23/02/2020 09:43 GMT+7

Níu những giêng hai

NGUYỄN MỸ NỮ
NGUYỄN MỸ NỮ

TTO - Có thể nói gã rủng rỉnh tiền bạc suốt mấy tháng đầu năm. Nhờ tết và khoảng ngày này. Khi bà con họ hàng về thăm quê nhiều. Và gã được gặp nhiều người. Gặp là gã ỉu xỉu ngay, y hệt cái bánh tráng mắc mưa.

Níu những giêng hai - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Gã nói có cựa mình mới có lộc, có kêu mới có được. Chắc vậy, mà gã kể lể bịnh hoạn rất tài. Khóc rất hay nghen.

Tết, lỡ ai đó hỏi có khỏe không là coi chừng sập bẫy. Mà sau tết, hỏi thăm gã không chừng vẫn bẫy sập. Tết = tiền, là kiểu nghĩ của gã cùng với câu này được ngân nga suốt mấy bữa đầu năm: "Tiền là Tiên là Phật. Là sức bật của tuổi già...". Tết vừa rồi, cũng câu trên nghe gã đọc không được trơn tru và hào hứng lắm! Chắc có linh cảm gì đây...

Gã hơi thàng, nói như người miền Trung. Nghĩa là cái đầu cũng không được bình thường. Nhất là mấy hồi thời tiết không thuận, ngày mấy bận đổi thay. Nắng đó rồi mưa và mới lạnh tức thời đã nóng. Kiểu trời vậy, má chồng tôi kêu là dập nhả và tôi rất thích chữ này. Hồi chưa mất, má nói trời cứ dập nhả miết vầy mình mẩy tao rêm nhức dữ quá. Muốn bịnh rồi. Gã cùng họ ngoại với chồng tôi. 

Vai em, tuổi chừng bốn mươi và không nhà cửa để khỏi giữ và cũng không vợ con để khỏi rộn. Gã tự giới thiệu vậy đó! Ngày thường, gã sống luôn trong công ty mình làm bảo vệ. Ngày lễ, tết nhất về đây và xin vợ chồng tôi một chỗ nằm. Đó, cũng câu gã nói. Thường, người ta chạp mả vào tháng cuối của năm. Nhưng phía ngoại của chồng tôi lại sau tết có trên nửa tháng. Nếu vậy sao không kêu là giêng mả, anh Hai? Có lần gã thắc mắc hỏi lại chồng tôi như vậy. Chồng tôi nói mày cần biết chi cho mệt trí.

Do chạp mả nên qua rằm tháng giêng nhà chúng tôi hay có nhiều khách xa. Mấy dì và các cậu thường rủ nhau về chung và ít muốn ở khách sạn hay nhà mấy đứa em, dù ở mấy nơi đó rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Mấy người bà con tới hồi nào là có ngay gã hồi đó mới thiệt hay chứ! Nhà chật hẹp nhưng nỗi vui là ngược lại. 

Chị em con cháu đùm túm, đi chợ nấu nướng, chuyện trò giỡn hớt và đánh bài. Và người thường xuyên gầy sòng là gã. Thằng cháu hay chọc: "Đó là cách cậu xài bớt tiền, phải không?". Và gã cũng không vừa, khi gặng lại: "Bây tưởng tao thua hả? Còn lâu...". Gã có thua sẽ có người bù lại, khỏe re. Đâu như mấy bà dì của chồng tôi đánh tứ sắc thua mất dàng bánh tráng, đánh xì lác thua mất mấy hũ mắm thu...

Chẳng là, trước khi ra ngoài này chạp mả, các dì được con cháu cho ít đồng bọc cho ấm lưng. Về quê cũng đâu có tiêu pha tới. Mấy dì tính dùng tiền đó mua ít đặc sản địa phương, vì lũ em trong đó rất ghiền. Nội mắm mà đứa ưa mắm mực, đứa thèm mắm nêm, đứa thì mắm thu, đứa lại là mắm tép chua... Rồi bánh tráng dày có mè, bánh tráng nước dừa để nướng, bánh tráng gạo mỏng để nhúng, bánh tráng mì nhất, bánh tráng củ lang. Rồi tré, rồi nem chua... Ba thứ mồi mà mấy thằng con rể, con trai của các dì vẫn dặn.

Chưa qua rồi cái tháng giêng là gã đã khẳm hung. Cũng thằng cháu ghẹo và gã tủm tỉm cười. Mày làm cái bộ mình tao như cái ghe cái tàu và đang trúng hải sản? Ừ! Mà trúng thiệt. Trúng, coi bộ còn hơn tết nghe anh chị Hai. Thành chi một năm em mê nhất có dịp này. Em mê cái giêng mả của phía ngoại mình nhất trần gian. Em trông cho nó mau tới. Xếp chồng xếp lớp lên nhau cũng được. Đó! Giêng mả này, mới rồi, đã giêng mả khác. Tới liền liền cho em trúng. Nghe gã nói đi nói lại hai từ giêng mả ông cậu thứ năm lớn tiếng la, biểu không nên nói vậy. Phải nói là chạp mả, phải kêu là giêng hai cho có thứ tự lớp lang. Cho ra người hiểu chuyện. Biết không? Gã dạ khan và cười. Công nhận: có tiền nhiều, gã cười rất có duyên và đẹp.

Năm nay, giáp giao thừa gã mới về. Nói, đợt này em ở đây lâu. Ở luôn đặng khỏi chạy qua chạy lại. Ở đặng chờ bà con, vậy mà chưa qua hết đêm mùng ba đã về lại công ty. Về, sau một cú điện thoại của ông cậu. Nói cậu không ra được vì sợ corona. Cậu già hay bịnh, sức đề kháng yếu, các em không cho... Trưa đó thì một bà dì cũng nguyên vẹn nội dung. Hôm qua, gã ghé nhà cắn hết một mớ hột bí và làm hai bình trà rồi trầm ngâm, khi hỏi:

- Đình hết hả anh chị?

- Ừ! Sợ về nhà từ đường, đông đảo người tụ tập. Dễ lây nhiễm...

Làm thinh cả đỗi lâu rồi gã mới đổi giọng. Trầm khan, khi tâm sự:

- Tháng giêng dòng tộc mình chạp mả, em được thương được bà con cho bộn bạc. Em vui lắm chứ! Nhưng ước sức, tháng giêng đây em không được cho lấy một xu còn vui hơn nữa. Miễn bà con về. Miễn đừng có cái dịch đây.

Chồng tôi cà khịa: "Vậy tiền đâu cho chú mày bọc nặng ví?". Có vậy mà gã nổi giận, nói anh Hai sao vậy? Nói cho mấy người biết. Thằng này có thàng thiệt nhưng cũng biết nghĩ lắm nghen. Rồi rưng giọng: "Em thèm được có tháng giêng như mấy năm trước. Nhà mình chộn rộn suốt ngày đêm chứ đâu vắng vẻ hiu hắt vầy. Thèm ghê...".

Ngồi im suốt cuộc chuyện trò trong cái vắng lặng của ngôi nhà và những xám lạnh, từ bên ngoài cho tới tận tâm hồn mình. Tôi thầm nghĩ: Nào chỉ có dòng tộc mình đâu, Ba Linh. Ba là thứ và Linh là tên của gã đây.

Truyện ngắn: Con số 1 khủng khiếp Truyện ngắn: Con số 1 khủng khiếp

TTO - Có hai câu chuyện đã trở thành giai thoại về thằng Tùng, mà cứ mỗi lần họp lớp là thể nào cũng có đứa nhắc lại rồi cùng cười lăn cười bò.

NGUYỄN MỸ NỮ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên