Cựu phóng viên ảnh Nick Út (bìa trái) trong buổi trò chuyện sáng 11-5 - Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Đó có lẽ là một trong những lý do khiến tác giả Nick Út trao tặng bức ảnh Em bé napalm cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) vào ngày 6-5.
Cùng với bức ảnh này, Nick Út còn trao tặng 5 bức ảnh trong sự kiện nổ bom tại Trảng Bàng, Tây Ninh ngày 8-6-1972 và 1 máy ảnh Nikkormat ông sử dụng trong chiến tranh Việt Nam cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
* Vì sao ông lại quyết định trao các bức ảnh nổi tiếng của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam?
- Việt Nam là quê hương của tôi, cũng là “quê hương” của những bức ảnh đó. Nhân vật trong những bức ảnh này phần lớn là phụ nữ Việt Nam. Không nơi nào hợp hơn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để trao lại loạt ảnh này.
Thế giới biết về bức ảnh Em bé napalm, biết đến một Kim Phúc sống sót từ chiến tranh, biết đến một ông ký giả Nick Út cũng là người cứu sống nhân vật trong bức ảnh.
Nhưng khi tôi về Việt Nam, tình cờ gặp nhiều đứa trẻ ngoài đường, tôi hỏi có biết Em bé napalm không, bọn trẻ lắc đầu. Tôi mong muốn các em học sinh sinh viên đến xem triển lãm để hiểu hơn về lịch sử nước nhà.
Nhiều bảo tàng trên thế giới ngỏ lời xin tôi bức ảnh Em bé napalm, những vật dụng tư trang của tôi thời chiến tranh Việt Nam. Tôi đã tặng cho các bảo tàng ở Washington D.C, Hoa Kỳ bức ảnh, thẻ nhà báo, nón sắt cùng các trang phục tôi mặc thời tác nghiệp chiến tranh Việt Nam.
Tôi đã lớn tuổi rồi, một ngày tôi mất đi, bảo tàng sẽ lưu lại những tác phẩm chứng tích lịch sử, lưu lại tuổi trẻ của tôi ở đây.
* Tháng 3 vừa qua, ông đã xin nghỉ hưu ở Hãng thông tấn AP sau 51 năm cầm máy. Điều gì ám ảnh ông nhiều nhất trong suốt chặng đường qua?
- Là phóng viên chiến trường tôi phải đối diện với nhiều điều kinh khủng như máu me, chết chóc, thảm cảnh... khiến tôi bị sang chấn tâm lý, tổn thương tinh thần. Bước ra từ cuộc chiến, hình ảnh âm thanh rùng rợn cứ bám lấy tôi.
Mỗi khi về nhà ngủ, tôi nghe tiếng máy bay rít trên bầu trời là bật dậy, người tôi toát hết mồ hôi. Tôi sợ... Tôi không thích xem phim tài liệu chiến tranh, những phim có cảnh đánh đấm máu me. Nó gợi cho tôi về tháng ngày chiến tranh Việt Nam.
* Chính vì thế, ông đã chuyển sang chụp người nổi tiếng?
- Phần vì tôi được điều chuyển công tác, phần nữa là tôi thấy cuộc sống này còn nhiều điều đẹp đẽ cần được kể qua lăng kính nhiếp ảnh.
* Niềm vui sau khi về hưu của ông là gì? Thời gian sắp tới ông có dự định gì không?
- Hơn nửa thế kỷ làm việc, nghỉ hưu là sung sướng cuộc đời tôi. Thời gian rảnh nhiều hơn, tôi đâm buồn chán lại xách máy đi chụp đó đây, quang cảnh, con người.
Các trường đại học ở Mỹ có mời tôi giảng dạy nhưng tôi từ chối. Về Việt Nam, tôi thích được nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm cùng các em sinh viên, phóng viên trẻ. Tôi dành thời gian cho gia đình, mở triển lãm ảnh và viết sách.
Trong dịp về nước lần này, sáng 11-5 phóng viên ảnh Nick Út có buổi nói chuyện về nghề báo cùng sinh viên khoa báo chí - truyền thông Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình II, TP.HCM. Đồng hành cùng ông trong cuộc nói chuyện này có nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn, nhà báo Vũ Hải Sơn. Chia sẻ với CTV Tuổi Trẻ, Nick Út nói: “Điều các bạn phóng viên trẻ thiếu đó là sự dấn thân. Điều kiện về máy móc ở Việt Nam được cập nhật nhanh không kém các nước trên thế giới. Nhưng một chiếc máy tốt không hẳn cho ra đời bức ảnh sáng giá. Sự nhạy bén, góc nhìn sáng tạo, con mắt và đôi tay phải nhanh nhạy để bắt khoảnh khắc”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận