY THANH - CÔNG HOÀNG

TT - Chuyện này xảy ra ở công trình thủy điện Hạ Sông Pha 1, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Hàng trăm nhà dân ở đây đã bị rạn nứt do sức công phá của mìn phá đá.

ha42j47G.jpgPhóng to
Nhà chị Nguyễn Thị Thu Thủy hư hỏng nặng do ảnh hưởng việc nổ mìn phá đá làm thủy điện Hạ Sông Pha 1 - Ảnh: DUY THANH

Ông Võ Hiệp, người dân ở gần công trường thi công thủy điện Hạ Sông Pha 1, kể: “Khi nghe còi hụ báo hiệu đơn vị thi công sắp nổ mìn phá đá, dù đang ăn cơm cả nhà tôi ai cũng phải quăng chén, đóng cửa bỏ chạy vì sợ sập nhà”.

Đá xé toạc mái nhà

Thủy điện Hạ Sông Pha 1 có ba tổ máy, tổng công suất chỉ 8,1MW, diện tích xây dựng hơn 20ha nhưng lại xuyên qua các vùng dân cư. Đại diện nhà thầu thi công cho biết do khu vực xây dựng kênh xả của nhà máy toàn là đá bàn nên phải nổ mìn phá đá. Việc nổ mìn được bắt đầu từ nửa cuối tháng 9-2011 và dự kiến kéo dài đến tháng 11-2012, nhưng hiện nay lại dự kiến đến tháng 3-2013 mới kết thúc.

Giếng khô nước

Người dân xóm Láng Cát, thôn Lâm Phú, xã Lâm Sơn vừa gửi đơn đến UBND xã đề nghị can thiệp vì đơn vị thi công dự án thủy điện Hạ Sông Pha 2 (Công ty TNHH Thành Đạt) làm khô toàn bộ bảy giếng nước sinh hoạt của xóm này. “Xóm chúng tôi ở sát sông Ông. Bao đời nay không có chuyện giếng khô nước, nhưng giờ đây đơn vị thi công đào sâu bờ sông, đổ đất đá ngăn dòng khiến mạch nước bị đứt làm khô hết giếng khiến xóm không có nước sinh hoạt cả tháng qua. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu phải có giải pháp cấp nước cho bà con” - ông Nguyễn Hồng Kỳ, đại diện dân xóm Láng Cát, phản ảnnh.

Anh Phan Thành Lâm, người dân ở thôn Gòn 2, xã Lâm Sơn, cho biết nhà anh vừa xây xong đã lãnh ngay hậu quả từ việc nổ mìn. “Trưa 24-10-2012, khi tôi cùng bà xã mang bầu sắp đến ngày sinh trở về nhà sau khi chạy mìn thì thấy mái tôn đã thủng một lỗ to, nhiều chỗ móp méo. Trong nhà có một hòn đá lớn phải dùng hai tay nhấc mới lên, tường nhà, sàn gạch men bị đá văng làm trầy xước, xung quanh nhà đầy đá dăm. Sợ quá, tôi phải thuê nhà cách làng 3km để sống gần ba tháng qua” - anh Lâm kể.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở thôn Lâm Bình, đối diện khu vực xây dựng cống nhận nước của thủy điện, vẫn còn giữ tảng đá to bằng mũ bảo hiểm. Chị Thủy kể: “Chiều tối hôm đó, khi cả nhà tôi chuẩn bị ăn cơm thì nghe mìn nổ chát chúa. Ngôi nhà tôi cũng nổ cái ầm, rung rinh, vôi vữa, gạch vỡ rơi rào rào. Sau tiếng nổ thì phòng ngủ tanh bành, một miếng tôn bị xé rách, móp méo, rơi xuống nền; chiếc giường gỗ trong phòng gãy sập, bên cạnh là một tảng đá...”. Cú nổ mìn hôm ấy cùng với hàng chục lần nổ mìn khác với tần suất hai lần mỗi ngày đã khiến ngôi nhà của vợ chồng chị Thủy nứt toang hoác nhiều chỗ, có nơi tường sập một đoạn. Gia đình chị phải tìm nơi khác để sống tạm.

Ngày 15-1 vừa qua, cuộc trao đổi giữa chúng tôi với ông Ha Ra Bích - chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn - kéo dài khoảng 30 phút nhưng thường xuyên bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại do người dân gọi ông báo nhà cửa hư hỏng do việc nổ mìn thi công thủy điện. Ông Ha Ra Bích cho biết xã đang phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu kiểm tra thiệt hại do việc nổ mìn gây ra. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả xã có khoảng 200 căn nhà bị rạn nứt, hư hỏng do nổ mìn.

Chủ đầu tư không làm theo cam kết

Giấy phép sử dụng vật liệu nổ để thi công thủy điện Hạ Sông Pha 1 của UBND tỉnh Ninh Thuận cấp cho đơn vị thi công có quy định khoảng cách an toàn đối với người là 350m, còn công trình là 200m. Tuy nhiên, bà Phan Thị Ngọc Dung, một người dân ở thôn Gòn 2, cho biết người của đơn vị thi công bảo những nhà cách nơi nổ mìn 100m là an toàn, không phải sơ tán. Trong khi thực tế có hàng chục ngôi nhà ở xóm bà Dung cách nơi đặt thuốc nổ hơn 150m vẫn bị đá dăm bay xối xả!

Theo UBND xã Lâm Sơn, chủ đầu tư công trình là Công ty cổ phần Thủy điện Hạ Sông Pha hứa sẽ chi trả cho 20 hộ ở gần nơi nổ mìn phải đi sơ tán 1,2 triệu đồng/hộ/tháng, nhưng nhiều người dân cho biết họ không được thông báo về điều này. “Nhà tôi ở cách nơi nổ mìn chỉ 40m nên hư hỏng nặng nề, vậy mà đến nay đâu có nhận được đồng hỗ trợ nào” - anh Phan Thành Lâm nói.

Ông Nguyễn Bá Đoán, trưởng phòng kỹ thuật - an toàn - môi trường Sở Công thương Ninh Thuận, xác nhận có nhiều lần đơn vị thi công sai sót về kỹ thuật trong quy trình sử dụng chất nổ, làm đá văng vào nhà dân gây thiệt hại và nguy hiểm cho bà con. Sở Công thương Ninh Thuận đã kiến nghị tỉnh xử phạt một đơn vị thi công, liên tục nhắc nhở các đơn vị thi công khác có vi phạm. Ngày 20-11-2012, Sở Công thương đã yêu cầu chủ đầu tư đền bù thiệt hại cho các hộ dân để họ sửa chữa nhà cửa nhưng đến nay vẫn chưa thấy chủ đầu tư báo cáo về việc này. Còn ông Nguyễn Đức Hòa - chánh thanh tra huyện Lâm Sơn - cho hay huyện đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư gửi báo cáo kinh phí hỗ trợ dân sơ tán tránh mìn như đã cam kết nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa gửi.

Chúng tôi đã đến Công ty cổ phần Thủy điện Hạ Sông Pha và nhiều lần liên lạc qua điện thoại nhưng vẫn không gặp được lãnh đạo công ty để hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc này. Còn ông Nguyễn Thanh Biền - phó giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt, chủ thầu hiện tại của công trình - nói: “Chúng tôi đã có kế hoạch khi kết thúc việc nổ mìn sẽ đền bù, hỗ trợ một lúc cho bà con để tránh việc so bì, khiếu nại”.

DUY THANH - CÔNG HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên