05/08/2016 08:40 GMT+7

​Nhuộm tóc: đẹp ít - nguy hiểm nhiều

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hiện nay phong trào làm đẹp cho mái tóc đang bùng nổ, gần như 80% phụ nữ đều hơn một lần tiếp xúc với các loại thuốc nhuộm để làm trẻ hóa hoặc thay đổi màu sắc tóc cho phù hợp vóc dáng và dung nhan.

Tuy nhiên bên cạnh tác dụng làm đẹp thì thuốc nhuộm tóc cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mà không ai có thể lường được.

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng hiện tượng dị ứng thuốc nhuộm tóc ngày càng gia tăng, trước đây ở giới trẻ, nay tỷ lệ này đang gia tăng ở lứa tuổi trung niên và nhất là sau 40, điều này đã được đăng tải trên nhiều tạp chí ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển. 

Thành phần chính trong các loại thuốc nhuộm từ hóa chất đó chính là paraphenylenediamine (PPD), toluene-diaminesulphate (TDS), resorcinol, aminoazobenzene, xylidine, aminophenol, những chất này đa phần là dẫn xuất của benzene và phenol có vai trò thấm sâu vào sợi tóc. Ngoài ra còn có những thành phần khác trong thuốc nhuộm gọi là metallic dye có chứa nhiều kim loại nặng như chì, bạc, đồng nhằm mục đích tạo thành vỏ bọc bên ngoài sợi tóc. 

PPD chính là hóa chất gây độc hại nhiều nhất và hiện nay tại các quốc gia như Pháp, Đức, Thụy điển đã ban hành lệnh cấm sử dụng các loại thuốc nhuộm có chứa PPD, nhưng nhiều người vẫn không chấp hành và vẫn tiếp tục sử dụng. 

Theo nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Tỷ lệ ung thư ở những phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này.

Trong y học cổ truyền cũng có nhiều cây cỏ thiên nhiên có tác dụng làm đen và đẹp tóc:

Cây cỏ mực hay cỏ nhọ nồi (Eclipta alba), được mô tả trong Dược điển Ấn Độ là thảo dược thiên nhiên hữu hiệu nhất để chống rụng tóc và chữa tóc bạc sớm. Cỏ mực phơi khô, tán bột, hòa nước thành bột nhão chà xát vào chân tóc sẽ giúp tóc đen hơn, ngoài ra trong thành phần cỏ mực còn chứa nhiều nhóm hoạt chất polyphenol có tác dụng chống oxy hóa tế bào, làm bền mao mạch và giúp cho các dưỡng chất nuôi da đầu khỏe mạnh.

Quả Keo đẹp (Acacia concinna), đem ngâm trong nước rồi gội đầu (giống như Bồ kết), làm sạch gàu, giúp tóc tăng trưởng nhanh, chống gãy rụng và chẻ ngọn. Người dân Ấn Độ gọi đây là “fruit for the hair” vì nó rất bổ cho tóc. Thành phần dịch chiết của quả có độ pH kiềm nhẹ giúp làm sạch tóc, nhất là những người có dạng tóc xơ cứng dễ gãy rụng.

Quả Bồ hòn (Sapindus mukorossi), được dùng nuôi dưỡng tóc vì trong thành phần có chứa nhiều saponin có tính tẩy sạch như xà bông. Nó được gọi là “soapnut”, có tác dụng làm sạch gàu trên da đầu, chống ngứa da và nấm da đầu. Quả Bồ hòn được ứng dụng để chế biến thành dầu gội hoặc dạng kem bôi da đầu, giúp làm sạch da đầu và phòng ngừa nấm tóc, gàu.

Cây thuốc nhuộm (Henna =Lawsonia inermis) được xem là một chất nuôi dưỡng tóc thiên nhiên có khả năng bảo vệ lớp vỏ bọc ngoài của sợi tóc, giữ màu tóc, chống gãy rụng và tránh tóc bạc sớm. Henna là thành phần chính trong các loại thuốc nhuộm, nó giúp cho tóc có màu đẹp tự nhiên mà không gây tác dụng phụ nào. Bạn có thể tìm lấy lá phơi khô, tán bột, hòa trong nước hoặc dầu, chà xát vào chân tóc, sau đó gội sạch.

Bồ kết (Tạo giác), trong quả Bồ kết có chứa nhiều saponin và hạt chứa chất dầu nên được dân gian sử dụng hàng ngày để gội đầu và làm sạch da đầu. Gội Bồ kết phối hợp với chanh là phương pháp kinh điển từ ngàn xưa ông bà ta đã dùng để làm sạch và thơm tóc, giúp tóc không bị rụng, sạch gàu và mang lại cho ta một mái tóc đen bóng mượt và óng ả.

Lời khuyên của các chuyên gia về tóc là không nên lạm dụng việc nhuộm tóc để làm đẹp vì thuốc nhuộm tóc có nhiều tác hại cho tóc và sức khỏe. Nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung cho cơ thể nguồn sinh tố và khoáng tố từ thiên nhiên trong các loại rau, củ, quả, ăn các loại trái cây màu sậm để tăng cường chất chống oxy hóa tế bào.

Riêng với lứa tuổi teen, chỉ nên nhuộm để thay đổi màu tóc khi cần thiết. Chú ý những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm, eczema, dị ứng thức ăn, thuốc... cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc nhuộm tóc. Tuyệt đối không dùng các thuốc mà bản thân đã biết chắc hoặc đã nghi ngờ là gây dị ứng. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang hành kinh tuyệt đối không dùng. Đừng vì ham làm đẹp trong giây phút mà ân hận đến trọn đời vì hậu quả để lại sau khi nhuộm tóc.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nhuộm tóc