Phóng to |
Tác giả bức ảnh lịch sử Em bé napalm Nick Út trong buổi gặp lại một trong những nhân vật trong ảnh là bà Hồ Thị Hiền sau 40 năm, trong chương trình làm phim của Hãng AP ngày 28-3 ngay sau chương trình phóng sự của ABC News - Ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn Anh |
Năm 2012 đánh dấu 40 năm ngày ra đời của bức ảnh Em bé napalm (giải World Press Photo và Pulitzer năm 1973). Nhân dịp này, Hãng ABC News - hãng truyền hình lớn nhất của Mỹ, đã đưa Nick Út trở lại VN, trở lại Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) nơi ông chụp Em bé napalm để làm một bộ phim phóng sự về ông.
Sau những ngày quay phim, phỏng vấn, hướng dẫn học sinh Mỹ nghiên cứu... từ Trảng Bàng trở về TP.HCM, trong lịch của cựu phóng viên chiến trường Nick Út có cuộc hẹn với người đồng nghiệp Ðoàn Công Tính.
Hai người và một cuộc chiến tranh
Cách đây 40 năm, họ ở hai vị thế khác nhau: Nick Út là phóng viên Hãng tin AP, Ðoàn Công Tính là phóng viên chiến trường báo Quân Ðội Nhân Dân. Những ngày ác liệt ở cuộc chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, Nick Út ở vòng ngoài thành cổ, Ðoàn Công Tính ở bên trong thành cổ. Nick Út gọi những ngày đó là "mùa hè đỏ lửa 1972", Ðoàn Công Tính gọi là "chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị 1972". Trong sự hồi tưởng của cả hai là những ký ức về năm 1972 khốc liệt, cũng là năm làm nên tên tuổi của hai gương mặt phóng viên chiến trường VN nổi tiếng cả trong nước và quốc tế này.
Tháng 6-1972, chứng kiến cảnh máy bay Mỹ không kích một ngôi làng ở Trảng Bàng, người phóng viên AP 21 tuổi Nick Út đã chụp được bức ảnh cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc (hiện là đại sứ hòa bình của Liên Hiệp Quốc) trần truồng với những mảng da bị cháy tuột ra bởi bom napalm, đang cùng các đứa trẻ khác gào khóc chạy tán loạn trên quốc lộ. Bức ảnh là một cơn địa chấn lịch sử, tố cáo sự thật chiến tranh vô nghĩa và tàn bạo của bom đạn Mỹ lên cơ thể và sinh mệnh của trẻ em, thường dân vô tội VN.
Ðã có rất nhiều giải thưởng và vinh quang cho bức ảnh đó, nhưng để nhắc lại thì giờ đây Nick Út trầm ngâm mà nói rằng điều ông đã làm đúng lúc đó là kịp thời đưa Kim Phúc đến bệnh viện chữa chạy, cứu sống cô bé. Nghĩa vụ nghề nghiệp, lương tâm và trách nhiệm với đồng loại luôn là một quy chuẩn khắt khe mà dư luận yêu cầu ở người cầm máy đằng sau mỗi bức ảnh.
Ở chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào năm 1971 (phía quân đội Sài Gòn gọi là chiến dịch Lam Sơn 719) hay cuộc chiến Thành cổ Quảng Trị 1972, người phóng viên chiến trường Ðoàn Công Tính ở độ tuổi 29 vừa có vợ và con nhỏ vẫn lăn xả vào chiến trường để có những bức ảnh nóng bỏng nhất, sát nhất, nhanh nhất về các trận đánh. Ông từng bị bom B.52 khoan vô hầm, đến giờ vẫn chưa hiểu vì sao... thoát chết!
Chụp xong ảnh cuộc chiến Thành cổ Quảng Trị ông tức tốc bơi qua sông Thạch Hãn, chạy bộ, đu theo xe chở xác liệt sĩ... về Hà Nội để giao ảnh sớm nhất. Trong từng bức ảnh của Ðoàn Công Tính có thể thấy được chiến tranh, sự khốc liệt của từng trận đánh. Những bức ảnh như Ðánh chiếm căn cứ Ðầu Mầu, Nụ cười Thành cổ Quảng Trị... là những bức ảnh nổi tiếng không thể nào quên của ông.
Nói về Ðoàn Công Tính, Nick Út luôn dành những tình cảm trân trọng: "Tim Page, phóng viên chiến trường nổi tiếng và cũng là một đồng nghiệp của tôi, luôn nhận xét anh Ðoàn Công Tính là một phóng viên chiến trường rất giỏi, tôi luôn đồng ý như vậy. Mỗi lần về VN, hễ có dịp là tôi hẹn gặp để trò chuyện với anh".
Trả lời email: công việc hằng ngày của Nick Út
Với Nick Út, trở lại Trảng Bàng lần này với các học sinh trung học Barbara (California, Mỹ) là một trải nghiệm khác. Họ gặp nhau ở quán bánh canh Trảng Bàng của vợ con ông Phan Thanh Tân (nay đã mất) hay quán tạp hóa của hai chị em bà Hồ Thị Hiền, Hồ Văn Bạch là những đứa trẻ chạy nạn trong bức ảnh của Nick Út năm xưa.
Khi xem lại những thước phim, được nghe lời kể của những nhân chứng, học sinh Mỹ tuôn trào nước mắt. Các học sinh này nói họ cảm nhận được sự đau đớn, nỗi sợ hãi của những đứa trẻ trong bức ảnh. Các học sinh Trường Barbara cũng đặt câu hỏi với bà Hồ Thị Hiền rằng bà có còn oán hận Mỹ hay không. Bà Hiền trả lời rằng chiến tranh đã qua lâu rồi, xem như một tai nạn mà thôi, không muốn nhắc lại nữa.
Mặc dù bây giờ mỗi lần nghe tiếng máy bay hay tiếng sấm sét thì bà Hiền vẫn ôm đầu hoảng hốt, ám ảnh bởi nỗi sợ hãi bom đạn ngày trước. Nhưng cũng đã có rất nhiều người Mỹ ghé lại nơi đây với lời xin lỗi...! Còn với Nick Út, ông trở lại với một con người hồn hậu, đa cảm: "Nhìn các học sinh khóc, mình cũng không cầm lòng được, chỉ muốn... khóc theo!".
Nick Út kể rằng ông nhận được hàng trăm email của các học sinh, giáo viên từ khắp nơi trên thế giới liên tục gửi cho ông để tìm hiểu kỹ hơn về bức ảnh. Ông xem trả lời những email này là một trong những công việc hằng ngày bởi vì: "Với học sinh, giáo viên và phục vụ cho việc giáo dục thì tôi không thể từ chối được" - Nick Út giải thích.
Tâm sự về lần gặp này tại TP.HCM, Ðoàn Công Tính cũng nói về Nick Út: "Những ngày này đi đâu tôi cũng nói rằng bức ảnh của anh Nick Út đã làm được điều phi thường. Trước đó đã có những bức ảnh của Eddie Adams, Kyoichi Sawada, Malcom Browne... tố cáo chiến tranh VN, nhưng bức ảnh của anh Nick Út là đỉnh điểm, là giọt nước làm tràn ly phong trào phản đối chiến tranh VN ở Mỹ và trên thế giới. Anh Nick Út đã làm điều mà không ai làm được!".
Giải thưởng mới nhất của Nick Út Về VN lần này, Nick Út tiết lộ tháng 9-2012 anh sẽ đến Ðức để nhận giải Hall of The Fame của Hãng máy ảnh Leica. Ðây là giải thưởng không thường xuyên được Hãng Leica đặt ra để vinh danh những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất còn sống. Bức ảnh được đánh giá "là một trong những bức ảnh làm thay đổi lịch sử thế giới" Em bé napalm của Nick Út được chụp bằng loại máy ảnh Leica M2. Năm 2002, Viện bảo tàng Khoa học London (London Science Museum - Anh) đã mượn chiếc máy ảnh được bảo hiểm 100.000 USD này để triển lãm với dòng giới thiệu: "Ðây là chiếc máy ảnh đã làm thay đổi cách bạn nhìn về thế giới". Buổi khai mạc, nữ hoàng Anh Elizabeth đến dự và có cuộc chuyện trò với Nick Út, Phan Thị Kim Phúc. Hiện nay, chiếc Leica M2 của Nick Út được trưng bày tại Viện bảo tàng Báo chí Washington D.C (Mỹ). |
QUANG THI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận