29/08/2016 11:25 GMT+7

Nỗ lực giúp tranh dân gian Việt Nam sống mãi

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Mối lo về nguy cơ thất truyền tranh dân gian Việt Nam đang được xới lên với triển lãm “12 dòng tranh dân gian Việt Nam”, dự kiến kéo dài đến tháng 12-2016 tại Bảo tàng Hà Nội.

Nghệ nhân trình diễn in tranh Đông Hồ Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Nghệ nhân trình diễn in tranh Đông Hồ - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Tại triển lãm, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội - đã giới thiệu đến công chúng hơn 200 bức tranh và hiện vật của 12 dòng tranh dân gian: tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh thập vật, tranh làng Sình, tranh đồ thế Nam bộ, tranh kính Nam bộ, tranh kính Huế, tranh thờ miền núi, tranh gói vải, tranh thờ đồng bằng, tranh vải.

Rất hiếm “báu vật sống”

Những nghệ nhân làm tranh dân gian - được xem như “báu vật sống” - rất hiếm, chỉ có thể gọi là sót lại. Ở phía Bắc, nổi tiếng như tranh Hàng Trống với những tranh thờ “ngũ hổ”, “tứ quý”, “tứ dân” “tố nữ”, “cá chép trông trăng”... giờ chỉ còn độc nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên, đã ở tuổi xưa nay hiếm, vẫn còn “túc tắc” làm việc trong xưởng vẽ chật hẹp ở phố Cửa Đông, Hà Nội.

Hay như làng tranh Đông Hồ từng nhộn nhịp với “Mẹ con đàn lợn âm dương”, “Đám cưới chuột”... thì nay “quê tôi nhộn nhịp sản xuất vàng mã, chỉ còn gia đình tôi và gia đình ông Nguyễn Hữu Sam giữ nghề” - nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế xót xa nói.

Mộc bản tranh dân gian Hàng Trống trưng bày tại triển lãm - Ảnh Đức Triết
Mộc bản tranh dân gian Hàng Trống trưng bày tại triển lãm - Ảnh Đức Triết

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình - hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, tranh dân gian làng Sình - một dòng tranh nổi tiếng ở miền Trung có hơn 400 năm tồn tại - đang dần phôi pha, biến dạng. Hiện người làm tranh chỉ còn 5 gia đình, trong đó duy nhất gia đình ông Kỳ Hữu Phước đủ sức làm bảo tồn từ bản cắt đến phục dựng, 4 gia đình khác chỉ hỗ trợ để in tranh.

Ở miền Nam, một thời tranh kiếng (kính) dân gian Nam bộ không thể thiếu trong trang trí nội thất của người dân. Hay như vào những thập kỷ 1950 - 1960, ở đất phương Nam có dòng tranh tạo hình nổi trên lụa gọi là tranh gói vải.

Thế nhưng “ngày nay, tranh kiếng dân gian Nam bộ không còn được ưa chuộng. Với tranh gói vải, đến năm 2016 chỉ còn một người làm là nghệ nhân Hồ Văn Tai ở Đồng Tháp” - nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Đức nói.

Đáng tiếc nhất là dòng tranh Kim Hoàng của làng Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội đã thất truyền từ năm 1915 khi làng mạc ngập trắng, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Ngày nay chỉ còn một số ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh thờ ngũ hổ- tranh dân gian Hàng Trống được trưng bày tại triển lãm - Ảnh Đức Triết
Tranh thờ ngũ hổ- tranh dân gian Hàng Trống được trưng bày tại triển lãm - Ảnh Đức Triết

 

Tranh gói vải Nam Bộ trưng bày tại triển lãm - Ảnh Lê Bích
Tranh gói vải Nam Bộ trưng bày tại triển lãm - Ảnh Lê Bích

Đừng tự đánh mất ký ức

Trước nguy cơ tranh dân gian Việt Nam sẽ thất truyền khi những “báu vật sống” không còn, họa sĩ Bùi Hoài Mai cho rằng đấy là sự thật phải chấp nhận. Nhưng “nếu cứ ngồi than khóc thì tranh dân gian sẽ nhanh chóng biến mất vĩnh viễn khỏi ký ức. Hãy nhanh chóng bắt tay vào làm” - họa sĩ Bùi Hoài Mai bày tỏ.

Theo họa sĩ Bùi Hoài Mai, có người nghĩ cất vào kho là bảo tồn. Nhưng cất vào kho rồi không ai biết và chính dân chúng cũng quên thì việc bảo tồn ấy vô ích. Quan trọng là phải khơi dậy, đưa vốn cha ông bước vào đời sống với hơi thở mới, với câu chuyện mới tiếp nối với cái cũ. Việc bảo tồn không có nghĩa là cứ cố giữ khư khư cả làng làm nghề, mà cần bảo tồn trên nhiều phương tiện.

“Tôi nghĩ nên làm sách đỏ về các nghề truyền thống. Bên cạnh đó, cần đưa tranh dân gian vào dòng thương mại. Nghĩa là cần sự tham gia của các nhà thiết kế, các nhà thương mại để nghệ nhân không bán tranh theo giá của một sản phẩm thủ công, mà bán như một sản phẩm văn hóa” - họa sĩ họ Bùi phân tích.

Trong khi đó, PGS.TS Phan Thanh Bình đề xuất: “Việc bảo tồn phải gắn với việc tôn trọng tín ngưỡng dân gian. Lâu nay chính sách rất nhiều nhưng chỉ phục vụ việc du lịch trước mắt, hoặc những vụ việc đơn giản chứ chưa mang tính lâu dài là tôn trọng người dân, tôn trọng tuyệt đối niềm tin tín ngưỡng”.

Còn PGS.TS Trương Quốc Bình - nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật - nhấn mạnh: “Phải quảng bá về tranh dân gian trong chiến lược phát triển văn hóa, du lịch. Nhà nước phải có chính sách tiêu thụ sản phẩm, kèm theo chính sách thuế sao cho phù hợp. Cũng như rất cần tôn vinh nghệ nhân sao cho xứng tầm. Đặc biệt, phải có chính sách truyền nghề cho thế hệ trẻ”.

Lửa được nhen...

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bày tỏ: “Mấy năm nay, Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ của tôi đón tiếp nhiều khách đến thăm và mua tranh. Tôi mong làng tranh Đông Hồ nhộn nhịp như xưa...

Tôi cũng may mắn được tặng bộ sưu tập có cả mẫu tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng, nên rất mong có sự hỗ trợ kinh phí để khắc tất cả mẫu tranh quý này, nhất là dòng tranh Kim Hoàng”.

Dòng tranh Đông Hồ cũng có tin vui khi có người “nối gót” là anh Lê Hoàn, con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Dẫu vậy, nghệ nhân Nghiên chưa an lòng: “Lửa nghề đã nhen, nhưng cháy được và gìn giữ được không là chuyện khác…”.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên